Phối hợp quản lý thuế với xe Uber, Grab

03/06/2017 06:37 GMT+7

Dự thảo sửa đổi thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng ô tô đã được Bộ GTVT trình Chính phủ, trong đó đưa ra những quy định quản lý mới với xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab.

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết như trên tại tọa đàm Đổi mới quản lý kinh doanh vận tải do Báo Giao thông tổ chức chiều qua 2.6.

tin liên quan

Vì sao đồng ý Grab, từ chối Uber
Việc cấm Uber hoạt động có thể gặp phản ứng mạnh của chính người tiêu dùng - những người đang hưởng lợi nhờ giá rẻ hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn so với taxi truyền thống và cả của những người tham gia kinh doanh.
Cần tạo điều kiện phát triển
“Nhiều người gọi xe sử dụng hợp đồng điện tử là taxi điện tử nhưng chưa chính xác, bản chất dịch vụ Uber, Grab là phần mềm kết nối cung cầu, khách hàng có thể kiểm soát thông tin về xe đi lại. Vấn đề đặt ra là giữa các loại hình này có cạnh tranh bình đẳng không? Tôi khẳng định không có gì bất bình đẳng, vì trước khi có Grab, Uber thì xe hợp đồng đã có mặt trên thị trường”, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT nói.


Những loại hình vận tải nào phục vụ hành khách thuận tiện, văn minh hơn cần tạo điều kiện cho phát triển, xe truyền thống sẽ phải tự cạnh tranh về dịch vụ, chất lượng, giá cả

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN


Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cũng đồng tình khi Nghị định (NĐ) 86/2014 sửa đổi quy định 1 xe hợp đồng chỉ có 1 hợp đồng, tránh lách luật dẫn đến tình trạng 1 xe có tới 50 hợp đồng. Theo ông Thanh, lâu nay vẫn xem xe hợp đồng trá hình là vấn nạn, tìm cách “trói” lại, xử lý nghiêm, nhiều NĐ đã ra đời nhưng không giải quyết được. Trong khi thực tế đã phát sinh nhiều loại hình mới, ngoài xe hợp đồng du lịch nhưng chạy như tuyến cố định trước đây, hiện nay còn có thêm Limousine rồi Uber, Grab. “Yêu cầu của người dân ngày càng cao, người ta không chấp nhận vào bến mua vé, xe hợp đồng đáp ứng được yêu cầu này mà tìm cách trói lại là không hợp lý. Những loại hình vận tải nào phục vụ hành khách thuận tiện, văn minh hơn cần tạo điều kiện cho phát triển, xe truyền thống sẽ phải tự cạnh tranh về dịch vụ, chất lượng, giá cả”, ông Thanh nói.
Xử nghiêm việc trốn, lậu thuế
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô VN cũng cho rằng cần sắp xếp gọn lại, không nhất thiết quy định 5 loại hình vận tải, gây khó quản lý như hiện nay. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm việc trốn, lậu thuế, nạn xe dù bến cóc. Mặt khác, với Uber, Grab, theo ông Thanh đây là loại hình vận tải ứng dụng công nghệ cao, với số lượng xe lớn gấp đôi xe taxi truyền thống đã hình thành một loại hình vận tải mới, không nên ngăn cấm mà phải có định hướng phù hợp. Nếu hạn chế Uber, Grab, người lao động đang chạy cho ứng dụng này sẽ không được bảo vệ.
Dẫn lại việc taxi truyền thống cho rằng Uber, Grab trốn thuế, cạnh tranh không bình đẳng, ông Thanh thẳng thắn cho biết không chăm chăm bảo vệ taxi truyền thống vì taxi truyền thống cũng có nhiều khuyết tật buộc phải đổi mới. Tuy nhiên, để minh bạch thực sự thì phải quản lý được thuế, cũng như nếu hạn chế taxi truyền thống vào bến xe thì phải hạn chế cả Grab, Uber, không phải bên dễ dãi, bên khắt khe.
“Bộ Tài chính có trả lời hiệp hội một văn bản về thuế nhưng chúng tôi không đồng tình. Chúng tôi chỉ mong các doanh nghiệp vận tải, các loại hình vận tải nên nghiên cứu làm gọn lại, các điều kiện kinh doanh rõ ràng, mạch lạc, minh bạch hơn, đừng thủ tục phức tạp quá, đồng thời bình đẳng về các ràng buộc tiêu chuẩn, đặc biệt là thuế”, ông Thanh chia sẻ.
Trước thắc mắc của ông Thanh, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết việc quản lý tài chính giữa taxi truyền thống và Uber, Grab đang mập mờ, gây tranh cãi. Tới đây, Bộ GTVT sẽ phối hợp Bộ Tài chính để quản lý hiệu quả hơn, không chỉ Uber, Grab mà tất cả các loại xe ứng dụng công nghệ đều phải đăng ký kinh doanh, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt thật nặng. Vấn đề hiện nay là chưa xử lý mạnh tay, nên chưa đủ sức răn đe. Trong tương lai, nếu trốn thuế mà bị phát hiện sẽ rút giấy phép ngay.
TP.HCM: Kiến nghị tạm chưa cho Uber hoạt động thí điểm
Ngày 2.6, Sở GTVT TP.HCM cho biết vừa có văn bản gửi UBND TP kiến nghị tạm chưa cho xe Uber thực hiện thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử tại TP trong năm 2017.
Lý do, theo Sở GTVT là TP.HCM hiện đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện thí điểm hợp đồng điện tử như Grab, V.Car (Vinasun Car), M Car (Mai Linh Car). Trong khi đó lượng xe hợp đồng điện tử bùng phát quá lớn, phá vỡ quy hoạch hệ thống taxi của TP. Theo thống kê, taxi truyền thống vẫn giữ nguyên 11.000 xe nhưng lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ đã gần 20.000 xe, là một trong những nguyên nhân chính gây kẹt xe. Vì vậy theo Sở GTVT TP, việc tạm dừng cho phép các xe Uber hoạt động là nhằm khống chế phát sinh lượng xe hợp đồng điện tử thí điểm.
Sở GTVT nhận định từ năm 2014 đến nay, hoạt động xe Uber tại TP chưa theo đúng các quy định của pháp luật VN về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Sở GTVT đã nhiều lần đề nghị Uber làm thủ tục theo quy định của pháp luật VN để hoạt động nhưng Uber đã chưa hợp tác, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh taxi và thí điểm hợp đồng điện tử.
Trong khi đó, Bộ GTVT mới đây đã cho phép Uber tham gia thí điểm hợp đồng điện tử với xe ô tô.
Trả lời Thanh Niên chiều 2.6, một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, ngày 1.1.2018 là hết thời hạn thí điểm hoạt động của các xe hợp đồng điện tử theo quy định của Bộ GTVT và Chính phủ. Từ đây đến đó chỉ còn vài tháng nữa, trong khi Uber từ trước đến nay vẫn chưa chính thức được Bộ GTVT cho phép hoạt động thí điểm xe hợp đồng điện tử theo phần mềm Uber. Vì vậy, Sở GTVT đề nghị tạm chưa cho phép Uber hoạt động chứ không phải tạm ngưng hoạt động.
N.Đ.Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.