Phố sách Sài Gòn - TP.HCM có thành hiện thực?

19/04/2015 07:00 GMT+7

Sáng 18.4, khu vực đường Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) náo nhiệt với buổi lễ khai mạc Ngày sách VN lần 2 tại TP.HCM. Cũng tại đó vào buổi chiều, tọa đàm lấy ý kiến với chủ đề Phố sách Sài Gòn - TP.HCM, tại sao không? cũng sôi nổi với những chia sẻ về một điểm hẹn văn hóa đọc ý nghĩa cho TP.HCM.

Sáng 18.4, khu vực đường Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) náo nhiệt với buổi lễ khai mạc Ngày sách VN lần 2 tại TP.HCM. Cũng tại đó vào buổi chiều, tọa đàm lấy ý kiến với chủ đề Phố sách Sài Gòn - TP.HCM, tại sao không? cũng sôi nổi với những chia sẻ về một điểm hẹn văn hóa đọc ý nghĩa cho TP.HCM.

Phố sách Sài Gòn - TP.HCM có thành hiện thực?
Lãnh đạo TP.HCM đến từng quầy sách để xem sách trong ngày khai mạc Ngày sách VN lần 2 - Ảnh: P.C.T
Từ quyết định lấy ngày 21.4 hằng năm làm Ngày sách VN do Thủ tướng Chính phủ ký vào ngày 24.2.2014, Ngày sách VN đã được tổ chức thường niên.
Với chủ đề Tự hào lịch sử - Vững bước tương lai, Ngày sách VN lần 2 tại TP.HCM diễn ra từ 18 - 21.4, có sự tham gia của gần 50 nhà xuất bản, các công ty phát hành sách với nhiều hoạt động phong phú như: tổ chức triển lãm trưng bày giới thiệu sách hay, sách quý về cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam; những thành tựu của TP.HCM trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập; thiết kế góc trưng bày bưu thiếp của người Sài Gòn xưa từ cuối thế kỷ 19; chương trình giao lưu Tác phẩm - tác giả với chủ đề 40 năm thống nhất đất nước, ra mắt trang thông tin điện tử Văn hóa đọc TP.HCM; công bố 100 quyển sách hay thanh thiếu niên cần đọc… Tại ngày sách, các đơn vị cũng đã tổ chức phiên chợ sách cũ với chương trình mua bán, trao đổi sách cũ. Đông đảo người đọc đã chen kín khu vực diễn ra ngày sách.
Một phố sách mang hồn Sài Gòn
Ca sĩ Mỹ Linh trò chuyện về sách
Tại Hà Nội, Ngày sách VN lần 2 với chủ đề Sách xưa và nay cũng đã diễn ra từ ngày 17 - 21.4 tại công viên Thống Nhất (đường Trần Nhân Tông, Q.Hai Bà Trưng).
Ngoài hội sách tại Hà Nội, trên cả nước còn có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày sách VN như: Tuần lễ phát hành sách, quyên góp sách cho trẻ em nghèo, phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường...
Trong khuôn khổ Ngày sách VN lần 2 tại Hà Nội, buổi trò chuyện Giới trẻ đọc gì? do Công ty sách Alpha Books tổ chức có sự tham gia của anh Nguyễn Cảnh Bình - người tâm huyết với việc phổ biến văn hóa đọc tới giới trẻ và ca sĩ Mỹ Linh.
Những ý tưởng được xem là “mơ mộng” của nhiều thế hệ trí thức TP.HCM về “phố sách” đã được nhen nhóm từ lâu, nay lại tiếp tục “nóng” hơn trong tọa đàm do Hội Xuất bản VN tại TP.HCM phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức.
Ai cũng nhận thức rõ: một khu phố sách sẽ là địa chỉ văn hóa hấp dẫn của thành phố, thúc đẩy thú vui đọc sách cho nhiều thế hệ, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người cũng từng biết, vào thập niên 1980, tại Sài Gòn có đường Đặng Thị Nhu (góc đường Ký Con, Calmette, Q.1) từng được xem là phố sách. Những gian hàng sách cũ hiện tản mát về các con đường: Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Huy Liệu... Những người yêu sách ở Sài Gòn xưa đã nuối tiếc biết bao về một con phố đầy ắp sách và đầy ắp kỷ niệm.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, nêu ý kiến về sự cần thiết của việc xây dựng một con đường dành riêng cho sách ở trung tâm Sài Gòn, bởi “Nhật Bản có khu phố sách Kando Jimbocho ở Tokyo; Hàn Quốc có phố sách Bosudong; Trung Quốc có phố sách Shaoxing - Thượng Hải; Pháp có phố sách cổ dọc bờ sông Seine... thu hút người dân và du khách, thì tại sao TP.HCM lại không thể. Việc hình thành đường sách ngoài việc trở thành nơi giao lưu gặp gỡ giữa những người yêu thích sách, còn là nơi giao lưu của những nhà sưu tầm vật phẩm văn hóa quý, độc đáo như sách xưa, tem quý hiếm, các postcard, poster, bìa sách”. Bà cho biết thêm: “Đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1 mới chỉ là một đường mẫu thăm dò công chúng, để từ đó mọi người xem lại cần phải làm gì thêm để đường sách hoạt động hiệu quả”.
Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa cho rằng: “Tôi ủng hộ chọn đường Nguyễn Văn Bình, Q.1 ngay sát Bưu điện TP.HCM và nhà thờ Đức Bà để làm đường sách, vì sẽ tạo ra được 3 không gian: văn hóa, sách, du lịch cho địa điểm này. Chúng ta sẽ chỉ mất đi một con đường lặng lẽ hiện có với bãi đậu xe hơi, nhưng chúng ta sẽ được một con đường văn hóa mang cái hồn Sài Gòn”.
Góp ý cho đề án Phố sách
Nhà thơ Lê Minh Quốc thì ủng hộ đường sách, nhưng không đồng ý chọn đường Nguyễn Văn Bình vì cho rằng con đường nhỏ, ngắn không tải hết tất cả các nhà xuất bản hay nhà phát hành hiện có trên thị trường và lo lắng đến tính hiệu quả lâu dài của đường sách nếu làm văn hóa mà không tính được kinh tế cho các đơn vị tham gia. Anh mong muốn, thay vì mô hình như đường Nguyễn Văn Bình đang làm, đường sách tại TP.HCM sẽ được nhân rộng làm đồng bộ cho cả những con đường hiện đang tập trung nhiều nhà sách hiện nay tại TP.HCM. Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, phụ trách phía nam khẳng định: “Đường sách phải là nơi tạo ra không gian sinh hoạt văn hóa sách cho cộng đồng, còn các khu phố tư nhân bán sách khác không thể tổ chức được. Tôi nghĩ khu vực đường Nguyễn Văn Bình sẽ là một điểm ký ức trong tâm khảm người dân TP.HCM, và đó mới là giá trị của đường sách”.
Trong khuôn khổ ngày sách, ban tổ chức cũng sẽ phát động người dân đến tham quan ngày sách góp ý hoàn thiện đề án Phố sách. Từ buổi tọa đàm, Sở Thông tin - Truyền thông, Hội Xuất bản VN và các đơn vị làm sách sẽ tập hợp, thống nhất các ý kiến để hiệu chỉnh, trình lên UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt để sớm thực thi đề án Phố sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.