'Quả bom' nhân khẩu học đếm ngược với kinh tế Trung Quốc

19/05/2017 12:25 GMT+7

Ngay cả khi chính phủ Đại lục đã cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ hai, nhiều phụ nữ Trung Quốc đang đi làm vẫn hoàn toàn không muốn có con hoặc không muốn sinh thêm con.

Bloomberg trích khảo sát của trang web tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Zhaopin.com cho hay 40% phụ nữ đang đi làm và không có con không muốn sinh con. 2/3 trong số những người có con không muốn sinh thêm con thứ hai. Tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, chi phí sinh hoạt cao, giờ làm việc dài và chi phí gia tăng khi nuôi con là ba lý do khiến nhiều người không muốn làm mẹ.
Thực trạng này không phải chỉ xuất hiện ở Đại lục khi phụ nữ thế giới đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng. Dù vậy, nó đặc biệt cấp bách đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vì dân số đang già đi nhanh chóng. Hơn ba thập niên áp dụng chính sách một con khiến Trung Quốc có quá ít người trẻ để hỗ trợ dân số người cao tuổi đang gia tăng. Việc này làm giảm khả năng cạnh tranh, đè nặng hệ thống phúc lợi xã hội.
Phụ nữ có đi làm ở Trung Quốc ngại có con: 49,7% người cho hay họ không có con, 43,4% có một con và chỉ 7% có từ hai con trở lên Ảnh: Bloomberg
Khi công bố quy định cho phép sinh hai con vào tháng 10.2015, giới chức Trung Quốc ước tính nước này có 4 triệu em bé chào đời mỗi năm, từ năm 2015 đến 2020. Dù vậy, số em bé năm ngoái chỉ tăng 1,31 triệu trẻ so với một năm trước đó, nâng tổng số lên 17,86 triệu bé. Bắc Kinh hiện cân nhắc các biện pháp như “trợ cấp và tiền thưởng sinh con” để gia tăng tỷ lệ sinh.
Song Đại lục hiện vẫn còn xa so với việc cung cấp nhiều gói khuyến khích rộng rãi như ở Singapore hay Đức. Họ cũng khó thiết lập mạng lưới an toàn nhằm giúp đỡ các gia đình không đủ điều kiện lo mặt học tập và chăm sóc sức khỏe cho con.
Nhiều phụ nữ Trung Quốc ngại sinh con vì sợ tổn thất về tài chính hoặc ảnh hưởng đến sự nghiệp. Cuộc khảo sát gần đây cho thấy lần lượt 33% và 36% phụ nữ bị giảm lương, hạ chức sau khi sinh con. “Không đủ thời gian và năng lượng” cùng “chi phí nuôi dạy con cao” cũng là hai lý do khiến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc tăng chậm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.