Premier League: Thiên đường của HLV nước ngoài

23/09/2016 17:02 GMT+7

Ngày 22.9.1996, ban giám đốc Arsenal đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Arsene Wenger vào vị trí HLV của Arsenal, chính thức đánh dấu cái gọi là ‘làn sóng HLV/quản lý nước ngoài’ cùng với ‘làn sóng cầu thủ nước ngoài’ đổ bộ vào nước Anh và Premier League.

Ngược dòng thời gian 4 năm trước sự kiện này, trong mùa Premier League đầu tiên, 21/22 quản lý là người vương quốc Anh. Trường hợp ngoại lệ? Joe Kinnear của Wimbledon, người sinh ra ở Dublin, CH Ireland. 

Mùa này, 13/20 nhà quản lý các CLB Premier League đến từ nước ngoài. Ý (4), Tây Ban Nha (2), Pháp (2), Đức, Hà Lan, Argentina, Croatia và Bồ Đào Nha đều có đại diện. Chỉ có 5 HLV người Anh (vẫn còn cao hơn nhiều so với 2 mùa trước!). 

Các HLV/quản lý nước ngoài, cũng như các cầu thủ, đã trở thành một phần của bóng đá Anh, kể từ sau sự kiện "Arsenal vs Arsene" đến nay. Những người như Wenger và Jose Mourinho đã gặt hái thành công trong quá khứ - với trường hợp của Wenger là tròn 20 năm chẵn. Và không thể phủ nhận, họ đã đem đến nhiều điều tích cực, không đơn giản gói gọn ở những chiếc cúp vô địch, cho bóng đá Anh và người Anh. 

Gói bản quyền truyền hình Premier League, trị giá tới 5,1 tỷ bảng (6,7 tỷ USD), không chỉ cho phép các CLB sức mạnh tài chính trên thị trường chuyển nhượng (TTCN), mà đồng nghĩa với cả việc họ có quyền trả những mức lương hậu hĩnh cho các quản lý người nước ngoài. 

Mức lương cao, đi cùng với những cơ hội ký các bản hợp đồng thương mại béo bở với các hãng sản xuất, có sức quyến rũ khó cưỡng, trước là đối với các cầu thủ nước ngoài, nay thêm cả các HLV. 

Báo cáo điều tra tài chính, do tạp chí Inside World Football thực hiện, cho thấy khi Wenger được bổ nhiệm tại Arsenal vào 1996, không có CLB Anh nào có thu nhập vượt quá 39 triệu USD. 

Vào thời điểm Dick Advocaat thay thế Gus Poyet tại Sunderland vào mùa 2014-2015, tổng thu nhập của 6 đại gia Premier League (Arsenal, Chelsea, Liverpool, Manchester City, Manchester United và Tottenham Hotspur) vào khoảng 2,65 tỷ USD.

Mặt khác, văn hóa bóng đá Anh, với những đặc thù riêng biệt so với châu Âu, cũng trở thành yếu tố hấp dẫn các quản lý/HLV nước ngoài. Tại Ý, khi bị sa thải khỏi Inter, hay nhiều người khác rơi vào hoàn cảnh tương tự, Mazzarri được trả lương cho đến khi kết thúc hợp đồng, và điều đó ngăn cản ông tiếp quản vị trí HLV ở một đội bóng khác. Tại Anh, hợp đồng giữa nhà quản lý và CLB đã bao gồm các điều khoản bồi thường nếu có một bên đơn phương chấm dứt, nhà quản lý có thể tìm đội bóng mới, tự do và không vướng bận. 

Sự xuất hiện của Guardiola khiến cho Premier League thêm hấp dẫn AFP

Ngày nay, không riêng các cầu thủ, sự xuất hiện của các nhà quản lý trên phố, tại nhà hàng hay một địa điểm công cộng luôn đem đến những tin tức hấp dẫn, không riêng cho giới truyền thông. Người ta quan tâm cả tới những chuyện xảy ra bên ngoài sân cỏ. 

Pep Guardiola đến Man City với một bản lý lịch chói lòa hào quang từ 21 danh hiệu vô địch trong sự nghiệp cầm quân tại Barcelona và Bayern Munich. Liệu ông ta có thể tiếp nối thành công đó ở Manchester? 

Guardiola cuốn hút cả Premier League, chỉ sau 5 vòng toàn thắng cùng City. Nhưng, ông thầy của Pep, Louis Van Gaal, dường như đã chôn vùi sự nghiệp lẫy lừng của mình tại Manchester United (M.U), nơi bất chấp những nỗ lực duy trì truyền thống trong việc phát triển cầu thủ trẻ, LVG bị "đá đít", sau 2 mùa, bởi áp đặt cho cầu thủ M.U thứ bóng đá công thức, xơ cứng và tẻ nhạt. 

Và người kế nhiệm LVG, Mourinho, đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Truyền thông Anh nhanh chóng đặt ra câu hỏi: Phải chăng phép màu đã cạn? Khi nhìn vào lịch sử bóng đá thế giới, không có nhiều nhà quản lý/HLV duy trì thành công trong hơn 1 thập kỷ. Sir Alex Ferguson là trường hợp ngoại lệ. Wenger cũng có thể là ngoại lệ, dù ông đang để Arsenal khát danh hiệu vô địch trong hơn nửa quãng thời gian cầm quân tại đây. 

Mùa này, bên cạnh Guardiola, 4 HLV nước ngoài lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác cầm quân tại Premier League.

Conte mang đến tính kỷ luật cho Chelsea AFP

Antonio Conte tới Chelsea với tư cách là chiến lược gia đưa tuyển Italia vào tới tứ kết Euro 2016. Trước đó, vị HLV 46 tuổi đưa Juventus giành 3 danh hiệu vô địch Serie A liên tiếp, đạt tỉ lệ chiến thắng tới 68% trong sự nghiệm cầm quân tại thành Turin. 

Điều mà người ta có thể dễ dàng nghĩ đến nhất khi nói về Conte và điều ông ta mang tới Chelsea: Kỷ luật. Bên cạnh đó, hiệu suất làm việc và tư duy chiến thuật cũng là những yếu tố mà HLV người Ý có thể "tiêm" vào đầu các học trò. Chelsea đang trở thành phòng thí nghiệm trong suốt cho các quản lý/HLV khác quan sát, tham khảo và học... mót.  

Puel là sự lựa chọn đáng ngạc nhiên để thế chỗ Koeman. HLV người Pháp có đủ năng lực để dẫn dắt một đội bóng thi đấu tại Champions League, như từng đưa Lyon vào tới bán kết giải này vào 2010,  nhưng lựa chọn Southampton, "chuyên gia bán máu" vào các mùa hè. Vị HLV này không đơn giản đến thành phố cảng miền nam nước Anh vì tiền. Triết lý bóng đá của Puel hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí của Southampton: phát triển cầu thủ trẻ và chơi bóng đá đẹp - điều ông từng làm tại Monaco, Lille, Lyon và Nice. 

HLV Mazzarri vừa cùng Watford quật ngã M.U Reuters

Aitor Karanka được kỳ vọng sẽ giúp Middlesbrough không chỉ trụ hạng thành công, mà còn đưa đội bóng này trở lại thời kỳ hoàng kim cùng Juninho. 

Và Mazzarri giúp Watford trở thành đội bóng thận trọng hơn, thay vì chấp nhận mạo hiểm phiêu lưu như thời Quique Flores. Nhìn "bầy ong bắp cày" dàn trận trong chiến thắng 3-1 trước M.U, người ta có cảm tưởng bóng đá Anh giật lùi 20 năm về trước, khi Wenger đặt chân tới Premier League, xây dựng và phát triển hệ thống 4-4-2, tới 4-1-4-1, hay 4-2-3-1 thay vì 5-3-2 của cuối thập niên 80 và đầu 90. Mazzarri không quan tâm, miễn là chiến thắng!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.