Phụ nữ nên có con ở độ tuổi nào?

21/05/2016 15:00 GMT+7

Phụ nữ càng lớn tuổi thì số trứng trên hai buồng trứng càng giảm dần và chất lượng trứng cũng giảm, tỉ lệ trứng bất thường tăng.

Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khoẻ sinh sản, Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM: Tuổi có thai tốt nhất ở phụ nữ là dưới 30 tuổi. Nếu trễ hơn, hãy cố gắng có con trước 35 tuổi.
“Phụ nữ qua tuổi 35, nếu sau 6 tháng cố gắng mà chưa có thai thì nên đi khám và điều trị tích cực, không nên chờ đợi. Phụ nữ muốn có con sau 40 tuổi là rất khó mặc dù ở độ tuổi này chu kỳ kinh nguyệt của đa số phụ nữ vẫn còn đều đặn. Khả năng có con của phụ nữ thường chấm dứt khoảng 5 năm trước khi mãn kinh”, bác sĩ Tường khuyến cáo.

Bác sĩ Tường giải thích: “Phụ nữ càng lớn tuổi thì số trứng trên hai buồng trứng càng giảm dần và chất lượng trứng cũng giảm, tỉ lệ trứng bất thường tăng. Đặc điểm này làm cho phụ nữ càng lớn tuổi thì khả năng có thai càng giảm và tỉ lệ sẩy thai càng tăng; tỉ lệ biến chứng, bất thường của thai cũng tăng theo (sau 35 tuổi)”.
Theo bác sĩ Tường, rất nhiều phụ nữ không biết điều này. Nhiều người cho rằng nếu kinh nguyệt còn đều và đi siêu âm thấy nang noãn là vẫn còn có khả năng có con tốt dù đã trên 35-40 tuổi. Đây là quan niệm sai lầm, khiến nhiều phụ nữ bỏ qua thời điểm can thiệp sớm để có thai.
Nhiều phụ nữ có con lần đầu dễ dàng. Sau đó một thời gian lâu mới có ý định có con lại và nghĩ rằng khả năng có thai cũng dễ dàng như trước. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy.
Bác sĩ Tường cho biết: Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm) không giúp buồng trứng có nhiều trứng hơn, cũng không làm chất lượng noãn tốt hơn. Các biện pháp điều trị hiện đại nhất chỉ giúp tận dụng tốt nhất khả năng còn lại của buồng trứng để có thể có con.
Độ tuổi nào mang thai lý tưởng?
Tiến sĩ Alex Eskander cho rằng quá trình thụ thai có thể làm tăng cao một cách bất thường các nhiễm sắc thể và gây sẩy thai nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi khi cố gắng mang thai ngoài 44 tuổi. 

Phụ nữ lớn tuổi, buồng trứng suy yếu, thường phải xin trứng để có con và phải làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Trong xã hội hiện nay, phụ nữ có khuynh hướng trì hoãn việc có con. Chị em dành thời gian tuổi trẻ (dưới 30 tuổi) cho học hành và cho sự nghiệp. Đến khi muốn có con thì nhiều phụ nữ đã ở độ tuổi khó có con.
“Sinh con đẻ cái là việc hệ trọng không thể thiếu của một gia đình ở Việt Nam. Tất cả phụ nữ cần hiểu biết về khả năng sinh sản để có kế hoạch phù hợp cho việc học tập, sự nghiệp, lập gia đình và sinh con”, bác sĩ Tường khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.