Quá trình 'quay phim trên sao Hỏa' của The Martian

02/02/2016 15:48 GMT+7

Với hàng loạt đề cử tại Oscar 2016, The Martian là thành quả tuyệt vời của đội ngũ làm phim khi tái hiện con đường trở về đầy gian khổ của một nhà du hành bị bỏ rơi trên sao Hỏa.

Với hàng loạt đề cử tại Oscar 2016, The Martian là thành quả tuyệt vời của đội ngũ làm phim khi tái hiện con đường trở về đầy gian khổ của một nhà du hành bị bỏ rơi trên sao Hỏa.

Mark Watney cô độc giữa sao Hỏa trong 'The Martian'Mark Watney cô độc giữa sao Hỏa trong 'The Martian'
Đưa sao Hỏa về Trái đất
Trước The Martian, khán giả đã có dịp tiếp xúc với không gian bên ngoài bầu khí quyển Trái đất cùng những phi hành gia tài giỏi qua các bộ phim như Gravity của đạo diễn Alfonso Cuaron hay Interstella của Christopher Nolan. Năm 2015, những tín đồ của màn ảnh rộng lại có cơ hội theo chân nhà du hành vũ trụ Mark Watney (Matt Damon thủ vai) sống những ngày tháng cô đơn trên “hành tinh đỏ” với những cảnh quay trên “sao Hỏa” sống động nhất.
Sau nhiều tháng liền trải qua quá trình chuẩn bị phục trang, đạo cụ, The Martian bắt đầu được bấm máy vào tháng 11.2014 tại phim trường Korda Studio ở thành phố Budapest, Hungary. Đây được coi là phim trường lớn nhất trên thế giới với tập hợp 6 sân khấu có kích thước cỡ bự, cảnh quan được xây dựng nhân tạo rất phong phú cộng với đội ngũ những nhà sản xuất phim điện ảnh dày dạn kinh nghiệm, được coi là sự lựa chọn lý tưởng cho The Martian. Đặc biệt, sân khấu thứ 6, với diện tích 5.856 m2 chính là nơi được sử dụng để quay trận bão cát khổng lồ, nguyên nhân khiến Mark Watney bị bỏ lại trên sao Hỏa.
Theo lời kể của nhà sản xuất Mark Huffam, bộ phim ban đầu được dự định quay ở một vùng đất hẻo lánh tại Úc khi ở đây có khu vực đá màu đỏ giống với trên sao Hỏa. Tuy nhiên, các thỏa thuận quay phim với chính phủ nước này thất bại đã buộc đoàn làm phim phải tìm phương án khác. Cuối cùng, các nhà làm phim đã quyết định thực hiện phần lớn các cảnh quay trên phim trường, kết hợp với chụp, quay toàn cảnh sa mạc Wadi Rum tại Jordan - một vùng đất có màu đỏ trong 8 ngày và chỉnh sửa bằng một số kỹ xảo để tạo nên bối cảnh “hành tinh đỏ”. Nhưng để có được màu đỏ ưng ý nhất, đoàn làm phim đã sử dụng bốn ngàn tấn đất, trong đó phải trộn ba loại đất khác nhau cùng những nguyên vật liệu khác để có được màu sắc phù hợp với màu đất giống như trên sao Hỏa.
Để tạo ra một cơn bão cát trên sao Hỏa mà không phụ thuộc vào những hiệu ứng hình ảnh được dàn dựng trên vi tính, đạo diễn Ridley Scott đã mất 3 ngày để hoàn thiện cảnh quay này với sự trợ giúp của hàng trăm chiếc quạt công suất lớn và rất nhiều tấn cát khổng lồ. Trên phim, chúng ta có thể chứng kiến đoàn phi hành gia đi giữa tâm bão cát như thế nào thì trong quá trình quay phim, các diễn viên cũng phải trải qua những điều tương tự. Khi nói về cảnh quay kinh điển này, nam diễn viên chính Matt Damon đã thốt lên rằng: “Tôi cảm giác như thể mình đang đi giữa tâm của một trận cuồn phong thật sự vậy”.
Logo của NASA xuất hiện trên quần áo của các phi hành gia trong phim
NASA - trợ thủ đắc lực của The Martian
Khám phá sao Hỏa không phải là một câu chuyện mới lạ với Hollywood nhưng câu chuyện về một con người bị bỏ rơi, phải vật lộn để tìm sự sống cho chính mình, để trở về nơi cách xa anh hàng trăm triệu km trong phim lại vô cùng mới mẻ. Là một bộ phim về khoa học viễn tưởng nhưng The Martian đã cho thấy đây là một bộ phim mà phần khoa học không bị đẩy đi quá xa so với phần viễn tưởng nhờ ý thức tham khảo tài liệu của nhà sản xuất và đặc biệt là sự trợ giúp của NASA - cơ quan nghiên cứu vũ trụ hàng đầu của Mỹ.
Để thiết kế những bộ đồ phi hành gia bám sát với nguyên mẫu, Janty Yates - người chịu trách nhiệm về phần phục trang đã làm việc trực tiếp với các nhân viên của NASA để bảo đảm tính chính xác nhất có thể. Tuy nhiên, bà tiết lộ: "Tôi biết trang phục của phi hành gia cần đảm bảo những điều tốt nhất để con người có thể sinh sống và làm việc ngoài Trái đất nhưng những bộ đồ đó vô cùng nặng nề, không mang lại hiệu ứng thị giác tốt cho khán giả. Chúng tôi đang làm phim chứ không phải đưa người vào không gian”. Do đó, Janty cùng những cộng sự đã chế tác bộ đồ sao cho vừa có thể nhìn thấy khuôn mặt của các diễn viên, vừa khiến họ thoải mái khi phải quay phim nhiều giờ liền tại sa mạc. Các trang phục được làm ra khá tương đồng với phiên bản thật và nếu chú ý, người xem có thể thấy logo của NASA trên quần áo của các diễn viên, điều mà chỉ khi có sự đồng ý của cơ quan này, các nhà sản xuất mới có thể sử dụng.
Ông James Green, giám đốc bộ phận Khoa học hành tinh của NASA đã khen ngợi tính chính xác và khoa học mà bộ phim đã mang lại. Từ hành trình lên sao Hỏa, việc mô phỏng nguyên mẫu không gian trong phòng thí nghiệm của NASA, đến hành động tạo ra nước nhờ quá trình điện phân hay việc sử dụng các máy phát điện đồng vị phóng xạ nhiệt điện để sưởi ấm đều là những chi tiết chính xác trong kế hoạch mà cơ quan này đã vạch ra để chinh phục sao Hỏa. Một phần thành công đó đến từ sự giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia đến từ NASA. Không những vậy, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ thậm chí còn ủng hộ The Martian bằng cách cho phép đoàn làm phim thực hiện nhiều cảnh quay ở các cơ sở của họ để đảm bảo cho tính xác thực của bộ phim.
Mark Watney đã trồng khoai tây thành công trên sao Hỏa
Chàng “nông dân” Mark Watney thực thụ
Đạo diễn Ridley Scott từng nói rằng: “The Martian rõ ràng là Robinson trên đảo hoang phiên bản vũ trụ”. Và với 140 phút gần như chỉ có một mình Matt Damon độc diễn, anh đã cho người xem đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác về những gì con người có thể làm để tồn tại trên sao Hỏa - một môi trường còn khắc nghiệt gấp nhiều lần trên hoang đảo của Robinsson.
Matt Damon vào vai Mark Watney - nhà thực vật học bị bỏ rơi trên sao Hỏa và phải tìm cách sống sót cho tới khi phi hành đoàn khác tới ứng cứu trong khi nguồn thức ăn, nước uống và không khí chỉ còn đủ cung cấp cho anh trong một tháng. Với những mầm khoai tây sót lại, Mark Watney đã sử dụng chất thải con người làm phân bón, tạo ra nước nhờ kết hợp oxy với hydro từ nhiên liệu tên lửa, cuối cùng anh cũng thành công khi trồng được khoai tây trên sao Hỏa. Theo tiết lộ từ đoàn làm phim, những củ khoai tây này được trồng thực sự trong một vườn ươm với ánh sáng nhân tạo. Tổng cộng đã có 1.200 củ khoai tây đã được gieo trồng.
Trên thực tế, để phục vụ cho mục đích quay phim, những cây khoai tây này được gieo trồng trong những thời điểm khác nhau để diễn tả các giai đoạn phát triển từ khi mới nhú mầm cho đến khi ra củ nhằm mang lại tính logic và chân thật nhất.
Tài tử Matt Damon cũng từng chia sẻ quá trình quay phim rằng: “Nhờ bộ phim này mà tôi trở thành nông dân và học được cách trồng khoai tây thực thụ”.
Có thể nói, The Martian là một tác phẩm được đầu tư hoành tráng không chỉ về mặt nội dung mà còn là những hình ảnh, góc quay xuất sắc nhằm mang lại cho người xem hiệu ứng chân thật nhất về một “sao Hỏa” mà Mark Watney bị bỏ lại và cuộc chiến gian khổ để trở về của nhà khoa học kiên cường này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.