Phòng dịch Covid-19: Giám sát những người trở lại thành phố lớn

18/02/2021 06:11 GMT+7

Trước tình trạng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bến xe, nhà ga ở TP.HCM, Hà Nội giám sát chặt những người quay trở lại thành phố...

TP.HCM kiểm soát chặt tại nhiều bến xe, nhà ga

Từ hôm qua 17.2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phối hợp với Trung tâm y tế Q.Bình Thạnh và Bến xe Miền Đông (BXMĐ, Q.Bình Thạnh) tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên đối với hành khách đến từ các tỉnh có dịch Covid.

Vừa về quê ăn tết, tới TP.HCM được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Từ 4 giờ sáng, các nhân viên y tế tập trung tại khu vực được bố trí sẵn, hành khách đến từ 12 tỉnh có dịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Gia Lai… được chọn ngẫu nhiên để lấy mẫu. Khi vừa xuống xe, hành khách được nhân viên y tế hướng dẫn khai báo y tế rồi sau đó lấy mẫu xét nghiệm. Nhiều hành khách tỏ ra bất ngờ nhưng sau đó đã hợp tác để đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu rồi về nhà. Lãnh đạo BXMĐ cho biết việc lấy mẫu ngẫu nhiên nhằm tầm soát nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các địa phương khác vào TP.HCM, mỗi ngày lấy 100 mẫu, thời gian lấy mẫu từ 4 - 6 giờ là khung giờ nhiều xe khách từ các tỉnh phía bắc tập kết vào bến.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với hành khách xuống xe tại Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với hành khách xuống xe tại Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Lượng khách đổ về BXMĐ chỉ đông đúc từ 4 - 7 giờ, các khoảng thời gian khác trong ngày thì thưa thớt. “Xe từ các tỉnh, thành vùng dịch chủ yếu vào bến lúc rạng sáng. Ban ngày lực lượng y tế tạm rút đi, khi có chuyến xe từ vùng dịch vào bến, tôi sẽ yêu cầu tài xế chốt cửa, không để hành khách xuống xe. Sau đó gọi cho cấp trên, họ sẽ liên lạc với lực lượng y tế xuống thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh”, một bảo vệ đang làm việc nói.
Tương tự, 2 bến xe khác gồm: BXMĐ mới (TP.Thủ Đức) và Bến xe Q.12 và ga Sài Gòn (Q.3) cũng lấy mẫu đối với hành khách từ các tỉnh có ca nhiễm Covid-19, số lượng 100 mẫu/ngày. Riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất, số lượng mẫu khoảng 10 - 20% số lượt hành khách đến sân bay từ các tỉnh thành có nguy cơ như sân bay Vân Đồn, sân bay Cát Bi và sân bay Nội Bài.
Tại Bến xe Miền Tây (BXMT, TP.HCM), chúng tôi ghi nhận công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 tại đây diễn ra liên tục, luôn có lực lượng bảo vệ đứng tại các chốt ra vào kiểm soát vé và đo thân nhiệt những hành khách vào trong bến xe.
Theo nhân viên của một hãng xe ở đây, việc khai báo được lãnh đạo yêu cầu thực hiện, nhiệm vụ của nhân viên là tiếp nhận khai báo và đánh dấu những vé đã được khai báo. Tất cả các hành khách khai báo đều được lưu trữ trên hệ thống máy tính.
Ông Lê Công Quyền, Phòng Điều hành BXMT, cho biết do tình hình dịch diễn biến phức tạp từ trước tết nên lượng khách năm nay giảm. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách chỉ đạt khoảng 65%, còn xe xuất bến chỉ đạt 74%.
Đại diện Bến xe Ngã Tư Ga cũng cho biết từ mùng 2 tết, tại bến xe đã có lực lượng thuộc HCDC túc trực từ sáng đến chiều tối làm công tác lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên và khai báo y tế đối với hành khách vào TP.HCM.

Xác định được nguồn lây của chùm ca bệnh Covid-19 trong gia đình ở Hải Dương

Hà Nội mở rộng xét nghiệm cho tất cả người về từ Hải Dương

Sau khi đã đuổi kịp và khoanh vùng được các nguy cơ nội tại, mối lo của Hà Nội hiện nay là dịch đến từ những người về quê ăn tết quay trở lại làm việc, đặc biệt là người về từ vùng dịch (H.Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương và khu vực có dịch của 11 tỉnh, thành khác). Để xử lý nguy cơ này, Hà Nội đang dựa vào các tổ giám sát y tế cộng đồng, hay gọi tắt là “tổ Covid cộng đồng”, với con số lên tới 10.000 tổ, theo báo cáo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Tuy nhiên, con số thực có thể không được nhiều như vậy, bởi qua báo cáo của các quận, huyện tại cuộc họp của BCĐ phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều 17.2, mỗi nơi chỉ có khoảng 100, hoặc nhiều là hơn 200 tổ. Ngoài ra, việc tổ chức các tổ này có vẻ không đồng đều ở các địa phương, tại một số cụm dân cư, người dân phản ánh việc không thấy sự xuất hiện, giám sát, nhắc nhở của các tổ trên.
Trung tâm y tế Q.Ba Đình trực tiếp lấy mẫu cho người dân ẢNH: TRẦN CƯỜNG

Trung tâm y tế Q.Ba Đình trực tiếp lấy mẫu cho người dân

ẢNH: TRẦN CƯỜNG

Trước tình hình này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã đề nghị các địa phương rà soát lại. Các tổ trên có thành phần là cán bộ tổ dân phố, khu dân cư, cán bộ y tế (nếu có) và các đoàn thể, tổ chức xã hội tình nguyện, với nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống dịch tới hộ gia đình; phát hiện, báo cáo ngay với chính quyền địa phương các trường hợp nghi ngờ, có sốt, với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, đặc biệt là người từ địa phương khác về. Mỗi tổ sẽ chịu trách nhiệm giám sát khoảng 50 - 70 hộ gia đình.
Với nguy cơ từ khu công nghiệp, đại diện Ban quản lý các KCN và KCX cho biết đến thời điểm này, mới có khoảng 80% người lao động quay trở lại làm việc (thấp hơn con số 95% của năm ngoái), do một số người bị kẹt lại ở khu vực bị phong tỏa tại các địa phương. Trách nhiệm phòng, chống dịch đã được giao cho lãnh đạo các doanh nghiệp với các yêu cầu cụ thể.
Để đảm bảo an toàn, Hà Nội cũng quyết định lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người về từ Hải Dương từ 0 giờ ngày 2.2 trở lại đây, thay vì chỉ lấy mẫu người về từ H.Cẩm Giàng. Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu phải rà soát toàn bộ số người về từ Hải Dương xong trước 21.2, xét nghiệm trước, sau đó đến người đi từ 11 tỉnh, thành có dịch còn lại.
Được biết, Hà Nội đã lấy 1.151 mẫu người về từ Cẩm Giàng và đến chiều 17.2 đã có 437 mẫu âm tính.

Lời kêu gọi đầu xuân Ủng hộ lực lượng phòng chống dịch Covid-19

Thực hiện chỉ đạo của TP.Hà Nội, từ ngày 16.2, các quận huyện trên địa bàn bắt đầu tổ chức rà soát, khai báo y tế cho người dân trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ tết. Riêng những người về từ H.Cẩm Giàng (Hải Dương) hoặc từng đến địa phương này từ ngày 15.1 phải lấy mẫu xét nghiệm, sau khi địa phương này trở thành “ổ dịch”.
Ông Phùng Vĩnh Thắng, Trạm trưởng Trạm y tế P.Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết dân số địa phương rất đông, có thể bằng nhiều huyện ngoại thành, nhưng nhân lực của đơn vị này chỉ có 11 người, trong đó có 2 người đang nghỉ chế độ thai sản nên công việc nhiều, phải trực 24/24 lấy mẫu, song song việc khai báo y tế cho người dân. “Trong 2 ngày triển khai, chúng tôi đã lấy mẫu cho 101 trường hợp về từ Cẩm Giàng và người thân sống cùng. Do dân số đông, làm việc quá tải nên chúng tôi mong người dân nghiêm túc chấp hành, khai báo theo tinh thần tự giác, không gian dối để lực lượng giám sát cũng như chúng tôi đỡ vất vả”, ông Thắng nói.
Trong ngày 17.2, Trung tâm y tế Q.Ba Đình cũng lấy mẫu 73 người dân về từ H.Cẩm Giàng, sau khi rà soát, lên danh sách. Ông Bùi Văn Hào, Giám đốc Trung tâm y tế Q.Ba Đình, cho biết để hạn chế người dân tập trung đông, cơ quan này tổ chức khai báo tại trạm y tế từng phường, những người về từ Cẩm Giàng sẽ được thông báo đến điểm lấy mẫu xét nghiệm theo khung giờ.
Là dân Cẩm Giàng, chị Nguyễn Thị Thoa (24 tuổi, trú Q.Ba Đình; quê tại H.Cẩm Giàng) cho biết ngày 13.2, chị về quê và trở lại Hà Nội vào ngày 17.2 để đi làm. Biết tin mình nằm trong diện phải lấy mẫu và hạn chế đi lại, chiều 17.2, chị Thoa đã đến địa điểm lấy mẫu và về nhà theo dõi sức khỏe theo quy định. Theo chị Thoa, việc khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm là nghĩa vụ không chỉ vì bản thân mà còn vì mọi người, xã hội, phải trung thực, chung tay cùng chính quyền thì dịch mới sớm được đẩy lùi.

Gần 5 triệu người Việt Nam sắp được tiêm vắc xin Covid-19

Thái Nguyên, Lào Cai giám sát chặt chẽ người về từ vùng dịch

Ông Hoàng Anh, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Nguyên, cho Thanh Niên biết theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, Thái Nguyên đang giám sát chặt chẽ những người về từ vùng dịch H.Cẩm Giàng cũng như các khu vực khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chỉ trong 2 ngày vừa qua, qua kiểm soát, CDC Thái Nguyên đã lấy gần 120 mẫu xét nghiệm toàn bộ những người về từ các tỉnh đang có ổ dịch, nhiều nhất là Hải Dương. Đến ngày 17.2 đã có gần 100 mẫu cho kết quả âm tính. Dù có kết quả âm tính thì những người trở về, đến Thái Nguyên từ những địa phương đang có ổ dịch vẫn phải thực hiện cách ly tại nhà. “Đối với những người có kết quả xét nghiệm âm tính, chính quyền địa phương phải ra quyết định cách ly tại nhà, giao cho tổ tự quản phòng chống dịch trên địa bàn, cán bộ y tế trực tiếp giám sát việc cách ly, theo dõi sức khỏe”, ông Hoàng Anh nói.
Trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lào Cai đã khôi phục trở lại 6 chốt liên ngành kiểm soát người dân ngoại tỉnh trở lại làm việc sau thời gian nghỉ tết. Đến nay, Lào Cai có 8 chốt liên ngành phòng chống dịch đặt xung quanh tỉnh. Lào Cai yêu cầu toàn bộ người ngoại tỉnh trở lại địa phương này sau tết phải làm thủ tục khai báo y tế. Cập nhật đến chiều 16.2, 8 chốt kiểm soát liên ngành của Lào Cai đã thu thập thông tin khai báo y tế của 33.499 người. Theo đó, CDC Lào Cai đã sàng lọc, phân loại được 2.877 người trở về từ các địa phương có dịch, trong đó 393 người đến từ vùng dịch H.Xín Mần (Hà Giang) và 199 người đến từ vùng dịch H.Cẩm Giàng (Hải Dương) để tiến hành lấy các mẫu xét nghiệm. Bên cạnh đó, trước diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp và số lượng người cần lấy mẫu xét nghiệm rất lớn, CDC Lào Cai đang khẩn trương mở các lớp tập huấn kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 từ tuyến tỉnh đến cơ sở. CDC Lào Cai đặt mục tiêu, sau tập huấn 100% cán bộ trung tâm y tế các huyện, thị xã, TP đều có thể lấy được mẫu xét nghiệm. Còn tại các xã, mỗi xã sẽ có tối thiểu 2 ê kíp có thể lấy được mẫu xét nghiệm.

Sáng 18.2: Không có ca mắc Covid-19, dịch tại Hải Dương vẫn còn phức tạp

Người dân cần khai báo trung thực

Ngày 17.2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết từ ngày 14.2 đã triển khai kế hoạch giám sát người từ vùng dịch trong nước đến sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM sau tết. Đến sáng 17.2, HCDC đã lấy được 2.147 mẫu, trong đó 1.607 mẫu có kết quả âm tính với Covid-19, 540 mẫu đang chờ kết quả.
Từ ngày 16.2, TP.HCM triển khai tiếp nhận khai báo y tế người từ các tỉnh thành khác về TP tại sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế. HCDC đã tiếp nhận 2.134 người khai báo, trong đó 60 người đến từ các vùng có dịch được chuyển cách ly tập trung, 10 người cách ly tại nhà, 2.064 người tự theo dõi sức khỏe. HCDC cũng lấy mẫu xét nghiệm 2.113 người, trong đó 1.350 âm tính, 763 đang chờ kết quả. TP.HCM mở thêm cơ sở cách ly tập trung dành cho nhóm người có nguy cơ cao đến từ vùng dịch, sẵn sàng tiếp nhận người cách ly.
Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM cho biết từ ngày 8 - 17.2, có 393.000 người đến khám bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn TP khai báo y tế. Trong đó, có 12.983 lượt người (3%) khai báo là người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cần được phân luồng và khám sàng lọc. Sở Y tế đề nghị các bệnh viện phân luồng khám sàng lọc, bố trí nguồn lực thích hợp cho khu vực khám sàng lọc. Sở Y tế yêu cầu bác sĩ các bệnh viện hỏi kỹ bệnh sử khi khám bệnh, duy trì việc khai thác kỹ yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19 để đảm bảo chỉ định cách ly và làm xét nghiệm sàng lọc Covid-19 theo đúng hướng dẫn của HCDC.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện đã có 129 bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn TP sử dụng ứng dụng khai báo y tế điện tử. Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện chưa thực hiện khai báo y tế điện tử cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn hoạt động khai báo y tế điện tử tại đơn vị. Việc khai báo y tế điện tử sẽ giúp HCDC liên tục cập nhật yếu tố dịch tễ trên phiếu khai báo, cập nhật này đáp ứng yêu cầu tình hình dịch tễ mới khi truy vết tiếp xúc (F1, F2) đang diễn ra trên địa bàn TP.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị người dân trở lại TP làm việc, học tập cần khai báo y tế trung thực để cùng ngành y tế TP.HCM kiểm soát dịch bệnh. TP.HCM tiếp tục duy trì lấy mẫu xét nghiệm tầm soát diện rộng với trọng tâm là những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, chợ, nhà máy, xí nghiệp, bến xe, nhà ga...

Yêu cầu KCX, KCN thực hiện tốt phòng, chống dịch

Trả lời Thanh Niên về kế hoạch kiểm soát dịch Covid-19 khi công nhân, người lao động trở lại TP.HCM làm việc sau tết, đại diện công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX, KCN) TP.HCM cho biết ngày 17.2 (mùng 6 tết), đã có khoảng 50% công nhân, lao động về quê trở lại TP.HCM, nhưng đa số sẽ đi làm chính thức từ ngày 19.2 (tức mùng 8 tết). Ban Quản lý các KCX, KCN TP.HCM (HEPZA) đã yêu cầu các doanh nghiệp phải triển khai cho nhân viên khai báo y tế theo thông tin cập nhật trên trang thông tin điện tử của HCDC. Khi có nhân viên đến từ các vùng dịch, cần cách ly, giám sát y tế theo hướng dẫn của HCDC, thông báo ngay cho trung tâm y tế quận - huyện để phối hợp xử lý.
HEPZA đề nghị doanh nghiệp phối hợp công đoàn cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; yêu cầu người lao động cung cấp lịch trình di chuyển trong thời gian về quê đón tết. Yêu cầu người lao động đeo khẩu trang tại nơi làm việc và thực hiện sát khuẩn, rửa tay trước khi vào và ra khỏi phân xưởng; thường xuyên vệ sinh thông thoáng nhà xưởng...
Thu Ngân 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.