Phóng viên Thanh Niên trên mọi nẻo đường: Tôi lái… xích lô

Trác Rin
Trác Rin
04/01/2021 10:29 GMT+7

Họ cho mượn xe xích lô, dạy tôi cách… bẻ lái giữa đường xá Sài Gòn đông nghịt người. Để từ đó, tôi nhập vai làm tài xế xích lô chính hiệu...

Hình ảnh tài xế taxi, xích lô, người bán dừa, đánh giày… ngang nhiên “chặt chém” du khách giữa trung tâm Sài Gòn thỉnh thoảng lại bị dư luận lên án mạnh mẽ. Thực trạng nhức nhối nêu trên tái diễn trong thời gian dài...
Để tường tận chiêu trò của những gã xích lô chuyên “chặt chém” du khách, tôi được những người bạn xích lô lương thiện - cũng là bạn đọc chân thành của Báo Thanh Niên tiếp sức. Họ cho mượn xe xích lô, dạy tôi cách… bẻ lái giữa đường xá Sài Gòn đông nghịt người. Để từ đó, tôi nhập vai làm tài xế xích lô chính hiệu, nhằm thâm nhập, tiếp cận những nhóm xích lô chuyên làm bậy.

Thanh Niên - Nhà tôi, trường tôi

Trong ảnh là ông Nguyễn Văn Hai (85 tuổi), một người đạp xích lô lương thiện trên đường phố Sài Gòn

Ảnh: Trác Rin

Những trải nghiệm khó quên

Một ngày giữa tháng 2.2020, một thanh niên với vẻ ngoài trẻ măng (vì tài xế xích lô hầu hết đã đứng tuổi) bắt đầu đạp những vòng xe đầu tiên bắt khách. Lúc hòa lẫn vào dòng người giữa đường phố, tôi phải rất khó khăn mới dừng đèn đỏ đúng lúc, căng thẳng gồng tay lái để né xe cộ bủa vây xung quanh. Lái xích lô khó không? Với một người mới chập chững vào nghề như tôi thì… rất khó!
Sau nhiều ngày thâm nhập vào giới xích lô, tôi đã dễ dàng được những gã chuyên “chặt chém” kể về mánh kiếm tiền phi pháp của mình.
Chiêu thức thông dụng nhất là báo giá chỉ vài ngàn đồng, nhưng sau đó trở mặt, thu tiền gấp hàng trăm lần… Hậu quả, những du khách quốc tế nơi đất khách quê người phải “ôm cục tức”, lẳng lặng rời đi. Với họ, số tiền mất đi không quá đáng kể (từ vài trăm đến vài triệu đồng). Nhưng niềm tin, sự thân thiện về con người Việt Nam trong mắt họ thì mất đi khá đáng kể.

Bài học từ những người bạn mới quen

Loạt bài điều tra Xích lô chặt chém giữa Sài Gòn được đăng tải (từ 24 - 26.2.2020), Công an Q.1 và các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý. Tình trạng xích lô “chặt chém” dường như biến mất hoàn toàn. Mỗi khi hòa vào dòng người tấp nập giữa trung tâm Sài Gòn, tôi không còn chứng kiến cảnh các nhóm xích lô tụm năm, tụm ba để chực chờ “chặt chém” khách du lịch nữa.

ĐIỀU TRA | Thủ đoạn xích lô “chặt chém” ở Sài Gòn: Báo giá mềm, thu tiền "cắt cổ"

Đến tháng 8.2020, UBND TP.HCM có ý kiến chỉ đạo, giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Công an TP.HCM rà soát các quy định pháp luật liên quan việc thành lập Tổ phản ứng nhanh, nhằm phối hợp xử lý các trường hợp tài xế taxi, xích lô cưỡng đoạt tài sản của khách du lịch trên địa bàn TP (Báo Thanh Niên cũng có loạt bài phản ánh về tài xế taxi “chặt chém” khách). Đây là việc hết sức thiết thực, sau nhiều năm trời hình ảnh Sài Gòn ít nhiều bị xấu đi trong mắt du khách bởi những thành phần bất hảo.
Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, truy quét quyết liệt, những tài xế xích lô lương thiện cũng bị ảnh hưởng. Họ phải chuyển qua chạy xe ôm, phụ hồ, người già quá vẫn phải giữ lại xích lô để chở hàng hóa vụn vặt, kiếm sống qua ngày.
Ông Sáu xích lô (63 tuổi) nay chuyển qua chạy xe ôm, là một ví dụ. Ông Hai xích lô (87 tuổi) thì vẫn giữ xe xích lô, nhưng giờ chỉ chở hàng vụn vặt cho khách quen. Lâu lâu, đi ngang gặp những ông bạn xích lô ngày nào, mấy ổng chỉ nhoẻn miệng cười cười: “Ở đất Sài Gòn này, chỉ cần chăm chỉ, lương thiện, lúc nào cũng sống khỏe re…”.
Phải nói rằng, tôi đã rất may mắn khi được biết, được kết thân với những tài xế xích lô lương thiện. Họ có những tính cách mà theo tôi là đúng chất một người Sài Gòn thứ thiệt: am hiểu chuyện đời; sống vô tư lự; phóng khoáng; niềm nở và đặc biệt rất tốt bụng. Họ bùi ngùi, xót xa vì tiếng xấu bủa vây nghề; sẵn sàng giúp đỡ, cung cấp thông tin cho tôi thực hiện loạt bài điều tra.
Họ lạc quan: “Làm nghề gì cũng… sống được, rồi mai mốt già cả cũng chết đi, có gì phải lo sợ…”.

Ông Hai xích lô (87 tuổi) thì vẫn giữ xe xích lô, nhưng giờ chỉ chở hàng vụn vặt cho khách quen: “Ở đất Sài Gòn này, chỉ cần chăm chỉ, lương thiện, lúc nào cũng sống khỏe re…”.

Ảnh: Trác Rin

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.