Phóng sinh cá hải tượng ‘khủng’: Thả cá ngoại lai ra môi trường có bị xử lý?

15/08/2022 16:48 GMT+7

Theo chuyên gia, việc phóng sinh cá hải tượng, một loài cá ngoại lai, ra môi trường, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mới đây mạng xã hội chia sẻ một đoạn video clip ghi lại cảnh nhiều người đi thả cá hải tượng có kích thước “khủng” xuống sông để phóng sinh. Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) yêu cầu Thanh tra Chi cục thủy sản TP.HCM vào cuộc xác minh nguồn gốc cá hải tượng "khủng" được phóng sinh.

Tranh cãi clip phóng sinh cá hải tượng long khổng lồ: Tổng cục Thủy sản lên tiếng

Việc này đang gây nhiều tranh cãi và đa số ý kiến cho rằng hành động này đã gây mất cân bằng sinh thái. Trong trường hợp xác định cá hải tượng này là loài ngoại lai xâm hại thì việc phóng sinh sẽ bị xử lý thế nào ?

Cá hải tượng là loài cá gì ?

Theo PGS.TS Vũ Cẩm Lương, giảng viên Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, cá hải tượng được nhập về Việt Nam để nuôi cảnh từ đầu những năm 2000, nguồn nhập không chính thức.

Cá hải tượng (tên khoa học là Arapaima gigas) là một loài cá nước ngọt có nguồn gốc ở lưu vực sông Amazon (nam Mỹ). Đây là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, có sức ăn lớn, tăng trưởng nhanh, có thể đạt đến độ dài hơn 2 m, thậm chí có những con dài hơn 2,5 m, trọng lượng lên tới 100 - 200 kg.

Ngoài hô hấp bằng mang, cá hải tượng còn có cơ quan hô hấp phụ để lấy ôxi trong không khí, nên cá sống được ở môi trường nước có hàm lượng ôxi thấp.

Cá hải tượng được thả trong đoạn clip

CHỤP MÀN HÌNH

Cũng theo PGS.TS Vũ Cẩm Lương, cá ngoại lai là cá không thuộc quần đàn cá bản địa. Đa số cá ngoại lai thất thoát ra môi trường đến từ đối tượng cá cảnh nên việc quản lý ngành cá cảnh rất quan trọng.

Khi ra môi trường, cá ngoại lai tác động lên môi trường ở 3 cấp độ trắng, xám và đen với mức độ ảnh hưởng từ ít, trung bình đến nhiều. Trong đó, các loài cá dữ, tăng trưởng nhanh, có khả năng phát tán mạnh và nguy cơ lấn át quần đàn cá bản địa, được xếp vào nhóm cấp độ đen, làm thay đổi cấu trúc quần xã cá bản địa hoặc cạnh tranh thức ăn và hệ sinh thái.

PGS.TS Lương cũng cho biết thêm, quy tắc thả cá phóng sinh thì không nên thả các loài cá ngoại lai ra môi trường. Khi thả cá phóng sinh như thường thấy, mọi người ít quan tâm đến cá bản địa tại chỗ thả cá là những loại cá nào nên cần có cách tuyên truyền để người dân biết, với từng khu hệ cá khác nhau nên thả những loại cá nào phù hợp.

Việc thả cá phóng sinh xuất phát từ ý nghĩa tốt, người dân cần được tập huấn để tránh những sơ suất trong thả cá phóng sinh. Và xã hội nên phản ứng có chừng mực, mang tính chất xây dựng và cùng phổ biến quy tắc phóng sinh thuận tự nhiên trên cơ sở khoa học.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), loài ngoại lai được giải thích tại Khoản 18 Điều 3 Luật Đa dạng sinh học năm 2018, là loài sinh vật xuất hiện và phát triển ở khu vực vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của chúng. Đối với loài ngoại lai xâm hại thì được quy định tại Khoản 19, Điều 3 của luật này, là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển.

Việc đưa cá ngoại lai ra môi trường, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về trách nhiệm hình sự, căn cứ theo Điều 246 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội "nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại".

Phạt tiền từ 100 triệu đồng - 1 tỉ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm, đối với hành vi: Nhập khẩu trái phép động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại trị giá từ 250 - 500 triệu đồng hoặc giá trị dưới 250 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên.

Đối với hành vi có tính tổ chức, tái phạm nguy hiểm, giá trị từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù lên đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Về xử phạt hành chính, căn cứ theo Điều 51, Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành từ ngày 25.8.2022). Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn không vì mục đích thương mại. Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi trên vì mục đích thương mại.

Hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn bị xử phạt từ 20 - 640 triệu đồng, tùy trị giá gây thiệt hại. Nếu hành vi trên trong phạm vi khu bảo tồn, sẽ bị xử phạt từ 50 - 200 triệu đồng.

LS Tuấn cũng cho biết, hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại bị xử phạt thấp nhất từ 20 - 40 triệu đồng đối với tang vật vi phạm dưới 10 triệu đồng và cao nhất từ 920 triệu đồng - 1 tỉ đồng đối với tang vật vi phạm từ 230 đến dưới 250 triệu đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm. Buộc tái xuất toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp không thể tái xuất được thì buộc tiêu hủy toàn bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.