Phu xe già 'chạy gạo'

30/03/2022 06:37 GMT+7

Giữa cơn bão xe công nghệ , xe ôm truyền thống 'hẻo' dần. Lớn tuổi, 'mù' công nghệ, những phu xe già chỉ còn sống được nhờ sự tận tụy, thật thà và cả tình thương của khách.

Giữa Sài Gòn tấp nập và vội vã, không khó để bắt gặp họ. Không ngại khó ngại khổ, họ mưu sinh nhờ vào những ân tình, những gắn kết với người khách mà họ gặp mỗi ngày, không phải qua màn hình điện thoại khô khan như bao xe ôm công nghệ khác.

Bám chợ, chở khách quen

Để dễ có khách hơn, ông xe ôm Nguyễn Văn Năm (50 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) về đứng ngay góc chợ Tân Mỹ, Q.7. Mỗi sáng, tối thay vì đứng không, ông Năm thường phụ tiểu thương dọn hàng nên được lòng những người buôn bán xung quanh. Nhờ vậy, ông kiếm được kha khá từ các mối chạy giao hàng: “Khi có khách quen gọi điện mua hàng, chủ sạp rau, gạo, đồ khô lại kêu tôi nên dù không có điện thoại cảm ứng, không biết dùng ứng dụng đặt xe tôi vẫn có cuốc chạy đều”.

Ông Nguyễn Văn Năm nhận hàng từ sạp đồ ở chợ Tân Mỹ (Q.7) giao tới nhà cho khách

Ông Năm cho biết xe ôm bám chợ chở mối phải nhạy. Cao điểm trong ngày là từ 8 - 11 giờ, mối gọi dồn dập đôi khi không chở kịp, chọn chạy mối này thì mất lòng mối khác nên dễ bị chửi. Đôi khi giao hàng tới nhà, khách chê con cá không tươi, mớ rau không đúng ý, họ phàn nàn, thậm chí không trả tiền.

Dù xăng tăng giá và các cuốc xe giao hàng thường chỉ vài ki lô mét, phí giao hàng không nhiều nhưng nhờ kết hợp 4 - 5 mối giao cùng tuyến đường nên thu nhập của ông Năm cũng ổn. Ông lạc quan: “Ngày ít tôi kiếm khoảng 200.000 đồng, ngày nhiều khoảng 500.000 - 700.000 đồng. Chưa kể, giao hàng cho các mối quen cuối ngày thường mua được rau, cá giá rẻ. Đôi khi tiểu thương bán ế tôi còn được tặng đủ bữa ăn ngon cho cả nhà”.

Mười năm nay, vị khách hào hiệp vẫn “sát cánh” cùng ông Tăng Văn An

Giữa trưa tháng 3, mặt đường nhựa hực nóng rát mặt, ông Tăng Văn An (55 tuổi, ngụ ấp 1, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM) vơ vội chiếc áo bạc thếch kèm chiếc khẩu trang chạy một mạch tới nhà khách quen.

Khách lên xe chỉ cần liệt kê: “Hôm nay con đi mua bánh cuốn, mua hoa về cúng rằm và đi đặt bánh sinh nhật”. Không cần hỏi địa chỉ, ông An lần lượt tới đúng Q.3 mua bánh cuốn Thanh Trì, ghé chợ Bến Thành lấy hoa, trái cây rồi vòng qua tiệm đặt bánh. “Tôi chở cô Hà gần chục năm nay nên thuộc lòng cả trăm địa điểm cổ thường tới”, ông An cho biết.

Những năm gần đây, thấy ông An thạo việc lại thật thà, vị khách quen thường giao luôn nhiệm vụ sửa quần áo phụ nữ, đóng giày cao gót, đính đá vào bông tai, xay bột, sắm sửa vật dụng trong nhà… Và ông An cũng dần trở nên tinh tế, khách cần sửa đồ mặc nhà hay đồ cũ, ông chạy ra hàng quen ở Q.3 giá rẻ một chút. Nhưng với đồ tơ lụa còn mới, để an toàn ông mang tới thợ may quen ở Q.4 mà khách ưng ý nhất.

Những vị khách tử tế

Vị khách tử tế của ông An chính là chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (40 tuổi, ngụ ấp 4B, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM). Nói về công việc của ông An, chị Hà không một lời chê trách. Những ngày ông An chạy chỉ 1 - 2 cuốc, chị lại gửi thêm tiền để giúp ông có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Chị Hà chia sẻ: “Chú An vừa huyết áp cao lại thêm bệnh tiểu đường, mỡ máu, ăn phải đúng giờ. Nhiều hôm dù tôi đã ăn uống rồi, nhưng sợ chú An đói bụng, tôi phải giả bộ chưa ăn để mời chú tô phở, bát bún. Một ông già đủ thứ bệnh chạy xe ôm nuôi một bà già bị sa khớp háng không đi lại được. Nhìn hai vợ chồng già ríu rít trong ngôi nhà thuê ở Xóm Củi (Q.8), tôi thương không để đâu cho hết”.

Vì thương nên chị Hà tạo mọi điều kiện để ông An có thể chạy xe nhẹ nhàng nhất. Con trai chị ăn sáng lúc 6 giờ 15 nhưng giờ đó sớm quá, sợ chú cập rập không lo kịp việc nhà nên chị thường gọi người bán phở nhờ giao tận nơi. Có việc phát sinh buổi trưa hay khi thấy trời mưa, nắng gắt chị đều cố gắng dời lại vài giờ để đợi trời bớt nắng, ngớt mưa mới nhờ chú An chở.

Đáp lại, gần 10 năm nay chị Hà luôn là ưu tiên số một, ông An hầu như chưa từng từ chối chị một cuốc xe nào bất kể là ngày hay đêm, sớm hay tối. “Ngoài tiền trả những cuốc xe, cô Hà còn biếu tôi tiền đi khám bệnh tiểu đường, huyết áp định kỳ nữa. Không nhiều người đi xe ôm lại tìm tới tận nhà tài xế để thăm nom, hỏi han như cô Hà thường làm”, ông An tâm sự.

Phu xe U.60 Lưu Tấn Tài giao hoa cho khách

lam ngọc

Còn ông Lưu Tấn Tài (58 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chạy xe ôm từ những ngày còn trẻ nên thuộc mọi ngóc ngách của thành phố như lòng bàn tay. Thời của xe ôm công nghệ, khách ít hơn, ông Tài nhận chở hàng hóa để kiếm thêm. Những món hàng nặng giao đến các chung cư cũ không có thang máy, ông sẵn sàng phụ khách bưng bê đến tận nơi không tính thêm tiền công. Nhờ vậy mà khách thương nên chuyện gì cũng gọi ông, dù đi xa hay đi gần, chở nhiều hay ít.

Thấy ông Tài thật thà, có trách nhiệm, chủ cơ sở hoa tươi lớn Padma de Fluer ở Q.1 tin tưởng giao chìa khóa cửa hàng để ông có thể ra vào những lúc có việc đột xuất ngoài giờ làm việc. Ngoài việc ship hoa cho khách, thức khuya dậy sớm giao nhận hàng hóa, đưa đón nhân viên đi lại khi có nhu cầu, nhờ ngày ngày tiếp xúc với hoa lá cỏ cây nên ông Tài cũng có thể phụ giúp mọi người bó hoa hay cắm những bình hoa cơ bản khi cần. Những lúc không có đơn hàng, ông tưới cây, quét dọn, cho mèo ăn xong rồi ra dựng xe đầu hẻm đợi khách.

Ông Tài vui vẻ: “Thấy tụi nhỏ cắm hoa tỉ mỉ nên khi giao hoa cho khách, mình cũng phải cẩn thận để tránh hư hỏng. Giao hoa không giống như chở người, phải biết cách làm sao để hoa tươi lâu và vẫn đẹp trong quá trình vận chuyển. Làm ở đây lâu rồi nên ngoài công việc ở cửa hàng, mọi người ai có việc gì cũng gọi, rồi giới thiệu cho người quen nữa nên tôi có nhiều khách mối lắm!”.

Chị Giang Phạm, quản lý Padma de Fluer, chia sẻ: “Ông Tài làm việc rất có trách nhiệm. Đã từ lâu, đối với những nhân viên ở đây, ông Tài không chỉ là người chú chạy xe ôm mà còn là một người “đồng nghiệp” thân tín và đáng kính”.

Nghĩa vợ chồng của người phu xe

Năm 2017, bà Ánh (vợ ông xe ôm Tăng Văn An) bị sa khớp háng, thêm bệnh loãng xương nên qua 2 - 3 lần mổ đã không đi lại được nữa. Từ đó đến nay, ngoài chạy xe kiếm tiền, ông An phải lo cơm nước, tắm rửa, vệ sinh cho vợ. Sáng nào ông cũng dậy thật sớm kho cá, nấu cơm canh để sẵn rồi giúp vợ vệ sinh cá nhân, bế vợ lên xe đưa ra nơi nào có nắng tắm 1, 2 giờ. Có hôm không có cuốc xe, ông lại chở bà Ánh vòng qua Q.2 để... ngắm sông, ngắm phố. Bà Ánh xúc động: “Gia đình khó khăn, ổng vừa là lao động chính mà chăm tôi kỹ lắm, tôi thích đi đâu là ổng đưa đi chỗ ấy. Tôi bị liệt gần 5 năm nay, ổng chăm sóc yêu thương không than vãn một lời”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.