Phơi nông sản trên đường: Phạt như… gãi ngứa!

07/06/2021 14:57 GMT+7

Đã có không ít vụ tai nạn từ việc phơi nông sản tràn lan giữa đường. Vậy nên, đừng đợi đến khi có hậu quả chết người, khi dư luận đặt câu hỏi: trách nhiệm của ai, tại sao không xử lý mới xem xét thì đã quá muộn.

Cách nay chưa lâu, một buổi chiều khi lái xe đón em đi học về, ngang qua đoạn đường phơi đầy nông sản, tôi thấy cảnh hai người phụ nữ đang lời qua tiếng lại. Trên đường, một chiếc xe máy vẫn nằm sõng soài giữa đống lúa đang phơi. Tôi đoán chắc mâu thuẫn xảy ra bắt nguồn từ việc phơi nông sản dẫn đến tai nạn, té xe.
Khoảng thời gian này, nhiều loại nông sản đang vào mùa thu hoạch, bà con nông dân vô tư mang lúa, bắp, củ mì… phơi tràn lan khắp các ngã đường. Gần nơi tôi ở, khu phố 1 - phường Bảo An - TP. Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), ngay bên dưới cổng chào “khu phố văn hóa”, đủ loại nông sản được mang phơi tràn lan, che kín lối đi. Vừa mất mỹ quan đô thị, vừa ảnh hưởng đến việc di chuyển của bà con trong khu phố.
Một tuyến đường khác ở khu vực phường Phước Mỹ gần đó, tình trạng cũng không “khá khẩm” hơn, toàn bộ lòng đường bị người dân biến thành sân phơi lúa. Và thay vì là nơi để phương tiện qua lại, giờ đây cả đoạn đường chỉ thấy ngổn ngang toàn những gạch đá chận đè, cuốc, cào trải nông sản.
Đáng nói, việc lấn chiếm toàn bộ lòng đường để phơi nông sản ở đây diễn ra thường xuyên, cứ “đến hẹn lại lên” mỗi vụ mùa. Người dân vô cùng bức xúc vì bị cản trở đi lại. Thậm chí không ít trường hợp tai nạn đã xảy ra bắt nguồn từ việc tránh né chướng ngại vật trên đường. Thế nhưng, cuối cùng bà con cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì không thể giải quyết được “vấn nạn” này.

Không ít vụ tai nạn xảy ra vì phơi nông sản phơi tràn lan trên đường

Thực tế, các cơ quan chức năng địa phương lâu lâu cũng có vào cuộc nhưng rốt cuộc đâu cũng vào đấy. Theo tìm hiểu của tôi, Khoản 3 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi: “Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép”. Đối với hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Với mức xử phạt kiểu “gãi ngứa” như thế này, thử hỏi làm sao đủ để ngăn chặn tình trạng sử dụng lòng lề đường làm sân phơi nông sản? Số tiền ấy thấp hơn khoản tiền mà người dân phải chi trả cho việc thuê mặt bằng sân phơi hợp pháp.
Theo cá nhân tôi nghĩ, trách nhiệm ở đây không chỉ thuộc về những cá nhân vi phạm việc lấn chiếm lòng lề đường mà rõ ràng còn thuộc về các cơ quan chức năng tắc trách hoặc thiếu trách nhiệm trước sai phạm của người dân.
Đặc biệt, một số người dân ở đây hết sức bức xúc vì công tác xử lý sai phạm của các đơn vị liên quan chưa thỏa đáng. Bởi lấn chiếm lòng lề đường vì bất cứ mục đích gì đều là sai phạm. Thế nhưng, nhiều tiểu thương buôn bán ven đường lên tiếng vì họ phải chạy nháo nhào khi xe quản lý đô thị ngang qua, thậm chí phải nộp phạt hoặc bị thu giữ các mặt hàng. Trong khi đó, các con đường tràn lan nông sản vẫn ngang nhiên mọc lên.
Chính vì vậy, để có thể dứt điểm được “vấn nạn” phơi nông sản chiếm đường, đầu tiên các cơ quan chức năng cần xử lý kịp thời. Đã vào cuộc thì cần sự công bằng, nghiêm minh. Cụ thể, cần phải có “đường dây nóng” để người dân có quyền phản ánh khi cần thiết. Tái thiết lại khâu tổ chức quản lý, tăng cường lực lượng chức năng giám sát tại các tuyến đường chính, có thể lắp đặt camera theo dõi những dấu hiệu vi phạm để kịp thời ngăn chặn và xử lý.
Về phần người dân, cần phân định giữa chốn công và tư. Đa phần tại các địa phương thường có những khoảng sân rất rộng, người dân có thể bỏ ra một khoản tiền để thuê làm sân phơi. Đồng thời, cần bớt đi thái độ “hờ hững” trước hiểm họa.
Sự công bằng trong xử phạt hay an toàn khi ra đường là điều thiết yếu mà ai cũng đều mong muốn. Đừng đợi đến khi có sự cố chết người, khi dư luận đặt câu hỏi: trách nhiệm của ai, tại sao không xử lý thì mới giải quyết vấn đề thì đã quá muộn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.