Phụ huynh bán rau, chắt bóp chi tiêu, vay tiền cho con học đại học

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
16/08/2022 16:30 GMT+7

Cứ mỗi đầu năm học, các khoản học phí và chi phí đổ dồn khiến nhiều gia đình không đủ tài chính phải vay tiền cho con lên thành phố học đại học. Hàng tháng, phụ huynh lại chắt bóp chi tiêu, làm đủ việc để kiếm tiền.

Lương 10 triệu, chi cho con mười mấy triệu

Trương Thị Kim Loan, sinh viên năm 2 ngành du lịch Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết mỗi tháng ba mẹ phải chu cấp cho Loan hơn 5 triệu đồng bao gồm các chi phí sinh hoạt. Anh trai của Loan đang học Trường ĐH Y dược TP.HCM, cũng tốn chi phí khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền học phí. Trong thời gian tới, có nhiều khoản chi hơn nữa, Loan lo ba mẹ sẽ phải vay tiền cho các con học đại học.

Sinh viên đi làm thêm ở quán cà phê để có thêm thu nhập

p.h

"Vào tháng 9 năm trước, ba mẹ em phải lo khoảng hơn 50 triệu đồng để đóng học phí và các khoản chi đầu năm học cho 2 anh em. Đây là một số tiền quá lớn so với gia đình làm nông như nhà em. Để có được số tiền này, ba mẹ chi tiêu rất tiết kiệm. Chi phí sinh hoạt ở TP.HCM đắt đỏ nên ba mẹ em phải làm thêm rất nhiều việc, rồi mở thêm quán bán đồ ăn mới có tiền nuôi các con ăn học", Kim Loan kể.

Mỗi học kỳ, Loan phải đóng khoảng 10 triệu đồng tiền học phí, có học kỳ nhiều hơn tùy vào số lượng môn đăng ký. "Sắp tới vô chuyên ngành, học phí các môn chuyên ngành rất cao do số lượng tín chỉ nhiều hơn. Chưa kể, em phải đóng tiền để đi các tour, chẳng hạn cuối năm nay đi tour miền Tây, dự toán tầm 6 triệu đồng cho 5 ngày 4 đêm. Mà ngành em học thì phải đi thường xuyên. Lúc đó, ba mẹ em sẽ phải đi vay mượn thêm mới lo xuể", Kim Loan chia sẻ thêm.

Trong khi đó, Nguyễn Huy Hoàng (quê ở huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, đang học năm 3 ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Sài Gòn, TP.HCM) cho hay gia đình không khá giả nên việc đi học ở thành phố là cả một sự nỗ lực lớn của ba mẹ.

"Mẹ em bán rau củ, trái cây ngoài chợ. Hàng ngày kiếm được bao nhiêu mẹ đều tiết kiệm không dám chi tiêu gì để gửi cho em ăn học. Mỗi đầu năm học có rất nhiều khoản tiền dồn lại cần đóng, ba mẹ lại phải vay mượn thêm họ hàng rồi bán rau quả trả nợ dần. Vì thấy ba mẹ khó khăn, em xin ở ký túc xá và mỗi tháng cũng chi tiêu vô cùng tiết kiệm, bạn bè có rủ đi quán xá hay đi chơi chỗ này chỗ kia em đều tìm cớ từ chối", Hoàng bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Bích Phượng, giáo viên Trường THCS Phước Thiền, tỉnh Đồng Nai, cũng chia sẻ: "Học phí và chi phí học ĐH ở thành phố quá đắt đỏ. Lương tôi chỉ hơn 10 triệu nhưng chi phí nuôi các con ăn học lên tới mười mấy triệu, nên phải xoay xở làm thêm việc nọ việc kia. Mỗi học kỳ, tôi phải chuẩn bị vài chục triệu đồng để đóng cho con. Có lúc bí quá phải vay đồng nghiệp rồi đợi đến kỳ lãnh lương thì trả".

Chia sẻ gánh nặng tài chính với ba mẹ

Thấy mẹ mình vất vả, Nguyễn Duy Chiến, sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (con của chị Bích Phượng) đã chủ động đi kiếm việc làm thêm để kiếm thêm. Chiến xin làm phục vụ tại một quán cà phê ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), mỗi ngày 2 ca sáng và tối, còn buổi chiều đi học.

"Vừa đi học vừa đi làm khá vất vả, bù lại mỗi tháng em cũng kiếm được 3-4 triệu đồng, đỡ cho mẹ tiền nhà trọ và sinh hoạt ăn uống. Em chuẩn bị tốt nghiệp đi làm nên sắp bù đắp lại cho mẹ được rồi", Chiến tâm sự.

Trong khi đó, anh trai của Trương Thị Kim Loan cũng xin thực tập tại một bệnh viện, mỗi tháng kiếm được 3 triệu đồng. Còn Kim Loan đi làm phụ tour.

Còn Ngô Quang Tiến (quê Đồng Tháp), thí sinh đăng ký xét tuyển ngành luật thương mại quốc tế Trường ĐH Luật TP.HCM, lo lắng khi nghe thông tin trường sẽ tăng học phí. Với số tiền học phí tới gần 40 triệu đồng/năm, trung bình mỗi tháng gần 4 triệu đồng chưa kể tiền trọ, ăn uống sinh hoạt, sách vở, đi lại... Tiến đang băn khoăn không biết ba mẹ có lo nổi hay không.

"Ở thành phố chi tiêu đắt đỏ, nếu em đậu luật thì mỗi tháng chắc ba mẹ phải chu cấp cho em ít nhất 7-8 triệu đồng, trong khi ba mẹ em làm việc tự do, thu nhập thất thường. Em nghĩ nếu đậu chắc mình phải cố gắng giành học bổng và đi làm thêm hàng tháng để giúp thêm ba mẹ", Quang Tiến nói về những ngày sắp tới.

Phạm Nhật Bản, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, hiện đang làm việc tại Công ty xuất nhập khẩu Uy Vận, nhìn nhận: "Với tình hình các trường ĐH tăng học phí cao như hiện nay, giá cả sinh hoạt cũng tăng mà không giảm, việc cha mẹ phải vay tiền cho con học đại học là rất phổ biến. Tôi nghĩ các trường ĐH nên đa dạng hóa các nguồn thu, chẳng hạn kêu gọi tài trợ từ các cựu sinh viên thành đạt, các doanh nghiệp... để giảm bớt gánh nặng cho sinh viên, tránh tình trạng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bị mất đi cơ hội tiếp cận tri thức hoặc phải dang dở giấc mơ học ĐH của mình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.