'Phù thủy' James Wan: Từ phim kinh dị kinh phí thấp đến 'bom tấn' Aquaman triệu đô

08/12/2018 08:51 GMT+7

Xuất thân là một nhà làm phim độc lập với những tác phẩm kinh dị kinh phí thấp, James Wan đã bước vào 'đế chế' bom tấn siêu anh hùng với tác phẩm mở màn Aquaman.

Mang trong mình hai dòng máu Trung Quốc và Malaysia, James Wan sinh năm 1977 ở Malaysia nhưng chuyển tới Úc khi mới 7 tuổi. Từ nhỏ, anh đã mơ ước trở thành một nhà làm phim. Lớn lên, anh theo học nghệ thuật ở Đại học RMIT (Melbourne, Australia). Dù vẫn nuôi mộng làm phim nhưng phải tới khi gặp Leigh Whannell, người bạn học có cùng chí hướng, sự nghiệp của James Wan mới thực sự bắt đầu.
Saw, cánh cửa mở ra “đế chế phim kinh dị” của James Wan Ảnh: Instagram
Năm 2003, James Wan và Leigh Whannell hợp tác viết một kịch bản kinh dị lấy cảm hứng từ những giấc mơ và nỗi sợ hãi của cả hai. Saw ra đời với kinh phí chỉ vỏn vẹn 1,2 triệu USD và Leigh Whannell đóng chính luôn trong tác phẩm. Saw kể về một nhân vật có tên John Kramer với biệt danh Jigsaw (Lưỡi cưa). Đây là một kẻ tâm thần bệnh hoạn, có sở thích nhốt các nạn nhân để tra tấn họ đến chết. Bộ phim định hình phong cách làm phim kinh dị của James Wan: lối hù dọa cổ điển nhưng hiệu quả, tình tiết bất ngờ - gần gũi với đời thực, nhân vật tạo được sự đồng cảm.
Insidious và Conjuring, hay “kỷ nguyên” của James Wan ở Hollywood Ảnh: New Line Cinema
Saw bất ngờ thu về tới hơn 100 triệu USD trên toàn cầu, tạo nên một cơn sốt bùng nổ vào giữa thập niên 2000, “bật đèn xanh” cho các phần tiếp theo. Đến nay, tám tập phim của Saw với kinh phí rất eo hẹp đã đạt được doanh thu gần một tỉ USD trên toàn cầu.
Sau ba tập đầu tiên của Saw, James Wan thực hiện tiếp hai phim kinh dị là Dead Silence (2007) và Death Sentence (2009), khai thác sâu vào dòng phim kinh phí thấp nhưng có khả năng thu lời cao này. Anh tự giam mình trong một căn nhà thuê ở Hollywood để nghĩ ý tưởng.
Giai đoạn 2010 đến 2013 là lúc James Wan bắt đầu khẳng định vị thế, không chỉ trở thành đạo diễn số một của thể loại phim kinh dị, mà còn là một trong những đạo diễn gốc Á thành công nhất ở Hollywood.
Insidious The Conjuring đều chứa đựng những câu chuyện đơn giản và cổ điển của kinh dị nhưng lại tạo hiệu ứng bất ngờ. Thay vì quá nhiều máu me hay giết người như các tác phẩm đang thịnh hành lúc bấy giờ, cả hai bộ phim kinh dị của James Wan đều nặng yếu tố tâm linh, tạo nên một thế giới huyền bí nhưng vô cùng đáng sợ. Cả hai phim đều có kinh phí thấp nhưng kết quả thu được lại hoàn toàn mỹ mãn. Insidious tập đầu có kinh phí 10 triệu USD, thu về gần 100 triệu USD. Trong khi đó, The Conjuring kinh phí ngốn 20 triệu USD nhưng doanh thu toàn cầu lên đến hơn 300 triệu USD.
Từ một đạo diễn gốc Á khởi đầu bằng con số hơn 1 triệu USD/phim, James Wan đã trở thành một đạo diễn tỉ đô, một cái tên đảm bảo doanh thu cho các dự án phim Ảnh: Getty
Với hai tác phẩm này, James Wan xác lập được “thương hiệu” của bản thân ở kinh đô điện ảnh thế giới, tạo nên một “đế chế” kinh dị cùng loạt nhân vật đi vào lịch sử của điện ảnh thế giới đương đại như búp bê Annabelle, ma sơ Valak hay những con quỷ ký sinh trong người ở Insidious.
James Wan trở thành cái tên được các hãng phim lớn săn đón. Anh cũng thể hiện được khả năng không chỉ ở dòng phim kinh dị sở trường. Ngay từ Death Sentence (2009), trước thành công của InsidiousThe Conjuring, James Wan đã đem tới một tác phẩm mang màu sắc nghệ thuật, khai thác tâm lý nhân vật có chiều sâu hơn.
Song song với việc đạo diễn những bộ phim của mình, James Wan còn đóng vai trò là một nhà sản xuất, mở ra cơ hội cho nhiều đạo diễn trẻ hơn mình muốn thử sức ở Hollywood. Anh phát triển tiếp những câu chuyện trong “vũ trụ điện ảnh” của chính The ConjuringInsidious nhưng chỉ làm nhà sản xuất, dành vị trí đạo diễn cho những nhà làm phim mới. Các tác phẩm như Insidious: Chapter 2 (2013) hay Annabelle (2014), gần đây nhất là The Nun (2018) đều có kinh phí sản xuất thấp nhưng lợi nhuận thu về gấp tới hàng trăm lần. Tính đến nay, con số thu về từ các phần tiếp theo và các phim đơn lẻ về từng nhân vật trong The Conjuring Insidious đã lên đến gần 1,7 tỉ USD.  
Đạo diễn phim bom tấn và hướng đi rực rỡ trong sự nghiệp Ảnh: DC Comics
Không dừng lại ở các tác phẩm kinh dị, James Wan có bước chuyển mình trong sự nghiệp vào năm 2017, khi được ê-kíp của Vin Diesel mời làm đạo diễn cho tập thứ 7 của loạt phim ăn khách toàn cầu Fast & Furious.
Trước đấy, chưa có một tác phẩm nào của James Wan được làm với kinh phí quá 20 triệu USD. Trong khi đó, số tiền đầu tư cho sản xuất mà các hãng phim rót vào cho Fast & Furious 7 là 190 triệu USD. Tuy nhiên, giữa James Wan và loạt phim đình đám này cũng có những điểm giống nhau. Cả hai đều khởi đầu với những con số khiêm tốn. Phần một của Fast & Furious có kinh phí không cao nhưng ăn khách bất ngờ và tới phần năm thì tác phẩm đứng vào hàng ngũ “bom tấn”, được hàng triệu khán giả mong chờ qua mỗi phần. James Wan là một trong bốn đạo diễn lọt vào danh sách rút gọn của hãng Universal, cùng Jeff Wadlow, Baltasar Kormákur và Harald Zwart. Anh được chọn bởi có khả năng thực hiện nhiều phân cảnh mãn nhãn và sáng tạo với ngân sách thấp.
Kết quả là James Wan tạo nên một Fast & Furious 7 với những pha hành động không tưởng như thả siêu xe xuống từ máy bay, lao xuyên qua các tòa nhà chọc trời. Khi phim còn chưa quay xong, Paul Walker đột ngột qua đời, gây ra bao tiếc nuối. Tuy nhiên, James Wan còn xử lý được cả việc tái tạo lại Paul Walker ở những cảnh quay thiếu bằng công nghệ số. Cuối cùng, Fast & Furious 7 đạt được hơn 1,5 tỉ USD, đứng thứ ba trong danh sách các phim ăn khách nhất năm 2015 và vào Top 10 phim ăn khách nhất mọi thời đại. Đến nay, đây vẫn là tập có doanh thu cao nhất trong cả loạt phim.
Với Fast & Furious 7, James Wan không chỉ dựng được những cảnh quay hành động mãn nhãn vốn là “đặc sản” của loạt phim này, mà còn tạo được một thứ quan trọng hơn: cảm xúc, nâng tầm các bộ phim bom tấn vốn bị coi là chỉ chú trọng vào kỹ xảo. Thông điệp gia đình, tình bạn hay đặc biệt là cảnh kết phim tri ân Paul Walker đã khiến hàng triệu người xem phải thổn thức. 
Thành công của Fast & Furious 7 giúp James Wan tiếp tục lọt vào mắt xanh của “đại gia siêu anh hùng truyện tranh” DC Comics. Anh trở thành đạo diễn cho bom tấn Aquaman: Đế Vương Atlantis, dự án lớn nhất của DC trong năm 2018 và là cái tên được hàng triệu khán giả mong chờ. Và lần này, không chỉ ngồi “ghế nóng”, James Wan còn là người xây dựng câu chuyện cho tác phẩm được chờ đợi nhất dịp cuối năm 2018.
Aquaman, dự án tỉ đô tiếp theo của James Wan Ảnh: DC Comics
Có thể nói Aquaman: Đế vương Atlantis sẽ không chỉ là một bom tấn siêu anh hùng DC, mà còn hứa hẹn mang dấu ấn James Wan rõ nét. Đạo diễn gốc Malaysia đã đưa vào ê-kíp đội ngũ thân thiết từng gắn bó với mình qua nhiều dự án trước như đạo diễn hình ảnh từng được đề cử Oscar Don Burgess, nhà dựng phim từng 5 lần làm việc với Wan là Kirk Morri, thiết kế sản xuất Bill Brzeski và giám sát hiệu ứng hình ảnh Kelvin McIlwain.
James Wan tỏ ra rất hứng thú khi được thực hiện bom tấn về nhân vật Aquaman. “Đó là một anh chàng mạnh mẽ và có năng lực như một vị thần... Điều quan trọng nhất với tôi khi thực hiện dự án này là câu chuyện tôi kể khiến khán giả quan tâm tới các nhân vật và muốn tham gia vào chuyến phiêu lưu cùng họ”, James Wan chia sẻ.
Vị đạo diễn nói thêm: “Trong nhiều khía cạnh khác, bộ phim này nói về chuyện hoàn thành được ước mơ và với tôi, Aquaman xứng đáng là một phần thưởng cho bản thân. Chúng tôi đã thỏa sức nghiên cứu và khởi tạo nên một thế giới dưới đại dương. Đó chính là giấc mơ của tôi ngày trước và nay đã thành hiện thực. May mắn thay, tôi có đội ngũ sáng tạo nhất phía sau ống kính và dàn diễn viên tuyệt vời để thực hiện chuyến đi tới ước mơ này cùng tôi”.
Khi được chiếu giới thiệu tại Mỹ, nhiều nhà phê bình đã không ngần ngại khen ngợi hết lời, khẳng định Aquaman: Đế vương Atlantis là phim siêu anh hùng hay nhất của DC từ trước đến nay. Theo The Playlist, đánh giá ban đầu của những người xem sớm là phim hài hước, giải trí và hay hơn mong đợi, được dàn dựng kỹ lưỡng, có hiệu ứng đẹp mắt với những trận đánh dưới nước tuyệt đẹp và vai nam chính cá tính, thu hút khán giả.
Paul Shirey, Phó tổng biên tập trang Joblo, cảm nhận về phim: “Tôi rất thích Aquaman. Đó là bộ phim dựng từ truyện tranh với nhiều cảnh hành động, khoảnh khắc mang tính biểu tượng và kích thích thị giác. Jason Momoa xây dựng nhân vật của riêng mình và James Wan tôn vinh các khía cạnh truyền thống nhưng vẫn pha nét hiện đại. Đây có thể là phim siêu anh hùng hay nhất mà DC từng làm”.
Với “cơn mưa” lời khen từ giới chuyên môn, Aquaman: Đế vương Atlantis được dự đoán sẽ thu về trên con số 100 triệu USD trong tuần đầu phát hành, tính riêng tại Bắc Mỹ và Canada. Với doanh thu toàn cầu, các chuyên gia nhận định sức ảnh hưởng của DC, đạo diễn James Wan và dàn diễn viên hùng hậu sẽ giúp Aquaman: Đế vương Atlantis trở thành một “tuyệt phẩm”, gia nhập câu lạc bộ doanh thu 1 tỉ USD sau khi công chiếu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.