Phục dựng chùa cổ trên 700 năm

09/01/2015 07:00 GMT+7

Chùa Hoằng Phúc, một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung, tọa lạc trên vùng đất cao ráo ở thôn Thuận Trạch (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) vừa được khởi công phục dựng, tôn tạo trở thành điểm đến tâm linh, văn hóa.

Chùa Hoằng Phúc, một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung, tọa lạc trên vùng đất cao ráo ở thôn Thuận Trạch (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) vừa được khởi công phục dựng, tôn tạo trở thành điểm đến tâm linh, văn hóa.

 
Phối cảnh chùa sau phục dựng
Phối cảnh chùa sau phục dựng - Ảnh: T.Q.N
Dấu tích chùa lớn
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện không có tài liệu nào ghi lại chính xác năm hình thành chùa Hoằng Phúc. Tuy nhiên, căn cứ trên một số sự kiện liên quan thì chùa được tạo dựng cách đây trên 700 năm. Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến viễn du của mình ghé thăm và cầu phước đức cho dân lành; lúc đó Hoằng Phúc có tên là Am Tri Kiến. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Quan.
Sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An viết: “Chùa ở gần trạm Bình Giang, huyện Lệ Thủy, nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về. Hẳn nhiên là một ngôi chùa u tịch, một cõi thần tiên vậy. Nhà cửa, thôn xóm không xa nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng gà gáy, chó sủa. Thật là một ngôi chùa lớn ở Tân Bình... Nay hoa rụng, chim kêu, chỉ còn trơ lại nền mà thôi”.
Trong kháng chiến, chùa là nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Năm 1967, chùa Hoằng Phúc bị bom địch đánh sập, chỉ còn lại dấu tích nền móng, một phần cổng tam quan. Từ nền móng chùa với hệ thống tường rào bao quanh, đặc biệt là kết cấu cổng tam quan tách rời nhau cho thấy Hoằng Phúc là ngôi chùa lớn. Một số hiện vật quý của chùa còn được lưu giữ như chuông khánh, câu đối và tượng hộ pháp. Hiện trên nền móng cũ có một gian nhà tạm do người dân địa phương dựng lên để hương khói, thờ Phật. Giữa sân chùa có 1 cây sanh cổ thụ; sanh cũng mọc ôm lấy toàn bộ 1 cổng tam quan cũ. Mặc dù không còn hình bóng ngôi chùa nhưng hào khí đất thiêng và trầm tích mấy trăm năm in dấu khiến cho vùng đất này thanh tịnh, cổ kính và thanh tao đến lạ. Đến đây, con người có cảm giác thư thái, nhẹ nhàng như gột rửa hết mọi vướng bận, ưu tư bụi trần. Chính vì thế, những năm gần đây, các dịp lễ tết, rất nhiều người đã đến chùa vãn cảnh.
Quy mô chùa mới
Với những giá trị lịch sử và văn hóa đó, năm 2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử cho chùa Hoằng Phúc. Việc trùng tu, tôn tạo khu di tích chùa Hoằng Phúc nhằm phát huy giá trị của một công trình tâm linh và bảo tồn, lưu giữ những hiện vật, kiến trúc cổ. Tổng vốn công trình hơn 40 tỉ đồng (phần xây lắp 35 tỉ đồng); trong đó BIDV vận động cán bộ, công nhân viên đóng góp phần lớn, còn lại là từ các tập thể, cá nhân hảo tâm khác.
Thông tin từ ban tôn tạo chùa Hoằng Phúc của H.Lệ Thủy cho biết, toàn bộ khuôn viên di tích được quy hoạch theo đúng không gian, bố cục và kiến trúc chùa Việt truyền thống. Hướng chính của chùa được giữ nguyên trạng. Tổng thể khu di tích được quy hoạch bao gồm: tam quan ngoại, tam quan nội, tháp Phật, tam bảo chùa, nhà thờ tổ, tả hữu hành lang, am hóa vàng và các công trình phụ trợ khác như khu tăng xá, nhà trai đường và công trình bếp phụ trợ...
Toàn bộ lối lên xuống, sân chùa, đường tản bộ được xây dựng bằng các vật liệu truyền thống đặc trưng như đá xanh Thanh Hoá, gạch đất nung Bát Tràng, gạch hoa gốm tạo nên một tổng thể di tích trang nghiêm, thuần Việt. Hồ sen được nạo vét, xây kè bằng vật liệu đá tổ ong, đá cuội tạo sự tự nhiên cho khu di tích. Tu bổ 2 giếng cổ trong khu vực chùa; giữ nguyên trạng cổng cổ chùa Hoằng Phúc với gốc sanh ôm phủ đầy vẻ trang nghiêm và cổ kính.
Ngoài ra, bổ sung tường rào khuôn viên chùa và lan can hoa gốm thấp ngăn chia không gian sân vườn, hồ nước nhằm bảo đảm an toàn, tạo cảnh quan trang nghiêm, cổ kính cho khu vực chùa. Bổ sung hệ thống nội thất thờ tự bên trong theo lối chùa cổ thời Trần. Bên cạnh đó, trồng thêm hệ thống cây xanh trong di tích, cây cảnh trong khuôn viên như: cây sala, đại, bồ đề, lan...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.