Phó Tư lệnh Quân khu 2: 'Tài sản tham nhũng đâu có cánh mà bay?'

20/11/2017 14:25 GMT+7

Theo thiếu tướng Sùng Thìn Cò, tài sản tham nhũng chỉ có thể chạy vào chỗ thân quen của người tham nhũng chứ không thể có cánh bay đi, do đó, cần cương quyết hơn trong thu hồi loại tài sản này.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, bày tỏ quan điểm trên khi trao đổi với báo giới bên hành lang phiên họp sáng nay, 20.11.
Tham nhũng xảy ra ở nhiều nơi nhưng thực tế thu hồi tài sản được rất ít, ông chia sẻ gì trước thực tế này?
 - Thu hồi tài sản chủ yếu là do mình chưa cương quyết thôi. Anh đã tham nhũng thì tài sản tham nhũng đó chẳng nhẽ có cánh mà bay?. Nó chỉ có vào những người thân, người quen, vào những chỗ quen biết chứ chả đi đâu.
Có ý kiến cho rằng có cả việc chuyển tài sản tham nhũng ra nước ngoài nữa. Theo ông, chúng ta có kênh nào kiểm soát, ngăn chặn tẩu tán tài sản không?
- Cái đó thì trước mắt nó khó, nhưng với điều kiện hiện nay, Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm, các cơ quan pháp luật vào cuộc rất mạnh. Luật Phòng chống tham nhũng cũng rất hiệu quả rồi, nên vừa qua cũng đã răn đe được nhiều cán bộ có hành vi tham nhũng.
Tôi nghĩ, thu hồi tài sản tham nhũng trước mắt thì khó khăn nhưng sau này chắc là thu hồi được, còn thu hồi được bao nhiêu thì chưa rõ. Việc thu hồi tài sản tham nhũng là mong muốn của Đảng, Nhà nước, cử tri, nhân dân, cá nhân tôi cũng thế.
Ông có hiến kế gì trong việc thu hồi tài sản do tham nhũng không?
- Hiến kế thì chả gì khó khăn lắm! Cơ bản là cơ quan chức năng đi thực hiện nhiệm vụ để thẩm định, kiểm tra, xác minh các tài sản đã bị tham nhũng phải là những người thực sự liêm chính, chí công, vô tư mới làm được. Còn nặng về vấn đề gì đó, mục đích gì đó sẽ không làm được.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa rồi có nêu hiện tượng có tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng. Ông nhìn nhận việc này thế nào?
- Cái đó là không tránh khỏi, bởi cái gì cũng có hai mặt, cả tích cực lẫn tiêu cực, nhưng cố gắng làm sao để mặt tích cực phải chủ đạo, tiêu cực giảm bớt đi thì mới làm được.
Vậy, với trường hợp chống tham nhũng nhưng lại đi tham nhũng thì phải xử lý thế nào để đủ sức răn đe, thưa ông?
- Lực lượng đi xác minh thì thực sự phải rất có bản lĩnh, những người được xác minh thì phải liêm khiết. Ví dụ, ngày xưa khi đơn vị tôi có các đoàn kiểm toán, thanh tra đến làm việc, tôi đề nghị cứ làm nghiêm túc, tôi sai ở đâu các anh cứ xử lý. Ngược lại, các anh không được đòi hỏi cái gì và nếu đòi hỏi tôi sẽ xử lý các anh. Thế là hai bên thông cảm, hiểu nhau nên qua các lần thanh tra, kiểm tra, đưa ra tập thể, cán bộ chiến sĩ công khai thì thừa nhận không có vấn đề và nếu có vấn đề thì xử lý ngay. Phải chấp nhận cái được, cái mất.
Cho nên, cơ bản là người biết việc (tham nhũng, vòi vĩnh của lực lượng chống tham nhũng - phóng viên) có tố cáo hay không. Nếu phát hiện được có tiêu cực trong lực lượng đi chống tham nhũng thì theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là phải thay thế ngay, cho nghỉ việc ngay, chứ làm sao mà dùng được.
Dư luận đánh giá là rất ít người ở cương vị như ông dám phát biểu khách quan, mạnh mẽ, bản lĩnh về vấn đề đó?
- Tôi nghĩ muốn chống tham nhũng thì đầu tiên mình phải liêm khiết, còn mình đã không liêm khiết thì nói sao được.
Xin cảm ơn ông!

tin liên quan

Trầy trật thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát
Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng vào tháng 7.2016, ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra Chính phủ, cho biết trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.