Phóng sinh bi hài: ‘Nghe tiếng kinh kệ, có người đã giăng lưới chờ sẵn’

14/09/2022 13:33 GMT+7

Nhiều lần cùng Phật tử phóng sinh hàng trăm ký cá xuống sông Sài Gòn, ni trưởng Như Trí (trụ trì chùa Diệu Giác, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: ‘Nghe tiếng kinh kệ, nhiều người đã giăng lưới đã chờ sẵn hoặc núp ở gần đó chờ đợi…’.

Phóng sinh phải tôn trọng sự sống của muôn loài – Đây là câu nói mà các Tăng, Ni vẫn thường nhắc nhở Phật tử để tìm cách phóng sinh phù hợp, đúng ý nghĩa. Nhiều người công đức luôn tâm niệm phóng sinh, giải thoát cho nhiều loài để chí ít là làm một việc thiện, hoặc tích chút công đức.

Thế nhưng cuộc đời đâu chỉ có cái thiện, cái tốt hiện hữu. Từ chuyện phóng sinh cũng phát sinh quá nhiều chuyện tréo ngoe mà những người tu hành, những người thành tâm gặp phải liên quan đến chuyện phóng sinh.

Có những con chim bị cắt đuôi để không bay cao được

Chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn, TP.HCM) từ lâu đã là điểm đến tâm linh nổi tiếng với các khóa tu và được xem là một trong những trung tâm văn hóa Phật giáo lớn của Việt Nam. Sân chùa rộng lớn, nhiều người đến tham dự các khóa tu, bái Phật, nhưng ngay cổng vào chùa phải treo tấm bảng nhắc Phật tử vui lòng không phóng sinh động vật trong khuôn viên chùa.

Những con cá vừa được phóng sinh đã bị bắt lại trên sông Sài Gòn

Nhật thịnh

Đại đức Thích Tâm Trường, trụ trì chùa Hoằng Pháp cho biết, phóng sinh là đem tâm từ bi đến cho chúng sinh, không sát sinh, trả tự do cho những con vật, tránh nhân quả báo ứng theo quan niệm nhà Phật.

Giải thích chuyện chùa không cho phóng sinh trong khuôn viên, Đại đức Thích Tâm Trường cho hay, có những lần chùa chứng kiến những con chim yếu ớt được người ta nuôi để bán phóng sinh nên vừa được thả ra khỏi lồng đã chết trong sân chùa. Có cả những con chim bị cắt đuôi, được phóng sinh nhưng không thể nào tự do bay giữa đất trời,…

Người dân phóng sinh tại chùa Diệu Pháp dịp lễ Vu Lan vừa qua

Nhật thịnh

“Nhiều con chim chết ở trong chùa, con này con kia nó tha, có khi kiến bu, có khi chết trong hồ nước mà quý thầy chưa phát hiện kịp để vớt lên làm ô nhiễm môi trường,… Từ những lý do đó, chùa không cho Phật tử phóng sinh trong khuôn viên chùa nữa. Nhưng phóng sinh là tốt, chùa vẫn ủng hộ, đây là tâm từ bi của mọi người. Mọi người có thể chọn thời gian, địa điểm phóng sinh phù hợp”, Đại đức Thích Tâm Trường chia sẻ.

Ngày nay, một số Phật tử muốn nhờ các Tăng, Ni cùng đi phóng sinh để chú nguyện (đọc tụng hoặc trì chú cầu nguyện cho chúng sinh), nhưng trụ trì chùa Hoằng Pháp cho rằng, nếu không có quý thầy, quý cô cùng đi phóng sinh thì Phật tử tự mình đi cũng được.

Đại đức trụ trì nhấn mạnh: “Với tâm từ bi của mình thì mình có thể mua bất kỳ con vật nào, phóng sinh vào bất kỳ lúc nào cũng được. Tại thời điểm phóng sinh, mình có thể nói thêm gì đó hoặc không nói cũng được, bởi ngay khi mình chuẩn bị mua cá là đã phát tâm từ bi, mong muốn tự do cho muôn loài rồi, khi nó được tự do thì phước đó mình được hưởng”.

Tuy nhiên, Đại đức Thích Tâm Trường cũng cho rằng, người ta thường chọn mua những con để dễ phóng sinh như chim bay về trời, cá thả xuống sông,… chứ không ai phóng sinh con gà, con vịt vì dễ bị bắt lại.

Người dân thả cá phóng sinh với tâm từ bi, tôn trọng sự sống muôn loài

Nhật thịnh

Theo quan niệm nhà Phật, phóng sinh phải tôn trọng sự sống của muôn loài, nên trong các bài thuyết pháp, những người tu hành thường khuyên Phật tử trước khi phóng sinh thì nên chọn khu vực phóng sinh sao để ngay sau đó người khác không bắt được, con vật được phóng sinh cũng không bị loài khác ăn hiếp, môi trường sống phù hợp.

“Còn những người bán buôn chim phóng sinh nhưng lại làm những mẹo để con chim vừa được thả khỏi lồng lại bay về chỗ cũ, tiếp tục bán thêm nhiều lần nữa lặp đi lặp lại… thì đó là làm sai, lừa người khác, bán phóng sinh nhưng chỉ quan tâm kinh tế chứ không để ý rằng tâm từ bi người người đang đặt vào con chim đó, muốn cho nó có tự do”, trụ trì chùa Hoằng Pháp bày tỏ.

“Thả mấy trăm ký cá, chục con thoát được là may mắn”

Ni trưởng Như Trí, trụ trì chùa Diệu Giác (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng cho rằng, khi phóng sinh là chúng ta đã không sát sinh mà còn hiếu sinh, tức là vừa không ăn mà còn thả nó về với đời sống tự nhiên của nó.

Theo Ni trưởng Như Trí, nhiều người khi phóng sinh muốn mời quý thầy, quý cô cùng đi để chú nguyện vì tin rằng lời chú nguyện của những người tu hành có đức tu sẽ có phần hiệu quả hơn.

Trong những lời chú nguyện ấy, quý thầy, quý cô thường cầu mong con vật sẽ bay cho xa, lội cho sâu để được tự do, không bị ai bắt lại. Nếu có không may thì xin sẽ thoát cảnh con vật để được làm con người, cố gắng chuyển tâm tỉnh táo, tìm nơi có Phật pháp để tu tập.

Có những gia đình phải thuê ghe ra giữa sông để phóng sinh cá

Nhật thịnh

Tuy nhiên, nếu không có quý thầy, quý cô ở chùa cùng tham gia chú nguyện vì bận các công tác Phật sự khác, Phật tử có thể tự đứng trước chánh điện hay dưới sân để chú nguyện, hồi hướng công đức. Sau đó, Phật tử tự mang đến nơi phù hợp để phóng sinh.

“Có những con chim vừa thoát ra khỏi lồng nhưng sau đó bị bắt lại, tiếp tục cảnh bị nhốt, nó sẽ lại sợ sệt, lo âu, không biết tiếp theo người ta sẽ giết hay làm gì. Bản thân nó may mắn vì được cứu sống nhiều lần, nhưng cũng không may vì phải nhiều lần sợ hãi”, trụ trì chùa Diệu Giác nói.

Ni trưởng Như Trí cho hay, Ni trưởng cùng Phật tử thường đi phóng sinh cá ở sông Sài Gòn. Với số lượng ít, mọi người sẽ đến bờ sông, thả cá nhẹ nhàng rồi vẩy nước để cá bơi đi xa, nhưng có những lần cá bơi đi vẫn quay lại một lúc rồi mới lặn mất.

“Có những lần phóng sinh hàng trăm ký cá thì chùa cùng Phật tử phải thuê ghe để ra giữa sông thả. Nghe tiếng kinh kệ, người giăng lưới đã chờ sẵn hoặc núp ở gần đó chờ đợi. Mình cứ nghĩ ra xa phóng sinh là tốt rồi, nhưng mình canh không lại nổi một số người này. Không chỉ một người mà nhiều người. Thôi thì tùy phước của con vật đó. Nhiều khi thả cả mấy trăm ký cá mà thoát được chục con là may mắn…”, trụ trì chùa Diệu Giác chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.