Phóng viên Thanh Niên trên mọi nẻo đường: Xâm nhập đường dây 'giăng bẫy' người lao động

Một đường dây chuyên lập các công ty, thuê văn phòng và đăng tuyển lao động với mức lương hấp dẫn. Hàng nghìn người nộp tiền phỏng vấn đăng ký xin việc. Thế nhưng... đó chỉ là một cái bẫy.

Đầu năm 2020, đất nước căng mình chống dịch Covid-19, nhiều lao động (LĐ) mất việc, cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời điểm đó, sau gần 1 tháng giãn cách xã hội (từ ngày 1 - 24.4) nhiều lao động  tại TP.HCM đổ xô đi kiếm việc làm và nhiều người rơi vào “bẫy”.
Một đường dây đã thành lập các công ty, thuê văn phòng và đăng tuyển LĐ cho các thương hiệu siêu thị lớn với mức lương hấp dẫn. Hàng nghìn LĐ đến trụ sở 3 công ty tại H.Bình Chánh, Q.8, Q.Bình Tân để nộp 800.000 đồng phỏng vấn đăng ký xin việc. Đến ngày hẹn, việc làm không có, nhiều LĐ hỏi thì phía công ty né tránh, kéo dài thời gian trả lại tiền. Nhóm PV Thanh Niên trong vai người lao động (NLĐ) xâm nhập, vạch trần chiêu thức bẫy lừa của đường dây này.

PV của Báo Thanh Niên (thứ hai từ trái sang phải) đăng ký xin việc để xâm nhập điều tra

ẢNH: CÔNG NGUYÊN

Xâm nhập điều tra, xác định chiêu thức

Qua xác minh, nhóm PV Thanh Niên xác định 3 công ty giăng bẫy lừa NLĐ với chiêu thức giống nhau là: Công ty dịch vụ đầu tư Thống Nhất (Công ty Thống Nhất, số 22 đường số 13, khu dân cư Phong Phú, xã Phong Phú, H.Bình Chánh); Công ty Sài Gòn Group, trụ sở đặt tại số 105 đường số 53, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân); Công ty TNHH DV phát triển quốc tế Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh, số 250 Tạ Quang Bửu, P.4, Q.8, hiện đều không còn hoạt động). Nhóm PV bắt đầu chia nhau, đóng vai NLĐ nộp tiền, đăng ký phỏng vấn xin việc.
Ngày 5.5, khi đến phỏng vấn ứng tuyển tại Công ty Sài Gòn Group, chúng tôi được yêu cầu đóng các khoản tiền quỹ trách nhiệm, tiền đồng phục, thẻ ngân hàng, thẻ nhân viên, tổng cộng 800.000 đồng. Ngày 7.5, chúng tôi tiếp tục xâm nhập điều tra tại Công ty Hưng Thịnh, đóng 500.000 đồng và được yêu cầu sang tiếp trụ sở của Công ty Thống Nhất để đóng 300.000 đồng phí đồng phục, thẻ ngân hàng (!). Thu tiền nhanh gọn, nhân viên các công ty đưa giấy hẹn, chờ đúng ngày để nhận việc. Thế nhưng đến ngày hẹn, các công ty trên lại tìm cách thoái thác, lần lữa việc làm, tìm cách né tránh để không trả lại tiền. Từ những câu chuyện thực tế, chúng tôi đến trước trụ sở 3 công ty nói trên để tiếp cận với các nạn nhân.
Chị Trần Thị Lam (quê Phú Yên), một nạn nhân cho biết: Ngày 7.4, chị đóng 800.000 đồng vào Công ty Thống Nhất và được hẹn ngày 14.4 đến siêu thị Co.opMart Thủ Đức nhận việc. Nhưng đến ngày hẹn, chị Lam không gọi được quản lý như trong giấy hẹn. Tức tốc đến Co.opMart Thủ Đức hỏi cho ra lẽ, chị biết siêu thị không tuyển người và không ký kết với bên trung gian nào. Đến trụ sở công ty Thống Nhất, chị Lam lại bị nhân viên công ty viện lý do mùa dịch nên chờ sắp xếp sau. Chờ đến hết giãn cách xã hội vẫn không thấy gì, ngày 8.5 chị Lam lên công ty đòi lại tiền thì nhân viên hứa hẹn sẽ trả lại tiền sau 10 ngày với hình thức... chuyển khoản.

Những LĐ bị lừa gạt đang tập trung đòi lại tiền đã đóng cho công ty môi giới

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Chị Lam chỉ là một trong số hàng trăm nạn nhân mà chúng tôi tiếp xúc trong quá trình thâm nhập. Nhiều nạn nhân từ H.Củ Chi, H.Hóc Môn, TP.Dĩ An (Bình Dương), Đồng Nai... cũng bị dẫn dụ đến phỏng vấn và đóng tiền. Nhiều sinh viên đến ứng tuyển chỉ có 50.000 đồng trong túi nhưng vì muốn giữ chỗ nên cũng giao phó hết cho công ty…
Sau đó, nhóm PV Thanh Niên đã kết nối hàng chục nạn nhân, đem tư liệu, hình ảnh điều tra được đến gặp các cơ quan chức năng địa phương, như: UBND P.Tân Tạo (Bình Tân); P.4, Q.8; xã Phong Phú, H.Bình Chánh để kiểm tra 3 công ty nói trên và cả 3 công ty này không xuất trình được bất cứ hợp đồng cung cấp LĐ nào cho các siêu thị, không có giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm…. Sau khi bị cơ quan chức năng lập biên bản, cả 3 công ty này đều trả mặt bằng, không phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng; 3 người đại diện pháp luật của các công ty cũng đều tắt máy điện thoại, không tìm ra địa chỉ.

Nhân viên công ty giới thiệu việc làm chỉ mặt, đe dọa NLĐ khi họ đến đòi lại tiền

ẢNH: NHẬT LINH

Hướng dẫn người lao động đến đúng nơi để tìm việc

Sau khi loạt bài điều tra Cảnh giác bẫy lừa việc làm được đăng tải trên Báo Thanh Niên, ngày 14.5, Văn phòng UBND TP.HCM có công văn khẩn gửi Giám đốc Công an TP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu về việc xác minh các công ty môi giới lừa gạt NLĐ. Nhiều bạn đọc đã gửi thư cho nhóm PV, một mặt vui mừng vì có thêm những thông tin mới cho người LĐ, mặt khác cũng tố giác thêm nhiều nơi khác có hình thức lừa đảo NLĐ tương tự; một số bày tỏ sự bất bình khi hoạt động “thất đức” này lại diễn ra nhiều nơi sau giãn cách xã hội - thời gian NLĐ cần việc làm nhất, nhởn nhơ trước mắt cơ quan chức năng một thời gian dài. Nhiều bạn đọc còn trăn trở: “Những người này lại tìm chỗ mới để mở công ty, lừa sinh viên năm nhất hay NLĐ khác. Không thể dẹp được những công ty này hay sao?”.
Song song với việc phỏng vấn chuyên gia về LĐ việc làm, các cơ quan chức năng, nhóm PV đã cung cấp nhiều “nút mở” cho NLĐ như: các trung tâm tuyển dụng, giới thiệu việc làm uy tín của Thành đoàn TP.HCM, các tổ chức và bên cạnh đó giúp NLĐ hiểu được các quy định, khoản thu phí môi giới, hợp đồng LĐ phải do công ty và NLĐ ký. Từ đó, nhiều NLĐ đã hiểu và tìm được công việc phù hợp, tránh xa vào những bẫy giới thiệu việc làm đang “bày binh, bố trận” ở nhiều nơi. 

Người lao động dính bẫy lừa việc làm đòi tiền, công ty môi giới giở chiêu “hẹn lần hẹn lữa”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.