Chuyện thương hiệu ở những hàng quán TP.HCM:

Quán ăn nổi tiếng TP.HCM lật đật đăng ký độc quyền nhãn hiệu vì chuyện… 'dở khóc dở cười'

03/03/2023 12:08 GMT+7

Từng gặp nhiều chuyện "dở khóc, dở cười", nhiều chủ quán ở TP.HCM nhanh chóng đăng ký độc quyền nhãn hiệu để tránh những rắc rối về sau.

Hiện nay, nhiều hàng quán có tiếng ở TP.HCM cho biết họ đã ý thức rõ được những lợi ích của việc đăng ký độc quyền thương hiệu, nhãn hiệu từ sớm. Theo các chủ quán, đó là cách để bảo vệ uy tín quán ăn của mình, giúp cho họ kinh doanh đường dài một cách thuận lợi.

“Khách ăn quán nhái, lại mắng vốn quán thật!"

Hơn 40 năm qua, quán lẩu bò Giáo Toàn của gia đình ông Nguyễn Đức Thịnh (43 tuổi) nằm ở số 218 Quốc lộ 1K (P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức) là điểm đến quen thuộc của nhiều người dân ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. 

Quán ăn này được nhiều thực khách xa gần biết đến vì nhiều người truyền tai nhau quán rộng như cái chợ, mỗi ngày chủ quán bán gần… 1 tấn bò vì lúc nào khách cũng đông nghìn nghịt.

Chủ quán TP.HCM lật đật đăng ký độc quyền nhãn hiệu vì chuyện… “dở khóc dở cười" - Ảnh 1.

Quán bún bò Giáo Toàn của ông Thịnh có thâm niên 40 năm nay ở Thủ Đức.

CAO AN BIÊN

Dù quán đã tồn tại hơn 4 thập niên, từ đời của ba mẹ ông Thịnh, tuy nhiên hơn 6 năm trước gia đình ông mới bắt đầu đăng ký độc quyền nhãn hiệu lẩu bò Giáo Toàn. Tất cả xuất phát từ những câu chuyện dở khóc, dở cười mà gia đình ông gặp phải trước đó.

“Quán ăn của tôi được nhiều người biết tới và ủng hộ từ thời của ba mẹ tôi rồi mới tới đời tôi. Nhiều người thấy vậy cũng mở quán bán lẩu bò, bún bò lấy thương hiệu là Giáo Toàn luôn. Không ít khách tưởng đó là chi nhánh mà gia đình tôi mới mở nên ăn thử, nhưng thấy chất lượng không bằng quán của mình nên sau này có dịp ghé lại ăn họ nói chất lượng bên kia không bằng. Lúc đó, tôi phải tá hỏa giải thích rằng quán mình suốt bao năm vẫn bán ở đây, không có mở chi nhánh hay nhượng quyền cho ai", ông chủ nhớ lại.

Chủ quán TP.HCM lật đật đăng ký độc quyền nhãn hiệu vì chuyện… “dở khóc dở cười" - Ảnh 2.

Ông chú trọng đăng ký độc quyền thương hiệu sau những chuyện "dở khóc, dở cười".

CAO AN BIÊN

Kể từ những lần như vậy, ông Thịnh nhận thức được phải đi đăng ký độc quyền thương hiệu của mình, vừa là để đảm bảo uy tín của quán ăn do ba mẹ gầy dựng, khách không phải nhầm lẫn, vừa tránh được những rắc rối không đáng có về sau, khi nhiều người nhái thương hiệu của mình.

“Mình biết là những quán ăn không ngon, nấu không chất lượng dù có nhại quán nào rồi cũng sẽ không giữ chân được khách. Nhưng nếu họ nhại quán mình, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh, quan trọng nhất là mất uy tín với khách. Khi đăng ký độc quyền nhãn hiệu và được pháp luật bảo vệ, mình sẽ an tâm hơn để kinh doanh, buôn bán mang những phần ăn chất lượng nhất cho khách", anh Thịnh nói thêm.

Trong khi đó, quán bánh canh của bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (50 tuổi, ngụ Q.10) với thâm niên gần 10 năm nay cũng đã có được một vị trí vững chắc trong lòng những người yêu ẩm thực ở TP.HCM. Tương tự như ông Thịnh, nhiều khách cũng hay nhầm lẫn quán bánh canh của bà với nhiều những quán mới mở khách, khi tên gọi đều giống nhau.

Chủ quán TP.HCM lật đật đăng ký độc quyền nhãn hiệu vì chuyện… “dở khóc dở cười" - Ảnh 3.

Quán bánh canh cua của bà Dung cũng "thở phào" sau khi đăng ký độc quyền thương hiệu.

CAO AN BIÊN

Chủ quán TP.HCM lật đật đăng ký độc quyền nhãn hiệu vì chuyện… “dở khóc dở cười" - Ảnh 4.

Tuy nhiên, bà chủ nói rằng điều quan trọng để quán tồn tại hơn 10 năm qua chính là chất lượng món ăn mang đến cho khách.

CAO AN BIÊN

Thấy vậy, bà quyết định đăng ký độc quyền nhãn hiệu tên gọi: “Bánh canh gia truyền Cô Dung”, vậy mà bà mới có thể thở phào yên tâm. “Hồi chưa đăng ký, nhiều người ăn ở quán khác thấy không ngon như lời giới thiệu thì cũng qua mắng vốn mình, hỏi chi nhánh mới mở sao kỳ vậy. Lúc đó mình cũng lật đật giải thích cho người ta. Từ hồi đăng ký độc quyền tên nhãn hiệu xong thì mình mới yên tâm, nếu có chuyện gì xảy ra mình có thể nhờ pháp luật bảo vệ", bà Dung nói thêm.

Ý thức đăng ký độc quyền nhãn hiệu từ sớm

Năm 2015, khi mới mở được 2 quán bún bò ở TP.HCM, chị Trương Thị Hạnh (37 tuổi, quê Quảng Ngãi) đã quyết định đăng ký độc quyền nhãn hiệu: “Bún bò Đông Ba Gia Hội Hoàng Kim" theo tên của các con trong gia đình, như sự hy vọng về những ngày tháng hoàng kim của quán bún bò mình những ngày sau tới.

“Mình ít học, có ông anh nói là mình đã bán bún bò rồi thì phải đăng ký thương hiệu đi, sợ sau này quán mình phát triển rồi bị người ta lấy là mất luôn tên thì khổ. Thấy vậy mình cũng đi đăng ký vì ôm ấp lý tưởng phát triển quán bún bò của mình lâu dài. Tận 2 - 3 năm sau, sau khi hoàn tất cả thủ tục và chờ được phê duyệt, mình mới đăng ký được", chị nhớ lại.

Chủ quán TP.HCM lật đật đăng ký độc quyền nhãn hiệu vì chuyện… “dở khóc dở cười" - Ảnh 5.

Đăng ký độc quyền thương hiệu từ hồi mới mở 2 quán, nay quán bún bò của chị Hạnh đã mở được 36 chi nhánh.

CAO AN BIÊN

Kể từ đó, chị hoàn toàn yên tâm việc buôn bán. Cũng từ đây, chị nhượng quyền thương hiệu lại cho người quen, anh em trong nhà cũng như một vài người lạ. Tuy nhiên, chị hết sức cẩn thận với những điều khoản trong hợp đồng.

Cho đến nay, chị chủ đã có hơn 36 quán bún bò, trong đó 30 quán ở nhiều quận, huyện của TP.HCM, 6 quán còn lại chủ yếu ở Quảng Ngãi, Bình Thuận… Chị Hạnh nói rằng chính nhờ việc đăng ký độc quyền nhãn hiệu từ sớm đã giúp chị cảm thấy an tâm hơn trong việc kinh doanh của mình, chị tập trung vào việc đầu tư vào chất lượng món ăn để “lấy lòng" khách suốt nhiều năm qua.

“Tôi nghĩ rằng, khi đã kinh doanh, buôn bán, nhất là về hàng quán như vầy, việc đăng ký độc quyền nhãn hiệu là cực kỳ quan trọng. Việc này tránh cho mình được rất nhiều những rủi ro không đáng có về sau. Tôi ít học nên không biết phải đăng ký như thế nào, may mắn là có người thân hỗ trợ mình. Nhờ đó mà tôi mới có được như ngày hôm nay", chị nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.