Phong cách Hồ Chí Minh - một tài sản tinh thần to lớn

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
07/05/2020 06:42 GMT+7

Tại hội thảo Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp, do Bộ VH-TT-DL tổ chức hôm qua 6.5 tại Hà Nội, các nhà nghiên cứu đánh giá phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc.

Những bài học quản lý, bài học con người

PGS-TS Doãn Thị Chín, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, đã nhắc nhiều lần đến tư tưởng mọi việc dựa vào quần chúng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sống vẫn luôn lưu ý. Bà trích dẫn quan điểm của Người: “Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói”; “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”.
Với những bài học thân dân như thế, theo PGS-TS Doãn Thị Chín: “Phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng, dân tộc ta, mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người VN”.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi thành phố Stalingrad (Liên Xô), 1957

Ảnh: tư liệu

Cùng quan điểm, cũng tại hội thảo, PGS-TS Lý Việt Quang, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, trích dẫn khái quát của Bác trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947). Theo đó, Bác cho rằng chính sách có đúng mấy đi nữa, nhưng cách làm sai thì cũng không thể thành công được. Người chỉ rõ: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.
Ông Quang cũng phân tích việc thời kỳ trước đổi mới, con người cá nhân với những nhu cầu, nguyện vọng thiết thực trong cuộc sống thường ngày ít được chú trọng. Điều này lý giải tại sao người lao động nhiều, nhưng năng suất và kết quả sản xuất lại không cao. Một trong những minh chứng rõ nhất là tình trạng “rong công phóng điểm” ở trong các hợp tác xã nông nghiệp. Điều này càng cho thấy quan điểm của Hồ Chí Minh có tầm nhìn rất xa.
TS Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, cho rằng: “Xem xét thực tế đời sống trong Đảng, lúc này mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, phải rèn luyện phẩm chất cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phải quán triệt và làm theo tấm gương sáng về đạo lý làm người của Bác Hồ, thì Đảng mới đứng vững được trên vũ đài chính trị của Đảng cầm quyền”.

Nhà văn hóa kiệt xuất

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhắc tới việc Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của VN trong Nghị quyết 24C/18.65 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người tại Khóa họp Đại Hội đồng lần thứ 24 tại Paris, năm 1987. Nội dung nghị quyết có đoạn: “... Những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.
TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay 22 quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latin, châu Phi đã có 29 công trình tượng, tượng đài Bác. Cũng có 11 khu tưởng niệm mang tên Bác ở nước ngoài, trong đó có 8 công trình ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, 3 công trình tại Pháp, Nga, Đức. “Phần lớn các công trình này đều được xây dựng từ nguồn kinh phí của sở tại, điển hình ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào... Các cơ quan đại diện cũng đã đặt bia, gắn biển đồng tại Singapore, Anh, Slovakia, Ấn Độ và Pháp... nhằm lưu lại những địa danh mà Bác Hồ đã sống, học tập, làm việc hoặc từng đi qua”, ông Hà cho biết.
Cũng theo ông Hà, việc đặt tên trường học, lớp học mang tên Hồ Chí Minh được thực hiện tại một số quốc gia như Nga, Ukraine, Mông Cổ, Triều Tiên, Mexico và Cuba. Chúng đều cho thấy uy tín của Người trên trường quốc tế.
Bà Hằng cũng nói đến việc trong suốt sự nghiệp cách mạng, với nhiều đối tượng khác nhau ở bên kia chiến tuyến, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có phong cách ứng xử văn hóa. Người luôn mong muốn thực hiện đường lối ngoại giao hòa bình, đối thoại, chủ trương giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng thương lượng với thái độ hiểu biết, nhân nhượng lẫn nhau.
Điều đó cũng được nhà chính trị Jean Sainteny trong hồi ký về sự kiện ký Hiệp định Sơ bộ 1946 bày tỏ: “Những lời nói của ông, những cử chỉ của ông, thái độ của ông, con người thật của ông, tất cả đều khẳng định ông không muốn giải quyết vấn đề bằng bạo lực... Chính tư tưởng này đã khiến ông trở thành một nhân vật hiền từ, nhân hậu, được gọi là Bác Hồ, một người yêu thích trẻ em, sẵn sàng chụp ảnh cùng bầy trẻ thơ, nói chuyện thân mật với nhân dân trong suốt chặng đường dài đi thăm nước Pháp, thăm hỏi những người Pháp bị thương hoặc ốm đau tại bệnh viện...” .
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.