Quá nguy hiểm khi xây sân golf trong sân bay

20/07/2011 01:26 GMT+7

Xây sân golf với khu dịch vụ có nhà cao tầng trong sân bay là tự đặt hoạt động hàng không vào trạng thái mất an toàn thường trực, không chỉ với hành khách bay mà còn cho chính những người có thể sẽ sử dụng dịch vụ trong sân golf.

 

Máy bay hạ độ cao để về sân bay TSN lượn sát trên đầu nhà dân rất nguy hiểm - Ảnh: Diệp Đức Minh

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (ĐH Bách khoa TP.HCM) - bày tỏ lo ngại trước việc cho xây các chướng ngại vật cao tầng trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TSN). Theo ông Tống, khu vực quanh sân bay hiện còn tồn tại nhiều trường hợp vi phạm tĩnh không sân bay. Điều này vốn dĩ đã tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho máy bay. Vậy mà các cơ quan chức năng lại còn tính tới việc đặt thêm chướng ngại vật cao tầng ngay sát đường băng sân bay thì đúng là một việc làm ngược đời!

Việc xây nhà cao tầng sát khu vực cất - hạ cánh của máy bay là lối tư duy phản khoa học, đặt lợi ích kinh doanh lên trên sự an toàn tính mạng con người

TS Trần Đình Bá

Các máy bay hiện nay với sức phục vụ lên đến hàng trăm người, nếu xảy ra sự cố thì quả thật là thảm họa với cả hành khách bay lẫn người sử dụng dịch vụ trong sân golf. "Có nhiều cách phù hợp để tận dụng quỹ đất trống trong sân bay, chứ không thể sử dụng một cách phản khoa học và bất chấp sự an toàn tính mạng con người. Nếu dư đất thì có thể đầu tư phi trường cho máy bay loại nhỏ. Bởi việc sử dụng máy bay nhỏ cho các tuyến bay gần đang là xu hướng tất yếu mà nhiều nước tiên tiến hướng đến", ông Tống nói.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm lái máy bay, ông Nguyễn Văn Tôn - nguyên Giám đốc Công ty bay dịch vụ hàng không Vasco, nhận xét, trong quá trình bay, cái khó nhất với phi công chính là giai đoạn cất - hạ cánh. Người phi công vốn chịu rất nhiều áp lực, bởi sự an toàn tính mạng của hàng trăm hành khách đều đặt cả vào họ. Do đó, nếu tăng thêm áp lực cho người cầm lái bằng cách xây thêm các chướng ngại vật trong vùng cất - hạ cánh, cũng đồng nghĩa với nguy cơ mất an toàn tăng cao. Sẽ thế nào nếu trong thời điểm chuẩn bị hạ cánh, phi công nhìn thấy bên dưới họ là cả một trung tâm dịch vụ đông đúc người, còn ngay sát máy bay là khu nhà cao tầng? Chưa kể, khi chuẩn bị cất - hạ cánh, phi công phải tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của đài chỉ huy để tránh các va chạm, nếu xây chướng ngại vật ngay trong sân bay có thể hạn chế hoạt động của đài chỉ huy hoặc tín hiệu từ radar khí tượng.

"Năm 1960, khi tôi lái máy bay từ sân bay Gia Lâm đi Lào đã gặp tai nạn do vướng dây điện khi cất cánh, rất may chỉ bị thương. Lấy ví dụ như vậy để thấy rằng, chính các chướng ngại vật là mối đe dọa số một cho an toàn bay. Đó là thời xưa sử dụng máy bay nhỏ, còn hiện nay với máy bay loại lớn chở hàng trăm người, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả thật khó lường", ông Tôn nói.

TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học kinh tế VN, cho rằng, việc xây nhà cao tầng sát khu vực cất - hạ cánh của máy bay là lối tư duy phản khoa học, đặt lợi ích kinh doanh lên trên sự an toàn tính mạng con người. Do đó, cần rà soát, xem xét lại toàn bộ dự án. Nếu chủ đầu tư và cơ quan cấp phép không thể chứng minh được tính khả thi và an toàn của dự án, nhất thiết phải dừng dự án lại trước khi quá muộn.

Xây sân golf ở sân bay Gia Lâm còn nguy hiểm hơn!

Ngoài dự án sân golf TSN, Công ty CP đầu tư Long Biên cũng là chủ đầu tư dự án sân golf và dịch vụ tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội), với quy mô 117 ha (gồm cả khách sạn, biệt thự, căn hộ và các dịch vụ kèm theo), dự kiến hoàn thành năm 2015. Từng công tác tại sân bay Gia Lâm từ năm 1955 - 1962 trong vai trò kiểm soát viên không lưu, ông Lê Trọng Sành khẳng định việc xây dựng khu sân golf - dịch vụ tại sân bay Gia Lâm sẽ gây nguy hiểm lớn cho hoạt động bay, thậm chí nguy cơ mất an toàn còn lớn hơn ở sân bay TSN. Theo quy hoạch tổng thể đến 2015, định hướng đến 2025, sân bay Gia Lâm sẽ được đầu tư gần 300 tỉ đồng để phục vụ hoạt động của các máy bay loại nhỏ và vừa (dưới 100 chỗ). Dự kiến đến 2015, sân bay Gia Lâm có khả năng tiếp nhận 162.000 lượt hành khách/năm, đến năm 2025 là 290.000 lượt hành khách/năm.

Theo ông Sành, với chủ trương khôi phục sân bay Gia Lâm như trên, nếu cho xây khu dịch vụ sân golf bên trong sân bay là cực kỳ nguy hiểm. Bởi sân bay Gia Lâm hiện đã có nhiều chướng ngại vật, một bên là bờ đê sông Hồng cao 2m, một bên là đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Trong khi đó, đường băng cất - hạ cánh ở đây vừa hẹp lại vừa ngắn. Khi hạ cánh, phi công vừa phải giữ độ cao nhất định để tránh bờ đê, vừa phải đảm bảo hạ gấp xuống đường băng để tránh va vào đường sắt - nghĩa là áp lực chướng ngại vật vốn đã rất lớn. Chưa kể, thời tiết ở đây thường có gió mùa đông bắc, trần mây thấp, tầm nhìn hạn chế... Thực tế, tại sân bay Gia Lâm từng xảy ra một số vụ tai nạn máy bay do va chạm chướng ngại vật và thời tiết xấu, nếu xây thêm cao ốc tại đây sẽ cực kỳ nguy hiểm.

"Chưa kể đến chuyện lấy hơn 40 ha đất nông nghiệp trồng lúa 2 vụ của người dân làm sân golf là đi ngược chỉ đạo của Thủ tướng, việc xây chướng ngại vật cao tầng trong sân bay Gia Lâm sẽ khiến hoạt động bay tại đây mất an toàn cao độ, nhất là khi chúng ta đang có chủ trương khôi phục hoạt động bay và thu hút người dân đi lại tại đây", ông Sành bức xúc.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.