Phương Tây muốn ép giá trần với dầu Nga, cụ thể ra sao?

03/07/2022 14:10 GMT+7

Kể từ khi Mỹ và các đồng minh của họ quyết định ngừng mua dầu của Nga, có rất ít dấu hiệu cho thấy biện pháp này có tác động nghiêm trọng đến mức có thể buộc Tổng thống Vladimir Putin phải cân nhắc lại cuộc chiến ở Ukraine.

Nhiều nước khác vẫn đang mua dầu thô của Nga, và việc dầu tăng giá vẫn giúp Moscow có đủ doanh thu để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế. Vì vậy, phương Tây đang cân nhắc một ý tưởng mới: buộc Nga phải bán dầu với giá rẻ đến mức nước này không còn đủ khả năng để tiến hành chiến tranh.

Theo tờ The Washington Post, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang ủng hộ đề xuất cho phép các nước tiếp tục mua dầu, nhưng cắt giảm lợi nhuận của Moscow từ những hợp đồng này.

Áp giá ra sao?

G7 đang thảo luận về một cơ chế chỉ cho phép vận chuyển các sản phẩm dầu thô và dầu mỏ của Nga được bán dưới ngưỡng giá đã thỏa thuận. Cơ chế này được thực thi bằng cách áp đặt các hạn chế đối với bảo hiểm và vận chuyển.

Khoảng 95% đội tàu chở dầu của thế giới được bảo hiểm ở Câu lạc bộ Bảo vệ & Bồi thường Quốc tế ở London và một số công ty có trụ sở tại châu Âu. Các chính phủ phương Tây có thể cố gắng áp đặt giới hạn giá bằng cách nói với người mua rằng họ có thể tiếp tục được bảo hiểm nếu như đồng ý mua dầu dưới một mức giá nhất định.

Việc giới hạn giá ở mức gần hơn với chi phí sản xuất sẽ giáng một đòn mạnh vào tài chính của Moscow, trong khi vẫn đảm bảo rằng những nước cần dầu vẫn mua được. Vì Nga là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới, giới hạn giá cũng có thể làm giảm áp lực lạm phát đang gây ra khó khăn kinh tế trên toàn cầu.

Trở ngại là gì?

Một số quan chức châu Âu đang lo lắng về đề xuất trên vì nó có thể sẽ khiến Liên minh châu Âu (EU) rà soát lại văn bản pháp lý của gói trừng phạt mới nhất, vốn đã mất nhiều thời gian và công sức để đạt được sự nhất trí của toàn bộ 27 quốc gia của khối. Hơn nữa nếu các đồng minh đồng ý về giới hạn giá nhưng không giữ được, thì chiến thắng sẽ thuộc về ông Putin.

Cũng không có gì đảm bảo rằng Nga sẽ đồng ý bán dầu khi bị áp giá trần, đặc biệt là nếu trần giá đó gần bằng giá thành sản xuất.

Trước đó Nga đã sẵn sàng từ chối cung cấp khí đốt tự nhiên cho một số nước EU khi các nước này không đồng ý phương thức thanh toán mà Moscow đưa ra.

Điện Kremlin có thể tin rằng việc ngừng bán dầu ra thị trường trong một thời gian sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nền kinh tế của châu Âu và Bắc Mỹ hơn là cho nước Nga.

Có thuyết phục được Ấn Độ, Trung Quốc?

Áp giá trần có thể cực kỳ có lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ, và tốt cho việc chống lạm phát. Nhưng Bắc Kinh và New Delhi cũng có những cân nhắc rộng hơn, chẳng hạn như cần giữ quan hệ lâu dài với Moscow. Họ có thể chấp nhận mua bảo hiểm kém chất lượng của Nga chứ không chịu trả giá theo phương Tây.

Liệu có áp giá trần khí đốt Nga?

Các chính phủ châu Âu cũng đang thảo luận về một đề xuất của Ý nhằm áp giá trần nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga như một cách để kiềm chế lạm phát trong khối.

Bộ trưởng Năng lượng Ý Roberto Cingolani cho biết ý tưởng này đang được quan tâm khi các quốc gia ngày càng coi đây là “giải pháp duy nhất” để giảm chi phí tăng cao. Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng gần 80% trong năm nay. Tuy nhiên, Đức và các quốc gia khác đã bày tỏ sự hoài nghi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.