Phối hợp phòng, chống vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

13/04/2018 07:00 GMT+7

Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và BHXH Việt Nam (Quy chế 1853), BHXH tỉnh và Công an tỉnh Đắk Lắk đã ký kết Chương trình phối hợp số 2383/CTr-CAT-BHXH ngày 31.8.2012.

Bảo hiểm xã hội tỉnh và Công an tỉnh Đắk Lắk vừa ký kết tiếp tục triển khai chương trình phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN).
Vi phạm “đa dạng”
Theo thống kê của các ngành chức năng, Đắk Lắk hiện có 6.420 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động, số lao động được sử dụng là 61.276 người. Tuy nhiên, chỉ có 2.775 DN với 39.280 lao động đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nhiều đơn vị không đóng hoặc đóng không đầy đủ số lao động và mức lương theo quy định, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng. Theo BHXH tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2017, số nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN cả tỉnh lên đến 80,7 tỉ đồng, chiếm 2,28% tổng số thu.
Ông Trương Văn Bá, Phó trưởng phòng Thanh tra - kiểm tra BHXH tỉnh Đắk Lắk, cho biết hành vi trục lợi BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Trong vài năm gần đây, nhiều cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đã chi vượt quỹ KCB so với số tiền quỹ được giao. Bên cạnh nguyên nhân do thay đổi cơ chế, chính sách khiến giá dịch vụ y tế tăng, một số cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu lạm chi quỹ KCB dẫn đến chi phí thanh toán BHYT tăng cao, làm mất cân đối quỹ. Đối với chế độ BHTN, nhiều trường hợp chuyển chỗ làm, có việc làm mới ngay sau nghỉ việc nhưng vẫn đăng ký hưởng BHTN, hoặc người lao động thông đồng với DN giả nghỉ việc để được hưởng BHTN, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN...
“Đối với các chế độ BHXH ngắn hạn, trong thời gian vừa qua cũng còn xảy ra tình trạng trục lợi quỹ BHXH như người lao động không ốm đau hoặc ốm đau chưa đến mức phải nghỉ việc nhưng vẫn xin xác nhận nghỉ việc do ốm đau tại các cơ sở KCB để được hưởng chế độ BHXH. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các DN thực hiện trả lương theo cơ chế khoán như các DN cà phê, cao su...”, ông Bá cho biết.
Ngoài ra, việc lạm dụng chế độ thai sản diễn ra dưới hình thức như gửi đóng BHXH, truy đóng BHXH để được hưởng chế độ thai sản; thậm chí ở một DN cà phê còn làm giả cả giấy khai sinh để được hưởng chế độ thai sản. Theo ông Bá, biểu hiện của lạm dụng quỹ BHXH từ các chế độ ngắn hạn không khó nhận diện, tuy nhiên, trong thời gian qua việc xử lý các vi phạm này chủ yếu là thu hồi tiền hưởng sai nộp vào nguồn quỹ, chưa có chế tài đủ mạnh nên tình trạng này vẫn còn xảy ra.
Nỗ lực phòng chống vi phạm
Những năm qua, việc phối hợp giữa BHXH tỉnh và Công an tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và BHXH Việt Nam (số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXH ngày 16.5.2012, gọi tắt Quy chế 1853), BHXH tỉnh và Công an tỉnh Đắk Lắk đã ký kết Chương trình phối hợp số 2383/CTr-CAT-BHXH ngày 31.8.2012. Chương trình được triển khai đến BHXH các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan công an cùng cấp, các cơ quan có liên quan. Từ việc phối hợp này, viên chức ngành BHXH cung cấp thông tin cho lực lượng công an giải quyết khi phát hiện những dấu hiệu tiêu cực bất thường trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN...
Ông Trương Văn Sáng, Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc thực hiện chương trình phối hợp nói trên bước đầu đã góp phần hạn chế các vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Trước khi có Quy chế phối hợp 1853, một số cơ sở KCB dễ dãi trong việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nhưng sau khi có Quy chế và được tuyên truyền, các cơ sở này có trách nhiệm hơn trong việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Qua theo dõi công tác giải quyết, chi trả chế độ ốm đau cho thấy số lượt người đề nghị hưởng chế độ ốm đau giảm đáng kể.
“Ngoài ra, sự phối hợp giữa BHXH tỉnh và Công an tỉnh cũng đem lại những kết quả tích cực trong công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN“, ông Sáng nhìn nhận. Cụ thể, trong năm 2017, hai đơn vị đã tiến hành thanh tra 4 đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; qua đó các đơn vị thanh tra đều khắc phục các vi phạm về nợ đọng và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Có đơn vị đã nộp hết số nợ trước khi đoàn thanh tra đến làm việc như Công ty TNHH Xây dựng Thiên Trường (nộp hơn 310 triệu đồng).
Cũng từ đơn tố cáo, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Công an H.Cư Kuin tiến hành thẩm tra, xác minh đường dây làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện để thanh toán chế độ ốm đau tại 8 DN trên địa bàn huyện. Sau đó, Công an tỉnh thụ lý hồ sơ vụ việc, đề nghị BHXH tỉnh thu hồi số tiền đã duyệt thanh toán sai quy định hơn 228 triệu đồng…
Đẩy mạnh phối hợp giữa hai ngành
Ngày 16.8.2017, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và BHXH Việt Nam đã tiến hành ký kết Quy chế phối hợp số 3461/QCPH-TCCS-BHXH để thay thế Quy chế phối hợp 1853. Thực hiện Quy chế 3461, BHXH tỉnh và Công an tỉnh Đắk Lắk tiến hành ký kết chương trình phối hợp mới (số 829/CTr-CAT-BHXH ngày 2.4.2018) nhằm cụ thể hóa các nội dung phối hợp theo chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và BHXH Việt Nam.
Theo ông Trương Văn Sáng, thực hiện chương trình phối hợp mới, BHXH tỉnh Đắk Lắk sẽ chỉ đạo cung cấp thông tin, tài liệu hiện có về các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN của đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của Cơ quan CSĐT các cấp thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk. Định kỳ hằng quý, cơ quan BHXH phối hợp, trao đổi kịp thời với cơ quan Công an cùng cấp về các trường hợp có biểu hiện phức tạp liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ công an để nắm bắt tình hình và có biện pháp phối hợp giải quyết dứt điểm đơn thư, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện phức tạp, vượt cấp kéo dài. Trường hợp cần thiết có thể cử viên chức phối hợp với lực lượng công an trong việc điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hình sự về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN…
“Việc phối hợp giữa hai cơ quan BHXH tỉnh và Công an tỉnh Đắk Lắk trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN sẽ thực hiện với phương châm lấy “phòng ngừa” làm chủ đạo, phải thực hiện lâu dài, thường xuyên, liên tục. Đồng thời việc “chống tội phạm”, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm phải kịp thời, triệt để, đúng đối tượng và có tác dụng răn đe, giáo dục”, ông Sáng nhận định.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG AN TỈNH
Theo chương trình phối hợp số 829/CTr-CAT-BHXH, Công an tỉnh Đắk Lắk có trách nhiệm chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để thông báo kịp thời cho BHXH tỉnh Đắk Lắk về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN và các hành vi vi phạm pháp luật khác để BHXH tỉnh có kế hoạch phối hợp và chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cùng cấp ngành BHXH đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót về cơ chế, chính sách trong công tác quản lý BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN để tham mưu, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế theo từng thời kỳ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.