Qua Mỹ ăn... đám cưới !

Chúng tôi sang Mỹ vào thời điểm ông bạn tổ chức đám cưới cho con ở TP.Houston, bang Texas. Đám cưới bên Mỹ như thế nào? Đó là lý do khiến tôi tò mò muốn biết.

Chúng tôi sang Mỹ vào thời điểm ông bạn tổ chức đám cưới cho con ở TP.Houston, bang Texas. Đám cưới bên Mỹ như thế nào? Đó là lý do khiến tôi tò mò muốn biết.

Một lễ cưới của người Việt tại TP.Houston - Ảnh: Trương Điện ThắngMột lễ cưới của người Việt tại TP.Houston - Ảnh: Trương Điện Thắng
Texas quá rộng. Đây là tiểu bang đất đai rộng thứ nhì nước Mỹ, sau Alaska và lớn gấp rưỡi Cali. Sau mới biết, đây là bang có đến 2 múi giờ. Đất rộng nên nhà cửa, đường sá càng lớn. Ở đây có Trung tâm không gian NASA mang tên Tổng thống Johnson và trang trại của gia đình Tổng thống Bush rộng đến cả ngàn héc ta. Các khu chợ của người Việt cũng rộng mênh mông. Texas có khoảng hơn 160.000 người Việt đang sinh sống.
Đám cưới của con bạn tôi tổ chức tại nhà hàng Kim Sơn. Nhà hàng này do gia đình Mama La, người gốc Vĩnh Long thành lập từ những năm 1980 và được nhiều tờ báo lớn công nhận là nhà hàng VN ngon nhất tại thành phố này (Best Vietnamese restaurant) với đủ mọi món ăn hấp dẫn từ thịt bò nướng, gà nướng, vịt quay, bánh canh, bánh bèo, bún bò Huế, cháo lòng, sushi, cơm trứng thịt kho, rau xào, canh, bò bía, gỏi cuốn, cơm tấm bì, hủ tiếu, xá xíu, tôm chiên và cả... mì Quảng.
Đám cưới này là cuộc hôn phối của những người Việt thuộc thế hệ thứ 2. Các cháu đều là người có học vị cao, đang làm việc với mức lương trên 100.000 USD/năm. Gia đình hai bên, một ở Houston, một ở Florida đã quyết định thuê nhà hàng Kim Sơn làm nơi tổ chức với tổng số khách mời trên 500 người đủ mọi quốc tịch, trong đó đa số là người Việt định cư ở Mỹ, Úc, Pháp. Cha mẹ cô dâu - bạn tôi - đã mời hơn 300 người vốn là bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương và đặc biệt là những người từng ở nhiều năm tại các trại tập trung ở Hồng Kông trước khi được định cư ở Mỹ cách đây gần 30 năm.
Cả tầng hai của nhà hàng Kim Sơn được dành riêng cho lễ cưới của hai cháu Trang và Truong từ 6 giờ 30 chiều đến... 2 giờ sáng. Thật ra mãi đến hơn 7 giờ tối lễ mới bắt đầu chỉ vì tính... đi trễ của người Việt. Một anh bạn nói: “Không ăn đậu không phải người Mễ, không đi trễ không phải người Việt” khi nghe tôi than phiền! Mấy người Mỹ cùng làm việc ở ngân hàng với cô dâu tuy mất 4 giờ lái xe từ Dallas xuống, nhưng đến rất đúng giờ cũng phải lắc đầu khó chịu. Tuy vậy họ rất ấn tượng với một lễ cưới được trang trí trang nhã và tốn kém. Bạn tôi cho biết, tiền thuê chỗ cưới này và chi phí, trang trí, ăn uống tốn hết 40.000 USD, riêng ban nhạc và hai MC là 12.000 USD nữa!
Phần ngoài của “hôn trường” là bàn tiếp khách, ký lưu niệm, tặng quà (cũng bỏ thiệp cưới như ở VN, trung bình 100 USD) và một sân khấu nhỏ để khách khứa, bạn bè chụp ảnh lưu niệm cùng cô dâu chú rể trước khi lễ cưới diễn ra. Bên trong, chính giữa là sân khấu chính người ta đặt một chiếc bàn dài hơn 10 m để hai bên gia đình và cô dâu chú rể trình diện ở đó. Cạnh sân khấu chính là sân khấu dành cho hai MC và ban nhạc... Khi buổi lễ bắt đầu, các MC tuyên bố lý do rất gọn rồi giới thiệu lần lượt 4 cặp phụ dâu phụ rể, các thành viên gia đình nhà trai, gia đình nhà gái, cuối cùng mới đến hai nhân vật chính... giữa tiếng vỗ tay vang dội. Một bản nhạc được cất lên bởi một ca sĩ địa phương. Sau đó hai bên sui gia và cô dâu chú rể cùng bước lên sân khấu chính, ngồi vào sau chiếc bàn dài. Đại diện nhà trai tuyên bố lễ thành hôn và mời cô dâu chú rể đứng lên chào quan khách và thực hiện nghi thức... hôn nhau trước giữa tiếng vỗ tay, la ó, huýt sáo vang lên từ các bàn khách đến dự. Nhiều bài hát tiếng Anh, tiếng Việt lần lượt được ban nhạc và các ca sĩ hát lên giữa một không khí huyên náo, nên chẳng ai nghe rõ lời… “Nhạc một bên và... nhậu một bên!”, chẳng còn ai để ý.
Trên các bàn, bia chai loại nhẹ được uống kèm với rượu mạnh bắt đầu được rót ra và... cụng ly. Một thực đơn gồm 8 món sơn hào hải vị, cũng có súp, món khai vị, vịt Bắc Kinh, tôm hùm, cá tuyết, sốt Nhật Bản, bò Kobe, cơm chiên Hawaii... Cuối cùng và đáng nhớ là món tráng miệng gồm kẹo bánh cưới của nhà hàng thiết đãi... Khách từ các bàn đứng lên, ngồi xuống, qua lại mời chào hoặc cụng ly với hai gia đình, với cô dâu chú rể như những đám cưới ở VN, chỉ có không gian là khác.
Chúng tôi ra về lúc gần 11 giờ đêm, nhưng hôm sau mới biết, người ta vẫn ngồi lại với nhau để chúc mừng đôi tân hôn và sui gia đến…2 giờ sáng, bởi đâu dễ có dịp được gặp nhau trên đất Mỹ vốn eo hep thời gian này. Anh bạn định cư ở PensaCola (bang Florida) hôm sau kể ban nhạc ở xóm Quảng Đà Meyer Way của anh cũng làm nhiều sô đám cưới với các nhạc công, ca sĩ cây nhà lá vườn cho bà con địa phương, nhưng giản dị hơn nhiều so với đám cưới ở Kim Sơn. Còn khi đi lang thang ở các thành phố, chúng tôi cũng ghé qua những nhà hàng chuyên làm dịch vụ tiệc cưới trên đất Mỹ. Nhìn các “hôn trường” của họ cũng chỉ là những căn phòng không lớn lắm. Bạn tôi kể, một đám cưới của người Mỹ cũng khoảng trên dưới 100 khách mời là nhiều rồi. “Người Mỹ họ giản dị hơn mình nhiều! Ăn nhậu cũng vừa phải và coi buổi lễ ở nhà quan trọng hơn!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.