Phó phòng CSGT nói gì về việc từng bị kỷ luật chuyển khỏi lực lượng ?

22/10/2017 06:31 GMT+7

Những ngày qua, dư luận mạng xã hội lan truyền 'chóng mặt' về việc một đại úy, trạm trưởng CSGT ở Đồng Nai bị kỷ luật, chuyển khỏi lực lượng năm 2003, do để xảy ra tiêu cực, nay trở lại làm Phó phòng CSGT Công an tỉnh.

Người được đề cập là thượng tá Võ Đình Thường, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai. Chiều 21.10, ông Thường đã chính thức lên tiếng sau nhiều ngày im lặng.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Thường nói: “Mấy hôm nay tôi rất buồn. Trên mạng xã hội cứ suốt ngày soi mói, bới móc đời tư của tôi và gia đình, lôi cả những lỗi lầm của quá khứ mà tôi đã khắc phục, sửa chữa, lan truyền những tin đồn thất thiệt và ác ý, ảnh hưởng rất lớn tới tổ chức, gia đình cũng như cá nhân tôi”.
“Tôi không giấu chuyện bị kỷ luật”
Bộ Công an yêu cầu báo cáo
Trả lời Thanh Niên ngày 21.10, thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết Bộ đã yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai báo cáo quá trình công tác, việc kỷ luật liên quan đến thượng tá Võ Đình Thường, Phó trưởng phòng CSGT tỉnh Đồng Nai.
 Thái Sơn

Khi được hỏi về việc năm 2003, ông từng bị kỷ luật cách chức Trạm trưởng trạm CSGT Dầu Giây do thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra tiêu cực, ông Thường thừa nhận: “Chuyện kỷ luật tôi cách nay 14 năm là có thật. Tôi cũng không phủ nhận hay né tránh điều đó. Điều quan trọng sau những vấp ngã tôi đã đứng dậy và liên tục phấn đấu trong suốt 14 năm qua. Tổ chức, cấp trên cũng đã ghi nhận nỗ lực đóng góp của tôi và phân công tôi đảm nhiệm các vị trí công tác khác nhau trong ngành”, ông Thường nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2003, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai có quyết định cách chức Trạm trưởng CSGT Dầu Giây Võ Đình Thường, chuyển khỏi lực lượng CSGT; 10 cán bộ, chiến sĩ dưới quyền ông Thường cũng bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo. Công an tỉnh Đồng Nai thời điểm đó kết luận ông Thường đã thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra tình trạng cấp dưới vi phạm quy trình tuần tra kiểm soát giao thông, có biểu hiện tiêu cực. Sai phạm của ông Thường làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành.
Sau khi bị kỷ luật, ông Thường về "làm lính" ở Phòng Cảnh sát trật tự - hành chính (PC64). Năm 2005, Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai điều chuyển ông Thường làm Đội trưởng Đội Cảnh sát 113 và kéo dài đến năm 2010. Từ năm 2010 đến 2015, ông Thường được bổ nhiệm làm phó phòng cảnh sát môi trường. Giữa năm 2015, Ban Giám đốc Công an tỉnh luân chuyển ông Thường qua làm phó phòng CSGT đến nay.
“Không chỉ cá nhân tôi, 14 năm qua có nhiều cán bộ, chiến sĩ mắc sai lầm cùng tôi ở Đội CSGT Dầu Giây lúc đó đã khắc phục sai lầm, phấn đấu nên hiện cũng đã được bổ nhiệm các vị trí công tác khác nhau”, ông Thường nói.
Liên quan đến thông tin Bộ Công an đã yêu cầu ông giải trình, ông Thường phủ nhận và cho biết mấy hôm nay chưa có ai yêu cầu ông phải giải trình hay giải thích gì.
Liên quan gì đến trạm thu phí BOT ?
Ông Thường cũng chính là người ký giấy mời 20 tài xế trả tiền lẻ qua trạm thu phí BOT tuyến tránh TP.Biên Hòa, Đồng Nai lên làm việc ngày 18.10.
Về dư luận trên mạng xã hội cho rằng giữa ông Thường và chủ đầu tư trạm thu phí BOT Biên Hòa là “người nhà” nên nôn nóng ký giấy mời tài xế lên làm việc, ông Thường cho biết con gái ông lấy một người cháu của lãnh đạo Công ty Cường Thuận (công ty mẹ của Công ty Đồng Thuận - chủ đầu tư trạm thu phí BOT Biên Hòa - PV) chứ không phải ông là con rể của chủ trạm BOT Biên Hòa như thông tin trên mạng.
“Chuyện tài xế trả tiền lẻ, gây hỗn loạn ở trạm thu phí khiến giao thông qua đây nhiều lần bị ách tắc, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự, môi trường đầu tư và kinh doanh của địa phương, nên chúng tôi mời khoảng 20 tài xế lên để tuyên truyền và giải thích pháp luật cho họ hiểu”, ông Thường nói và khẳng định việc ông ký giấy mời tài xế lên làm việc là do chỉ đạo của cấp trên.
Cùng ngày, PV Thanh Niên liên hệ với lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu quy trình bổ nhiệm ông Thường, nhưng không có kết quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.