Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Gia Lai cần xây dựng đô thị đại ngàn, đáng sống

17/01/2024 12:09 GMT+7

Sáng 17.1, tại TP.Pleiku (Gia Lai), Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư tham dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt ngày 30.12.2023.

Hướng đến cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe

Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Gia Lai sẽ phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là “cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Gia Lai nên xây dựng đô thị đại ngàn, đáng sống- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai cho lãnh đạo tỉnh Gia Lai

TRẦN HIẾU

Gia Lai có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của vùng Tây nguyên, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Campuchia và Lào - Khu vực Tam giác phát triển.

Gia Lai có tiềm năng và lợi thế về vùng đất rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu để phát triển ngành nông nghiệp với quy mô công nghiệp; các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch; nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo.

Ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: "Hiện tỉnh đang hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân".

Theo ông Trương Hải Long, tỉnh Gia Lai đang định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây nguyên. Đồng thời, xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Theo quy hoạch, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân của tỉnh Gia Lai đạt khoảng 9,57%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 133 triệu đồng/năm. Tổng nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 550.000 tỉ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40% trở lên...

Để thực hiện những giải pháp mang tầm chiến lược đến năm 2050, quy hoạch tỉnh Gia Lai tập trung 5 nhiệm vụ trọng tâm, 5 đột phá phát triển. Cụ thể, đột phá về cơ chế, chính sách, về nhân lực, về hạ tầng, về mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái, hành lang phát triển và các cực không gian tăng trưởng.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Gia Lai nên xây dựng đô thị đại ngàn, đáng sống- Ảnh 2.

Xây dựng Gia Lai thành tỉnh phát triển mạnh, bền vững trong khu vực

TRẦN HIẾU

Định hướng Gia Lai là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số, kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ hiện đại, thông minh có thương hiệu.

Tỉnh Gia Lai sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, tỉnh này sẽ chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Gia Lai nên xây dựng đô thị đại ngàn, đáng sống- Ảnh 3.

Một vùng nông thôn ở tỉnh Gia Lai

TRẦN HIẾU

Tỉnh Gia Lai sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây nguyên. Xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa…

Xây dựng quy hoạch, phát triển đô thị xanh, thông minh

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ ghi nhận và chúc mừng tỉnh Gia Lai với những nỗ lực trong suốt chặng đường vừa qua.

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, việc ban hành quy hoạch hết sức quan trọng đối với tỉnh Gia Lai, gắn liền với quy hoạch vùng và cả nước. Trong đó, tỉnh Gia Lai có vị trí giàu tiềm năng về kinh tế và giá trị văn hóa gắn với di sản phi vật thể, bản sắc văn hóa.

"Tôi mong rằng, tỉnh cần rà soát quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, kết nối với vùng khác. Đây là bước cụ thể hóa trong bản quy hoạch nhằm xây dựng nên quy hoạch đô thị, nông thôn, du lịch... Qua đó, thu hút các nhà đầu tư lớn cùng hỗ trợ, hiện thực từ quy hoạch đến hiện thực hóa", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng tỉnh Gia Lai còn có các lĩnh vực phát triển, có tiềm năng sông, suối, thủy điện, năng lượng tái tạo... nên cần lựa chọn phát triển công nghiệp chế biến, khu công nghiệp công nghệ cao gắn với nông nghiệp xanh, nông nghiệp dược liệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất..

"Gia Lai nên xây dựng đô thị của riêng mình theo hướng một đô thị đại ngàn, đô thị đáng sống. Bởi, Gia Lai đang sở hữu một cảnh quan đẹp, khí hậu ôn hòa. Chính vì vậy, tỉnh cần nghiên cứu để xây dựng quy hoạch, phát triển đô thị xanh, thông minh. Đặc biệt, tỉnh cần chuẩn bị để phát triển du lịch gắn với lâm nghiệp", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà gợi ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.