Phường Trúc Bạch xử phạt 3 người ra ngoài 'không đúng mục đích'

Vũ Hân
Vũ Hân
05/04/2020 14:47 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên trưa 5.4, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết, sáng cùng ngày, phường đã xử phạt 3 người ra đường "không đúng mục đích”, với mức phạt 200.000 đồng/người .

Theo ông Huy, trong 3 trường hợp này, có 2 trường hợp là đi câu cá và 1 trường hợp đi bán hoa, đều không thuộc diện ra ngoài vì mục đích cần thiết theo hướng dẫn tại Công văn 260 của Văn phòng Chính phủ.
“Sau khi giải thích, tuyên truyền, cả 3 người đều chấp hành việc nộp phạt, chứ không cự cãi gì cả”, ông Huy cho biết.

Phố cổ Hà Nội buồn tênh, đàn ông đi chợ giúp vợ rồi về nhà tránh dịch

Căn cứ xử phạt, theo Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, cũng tương tự trường hợp phạt không đeo khẩu trang, theo điểm a, khoản 1, điều 11, Nghị định 176/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Khoản này quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”.
“Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 05 của Chủ tịch UBND TP đã nêu rõ về cách ly xã hội để phòng dịch. Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn 260 hướng dẫn Chỉ thị 16, quy định rõ “các trường hợp cần thiết” được ra ngoài đường. Nghị định 176 cũng đã có căn cứ xử phạt, nên chúng tôi thực hiện", ông Huy lý giải.
"Tuy nhiên, 2/3 trường hợp bị phạt sáng nay là người ở nơi khác đến địa bàn phường. Còn lại, người dân chấp hành tương đối tốt. Những trường hợp khó khăn do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội, không ra ngoài buôn bán được, chúng tôi có hỗ trợ bằng tiền từ quỹ Vì người nghèo và hỗ trợ thực phẩm để họ bớt khó khăn phần nào”, ông Huy cho biết.

Sáng 5.4, Việt Nam không ghi nhận ca bệnh Covid-19 mới

Theo Công văn 260, các trường hợp được coi là cần thiết gồm:
Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;
Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…
Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở thuộc danh sách dưới đây:
Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…);
Cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...  
Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu thì phải dừng hoạt động.
Cũng theo Công văn 260, tất cả trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.