Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Việc làm tốt nhất là làm cho thế hệ tương lai'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
11/04/2021 18:41 GMT+7

Tại lễ phát động chương trình “ Điều ước cho em ”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng “Việc làm tốt nhất là làm cho thế hệ tương lai”.

Chiều 11.4, vào đúng Ngày làm việc tốt trên toàn cầu 2021, tại Hà Nội đã diễn ra lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em”, nhằm giới thiệu, lan tỏa và kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ phát triển giáo dục tại các vùng khó khăn.
Chương trình do Bộ GD-ĐT, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đề án Hệ tri thức Việt số hoá phối hợp tổ chức.
Buổi lễ có sự tham dự của Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, ông Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; anh Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; ông Bùi Thế Duy, Uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ KH-CN; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp và Hoa hậu H’Hen Niê - Đại sứ Chương trình “Điều ước cho em”.

Sáng kiến từ cuộc gặp giáo viên vùng khó

 Tại lễ phát động, Ban tổ chức cho biết trong cuộc gặp mặt Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, tháng 11.2020, 63 thầy cô giáo dân tộc thiểu số tiêu biểu tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” (do T.Ư Đoàn, Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long tổ chức) đã bày tỏ mong ước các trường, các điểm trường đều có điện, có nước sạch, học sinh được có lớp học đầy đủ, được ăn trưa, có nhà vệ sinh hợp vệ sinh, có đủ sách vở, quần áo… để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” với các em học sinh.

Ban tổ chức thực hiện nghi thức phát động chương trình Điều ước cho em

Ảnh Bảo Anh

Từ buổi gặp gỡ, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đưa ra sáng kiến phát động Chương trình “Điều ước cho em” với mong muốn phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sự chung tay của cộng đồng và xã hội để cùng nhau hiện thực hoá những điều ước của các thầy cô, các em học sinh tại các vùng miền khó khăn.
“Điều ước cho em” kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ 6 nhóm “điều ước” cũng chính là nhu cầu bức thiết hiện nay gồm: hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm trường, nhà công vụ, phòng học cho các trường học địa bàn vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh;
Chương trình cũng kêu gọi hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện, nước sạch; hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh bán trú để cải thiện dinh dưỡng học đường; hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh (sách vở, dụng cụ học tập, quần áo…); hỗ trợ thiết bị nâng cao thể chất cho học sinh (sân chơi, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao…).

Đại diện các đơn vị ký kết triển khai chương trình

Ảnh Bảo Anh

Chương trình "Điều ước cho em” với nền tảng công nghệ là Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn/Điều ước cho em) sẽ cho phép kết nối các chương trình thiện nguyện, ủng hộ từ nhà hảo tâm đến những điểm trường khó khăn trên cả nước, theo tiêu chí đúng đối tượng - đúng nhu cầu - đúng thời điểm.
Ban tổ chức cũng cho biết đã có gần 2.000 trường học của 39 tỉnh đăng ký nhu cầu hỗ trợ trên cổng thông tin này; gần 5.000 trường học có dữ liệu đăng ký cụ thể nhu cầu hỗ trợ các điều ước.
“Dù nghèo khó vẫn phải quan tâm đầu tư cho những vùng khó khăn”
Chia sẻ tại chương trình, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết đây là chương trình được thực hiện bài bản, khoa học và hy vọng sẽ tạo nên những thay đổi lớn trong việc chăm lo cho giáo dục ở những vùng khó khăn. T.Ư Đoàn cam kết thực hiện nghiêm túc, sáng tạo đảm bảo tính bền vững, hiệu quả và minh bạch.

Anh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại chương trình

Ảnh Bảo Anh

Đồng thời, anh Tuấn cũng đại diện cho cộng đồng tình nguyện Việt Nam kêu gọi toàn xã hội chung tay thực hiện Điều ước cho em. “Sức mạnh của toàn bộ cộng đồng không chỉ đến từ doanh nghiệp, cần có bàn tay của từng thanh niên, từng người dân trên cơ sở Việt số hóa, để mong hiện thực hóa Điều ước cho em”, anh Tuấn nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Đảng, Nhà nước và xã hội đã dồn lực chăm lo cho thiếu niên nhi đồng, là tương lai của đất nước, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
“Ở nhiều nơi, có nhiều học sinh còn không được ăn trưa đầy đủ để đến trường, còn thiếu thốn đủ thứ như nhà vệ sinh, quần áo ấm... Điều đó thôi thúc chúng ta phải làm gì đó, có thể trước đây đã làm rồi thì cần làm tốt hơn nữa; nếu chưa làm thì cần làm để lan tỏa việc tốt. Chương trình được phát động trùng hợp với Ngày làm việc tốt, việc làm tốt nhất là làm cho thế hệ lương lai”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Phó thủ tướng nói: “Chương trình không chỉ trông vào nhà tài trợ mà tất cả cấp ủy, chính quyền phải thấy đây là trách nhiệm hàng đầu, dù nghèo khó vẫn cần quan tâm đầu tư cho những vùng khó khăn”.
Tại lễ phát động chương trình, nhiều tổ chức, cá nhân đã cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng “Điều ước cho em” trao tặng 16 công trình “Trường đẹp cho em”; “Nhà bán trú cho em”; 1.000 “Nhà vệ sinh cho em”; Bữa ăn trưa cho 30.000 em; học bổng và 20.000 suất quà tặng cho học sinh... Tổng trị giá nguồn lực hỗ trợ chương trình đạt gần 127 tỉ đồng.
Trước đó, Bộ GD -ĐT đã ký kết với 37 đơn vị, doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021 - 2025.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.