Phục bắt sà lan xả trộm bùn thải

25/08/2014 09:00 GMT+7

Sau nhiều ngày trinh sát, đêm 23.8 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 Bộ Công an) và PV Thanh Niên phục bắt quả tang 2 sà lan xả trộm 700 tấn bùn thải xuống sông Soài Rạp - Hiệp Phước.

Sau nhiều ngày trinh sát, đêm 23.8 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 Bộ Công an) và PV Thanh Niên phục bắt quả tang 2 sà lan xả trộm 700 tấn bùn thải xuống sông Soài Rạp - Hiệp Phước.

 Phục bắt sà lan xả trộm bùn thải
Hai thợ máy (dấu X) xả bùn trộm bị bắt quả tang - Ảnh: Hoài Nam

Theo phản ánh của ngư dân làm nghề trên sông Soài Rạp - Hiệp Phước (H.Nhà Bè, TP.HCM) mỗi đêm ở khu nạo vét Tân Cảng - Hiệp Phước có hàng chục sà lan không tự hành (ponton) vận chuyển bùn thải ra bờ sông thuộc H.Cần Giờ (cách nơi nạo vét khoảng 1 km), neo tại chỗ chờ đêm xuống xả hết bùn thải xuống sông.

 

Bộ đội biên phòng bắt sà lan xả trộm bùn

Ngày 24.8, Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định tạm giữ đầu kéo SG 2890 kéo theo 1 sà lan để điều tra, xử lý hành vi đổ trộm bùn xuống sông Lòng Tàu (xã Phước Khánh, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai). Khoảng 13 giờ ngày 23.8, Trạm biên phòng cửa khẩu Cảng Nhơn Trạch (Biên phòng cửa khẩu Cảng Bà Rịa-Vũng Tàu) phát hiện và bắt quả tang đầu kéo SG 2890 do thuyền trưởng Đỗ Tấn Lợi (31 tuổi, ngụ xã Tân Chánh, H.Cần Giuộc, Long An) điều khiển, kéo 1 sà lan xả đáy, đổ trộm bùn xuống sông. Phương tiện do Lợi điều khiển thuộc Công ty CP đầu tư và phát triển cảng biển Tân Phú Thịnh. 

Gia Khánh

Trước đây, Thanh Niên từng đăng loạt bài điều tra về tình trạng gian dối trong nạo vét ở sông Thị Vải, múc bùn bên này mang sang bên kia sông xả trong tích tắc. Rút kinh nghiệm, các thuyền trưởng ở khu nạo vét Tân Cảng - Hiệp Phước rất cảnh giác, áp dụng xả “toẹt” (trong tích tắc sà lan nổi phềnh lên) chỉ thực hiện vào thời điểm gần sáng, còn chập tối đến nửa đêm di chuyển sà lan ra gần giữa sông tụm vào nhau neo tại chỗ, sau đó đáy được mở từ từ (còn gọi là “hí”) trong khoảng thời gian 1 tiếng sà lan mới nổi phềnh lên.

Sau khi có đủ bằng chứng về hành vi xả bùn trộm tinh vi, lãnh đạo C49 quyết định triển khai lực lượng lớn để xử lý.

Bắt quả tang

16 giờ ngày 23.8, lực lượng chức năng tập kết tại Cảng Hiệp Phước. Thời điểm đó, một sà lan số hiệu SG-2733 do đầu kéo

SG-1957 nhận bùn thải xong di chuyển từ khu vực nạo vét ra gần giữa sông (cách nơi nạo vét khoảng 700 m) thì neo tại chỗ. Khoảng 19 giờ 30, trời mưa nhỏ, một người đàn ông ở trần từ đầu kéo leo qua sà lan lúi húi mở chốt xả bùn. Chiếc sà lan từ từ nhẹ nhàng nổi lên. Khoảng 30 phút, khi sà lan nổi lên chừng 1 m, bất chấp trời mưa lớn, chiếc ghe cá chở lực lượng chức năng tăng tốc tiến sát vào sà lan để công an nhảy lên kiểm tra. Sau một hồi đấu tranh, thuyền trưởng Lâm Văn Hòa khai là người vừa mở chốt để xả trộm 350 m3 bùn xuống sông. Số bùn này lấy trong khu vực nạo vét ở khu vực thủy điện cầu cảng Tân Cảng - Hiệp Phước, theo quy định phải đi đổ tại bãi đất thuộc xã Phước Lộc (H.Nhà Bè). Các thành viên tổ máy sà lan cũng khai từ khi thi công đến nay mỗi đêm họ xả một chuyến tại khu vực này.

Khoảng 22 giờ 5, một sà lan khác mang số hiệu SG - 4877, đầu kéo SG - 0271 tiếp tục từ khu vực nạo vét chất đầy bùn thải ra giữa sông xả trộm, chỉ trong tích tắc sà lan nổi phềnh. Tổ công tác được lệnh nhảy lên khống chế thuyền trưởng và hai thợ máy đang thực hiện hành vi mở chốt sà lan. Thuyền trưởng Phạm Minh Hậu không xuất trình được bằng lái, còn hai thợ máy Trần Văn Phe và Trần Chí Hùng đều thừa nhận, ký vào biên bản vi phạm xả bùn trộm xuống sông.

Thi công khi chưa có giấy phép

Theo thông tin ban đầu, gói thầu nạo vét trên trị giá hơn 50 tỉ đồng, do Công ty CP Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước làm chủ đầu tư; Công ty CP đầu tư và phát triển cảng biển Tân Phú Thịnh (Công ty Tân Phú Thịnh) trúng thầu, sau đó thuê phương tiện của Công ty TNHH thương mại xây dựng Lê Vy (TP.HCM) để thi công, nhưng điều hành là người của Công ty Tân Phú Thịnh. Ngay sau khi bắt quả tang hai sà lan xả bùn trộm, tổ công tác thông báo cho ông Nguyễn Xuân Sang (Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM), đại diện chủ đầu tư và nhà thầu đến chứng kiến sự việc.

Đáng lưu ý, mặc dù tới ngày 20.8 Công ty Tân Phú Thịnh mới được cấp phép hoạt động, nhưng đơn vị thi công đã hoạt động từ 26.7 mà không cơ quan nào lập biên bản vi phạm. Theo nhật ký công trình, đã có khoảng 100 chuyến sà lan bùn được vận chuyển đi đổ. Lời khai của các thuyền trưởng cho hay từ 20.8 được cấp phép họ mới vận chuyển đi đổ bùn thải theo giấy phép, còn lại đều đổ cách khu vực nạo vét vào ban đêm khoảng 1 km...

Hoài Nam

>> Xả trộm xà bần trên đường phố
>> Bắt quả tang công ty xả trộm nước thải ra môi trường
>> Xe hút hầm cầu xả trộm chất thải 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.