Phòng bệnh mùa đông xuân như thế nào?

03/12/2016 09:01 GMT+7

Ho gà, viêm phổi do Hib là những bệnh gây biến chứng nguy hiểm, tử vong ở trẻ nhỏ. Vi khuẩn gây các bệnh này tăng mạnh trong mùa đông xuân, và dễ dàng gây dịch lớn nếu trẻ không được bảo vệ.

Vi khuẩn “ẩn mình”
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vi khuẩn Haemophilus influenza loại B (Hib) là tác nhân phổ biến nhất gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não cấp do vi khuẩn ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm từ 30 - 50% trong số các ca viêm màng não do vi khuẩn. Trẻ bị bệnh viêm màng não do Hib, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại những di chứng nặng nề về thần kinh, khiến trẻ bị điếc, trí tuệ sa sút, mất khả năng học tập, khó khăn khi vận động... Tỷ lệ tử vong có thể từ 5 - 10% đối với những trẻ bị viêm màng não do Hib.
Vi khuẩn Hib tồn tại ở mũi và họng, dễ lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp, qua những giọt nước bọt do hắt hơi và ho. “Nhiều trẻ mang vi khuẩn Hib mà không có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào của bệnh. Những trẻ này có thể gây bệnh cho các trẻ em khác và đây là nguồn lây bệnh chính trong cộng đồng. Bất cứ trẻ nào chưa có miễn dịch phòng bệnh đều có nguy cơ cao mắc bệnh này, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi”, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo.

Tuy nhiên, bệnh này có thể phòng bằng cách tiêm vắc xin sớm và đủ mũi cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết từ năm 2010, mỗi năm tại VN có khoảng 1,6 triệu trẻ được tiêm chủng (miễn phí) đủ 3 mũi phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não do Hib dưới dạng vắc xin phối hợp “5 trong 1” với lịch tiêm lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Trước năm 2010, khi vào mùa đông xuân, có hàng chục ngàn trẻ mắc viêm phổi do Hib phải nhập viện và đa số trẻ viêm màng não điều trị tại khoa truyền nhiễm của các bệnh viện nhi tuyến T.Ư là do vi khuẩn Hib. Giám sát gần đây cho thấy tỷ lệ này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vì bệnh do Hib đã giảm nên có thể khiến người mẹ chủ quan, không cho trẻ tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi. Như vậy, trẻ dễ có nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm.
Ho gà rình rập
Theo Cục Y tế dự phòng, số trẻ mắc bệnh đã giảm hàng trăm lần sau nhiều năm triển khai tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng miễn phí suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, vi khuẩn này vẫn đang tồn tại và luôn sẵn sàng tấn công trẻ nhỏ. Ghi nhận rải rác các ca mắc tại một số địa phương, chủ yếu ở những trường hợp chưa được tiêm chủng. Đáng lưu ý, ngay tại các bệnh chuyên khoa nhi tuyến T.Ư đã từng ghi nhận gần 200 ca mắc, trong đó có những ca biến chứng nặng, tử vong trong mùa đông xuân 2014 - 2015 và hiện vẫn ghi nhận rải rác. “Mùa đông xuân thường là thời điểm vi khuẩn ho gà phát triển mạnh, dễ lây lan, bùng phát. Do đó, các gia đình cần thực hiện các biện pháp dự phòng hiệu quả cho trẻ”, PGS-TS Trần Đắc Phu lưu ý.

tin liên quan

5 cách đối phó bệnh xương khớp mùa mưa lạnh
Miền Bắc sớm vào đông, nhiệt độ chuyển lạnh. Miền Nam vẫn mưa nhiều và độ ẩm cao. Thời tiết thay đổi khiến những cơn đau nhức của bệnh nhân xương khớp 'bùng' lên dữ dội, dai dẳng. Nhiều người thậm chí phải khóc ròng và mất ngủ triền miên do cơn đau hành hạ.

Theo chuyên gia này, ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn gây nên, lây qua đường hô hấp. Bệnh thường gặp chủ yếu ở trẻ em từ 1 - 6 tuổi. Trẻ mắc bệnh có biểu hiện như sốt, ho dữ dội thành cơn kéo dài và có tiếng thở rít, chảy nước mắt, nước mũi, kèm theo nôn có đờm trắng và rất dính. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh ho gà hoặc chưa được miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin ho gà đều có thể cảm nhiễm với bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo, cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và cần được chăm sóc cách ly để tránh lây lan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.