Phố đi bộ ở thành phố sáng tạo Hà Nội

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
03/05/2023 07:22 GMT+7

Phố đi bộ ở Hà Nội cần có nhiều hoạt động văn hóa cho cộng đồng, và cũng cần bản sắc riêng cho mỗi phố.

Tranh luận từ…ban công nhà ca sĩ Tuấn Hưng

Tối 28.4, rất nhiều bạn trẻ đã đứng nghe và bật đèn điện thoại cổ vũ, tương tác với ca sĩ Tuấn Hưng khi anh biểu diễn từ ban công nhà mình trên phố cổ. Buổi biểu diễn này, theo thông tin từ ca sĩ, đã được Sở VH-TT Hà Nội cấp phép. Tuy nhiên, chính nam ca sĩ đã chuyển thành buổi diễn phát online vì lo ảnh hưởng của dịch Covid-19 trở lại.

Còn nhớ, trước đó đã có những tranh luận nổ ra. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quá nhiều người xem liệu có nguy cơ gì về an ninh trật tự cho chính họ và những người tham gia phố đi bộ khác hay không. Q.Hoàn Kiếm có thể làm gì để hỗ trợ một buổi biểu diễn không xác định trước được lượng người xem như vậy?

Phố đi bộ ở thành phố sáng tạo Hà Nội - Ảnh 1.

Buổi diễn từ ban công nhà ca sĩ Tuấn Hưng tối 28.4

Chụp màn hình

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất ở đây là phố đi bộ rất cần những buổi diễn âm nhạc như thế. Các khán giả đứng xem, đứng nghe rất đông, rất tự nguyện vì nó gần với thị hiếu của họ. Việc có nhiều đêm diễn thu hút khán giả như đêm diễn của Tuấn Hưng là vô cùng cần thiết để nội dung hoạt động trên phố này gần hơn với công chúng, có tính giải trí hơn với họ.

"Các nội dung văn hóa sáng tạo là điều các phố đi bộ cần chủ động tạo ra. Họ có thể tạo cơ chế cho điều đó để khuyến khích các nhóm sáng tạo tụ hội về. Quản lý nhà nước có thể điều phối, thúc đẩy điều đó", TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội), nói.

Việc điều phối, thu hút các nhóm sáng tạo này giờ đây càng cần thiết hơn với thành phố sáng tạo Hà Nội khi theo kế hoạch nhiều phố đi bộ sẽ được mở ra. Sớm nhất tới đây là các phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và quanh hồ Ngọc Khánh… Cuối năm ngoái, đoạn Trần Nhân Tông, Ngũ Xã cũng đã khai trương phố đi bộ.

Phố đi bộ ở thành phố sáng tạo Hà Nội - Ảnh 2.

Phố đi bộ cũng là phố bích họa Phùng Hưng

Lưu Quang Phổ

Phố đi bộ ở thành phố sáng tạo Hà Nội - Ảnh 3.

Bắt đầu từ câu chuyện lịch sử, văn hóa

TS Trần Hậu Yên Thế, người tổ chức dự án nghệ thuật trên phố đi bộ Phùng Hưng cho biết thành công của con phố nhờ dự án nghệ thuật đã bắt đầu từ chính câu chuyện lịch sử văn hóa của Hà Nội. Ở đó, hình ảnh Hà Nội xưa được khơi lại, lay động người xem. "Với Phùng Hưng, chúng tôi bám vào lịch sử của phố để làm. Các chỗ khác cũng nên có câu chuyện để làm gốc. Thực ra các kết nối cộng đồng, kết nối với di sản rất dễ tạo cảm xúc", TS Thế nói.

Ông Thế cũng có những gợi ý cho các phố đi bộ tới đây tại Hà Nội. "Tại Văn Miếu có thể làm một cụm tác phẩm liên quan đến thi cử xưa. Là tượng hay sắp đặt thì phụ thuộc vào kinh phí. Ví dụ, Trung Quốc họ có kinh phí để làm tượng đồng đặt trên vỉa hè. Nhưng cái đó lớn tiền. Nếu hạn chế hơn, có thể làm những hình thức nhỏ, dạng rải rác nhiều thứ như hệ thống đèn chiếu sáng có tính biểu tượng", ông Thế gợi ý.

Về phố đi bộ tại khu vực phố Trần Nhân Tông (đã khai trương cuối năm 2022) gần công viên Thống Nhất, ông Thế cho rằng nên chú ý đến một yếu tố đã thay đổi lịch sử điêu khắc đô thị, đó là những tượng ở công viên này. "Trong lịch sử điêu khắc đô thị thì tượng ở công viên Lê Nin đã thay đổi hình thức, nó không phải là tượng cổ động nữa. Thực ra, bây giờ chúng ta thấy bình thường thôi nhưng thời chúng tôi đi học nghe các thầy nói thì đấy cũng là đột phá về ngôn ngữ tạo hình. Các tác phẩm mỹ thuật nếu có trên khu vực này nên phát triển theo dạng như thế, theo "style" là tượng vườn, dễ thương", ông Thế nói.

KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, lưu ý các phố đi bộ mới nên tạo sân chơi cho trẻ em, dẹp bớt phần chợ của phố đi. Sân chơi trẻ em cũng đa dạng, sáng tạo chứ không nên chỉ có một loạt ô tô, xe đua tự chế, xe thăng bằng. "Nếu không bớt chợ thì phố đi bộ sẽ thành phố chợ. Nếu tất cả các chỗ đều giống nhau thì cứ như cả Hà Nội chỉ có một người tư vấn rồi nhân bản vô tính các phố đi bộ thành chợ đi bộ. Mà trẻ chơi mấy xe đó, ai cũng sợ không dám đi qua", ông Ánh lo ngại.

Cũng theo ông Ánh, các phố đi bộ đó cần ưu tiên sân chơi cho trẻ em, phụ nữ, người già. "Trẻ con không có chỗ chơi lành mạnh, thiếu chỗ chơi. Tại phố đi bộ có thể tổ chức chơi bóng rổ, bóng chuyền, đá cầu mây. Nói cách khác là sân chơi công cộng cần phân vùng các lứa tuổi khác nhau, rồi trộn lẫn với nhau. Đặc biệt ưu tiên trẻ con đang thiếu sự bảo vệ, cũng chú ý trẻ em nữ nên có khu vực chơi riêng, trẻ em nữ mà nhỏ tuổi càng cần chú ý hơn", ông Ánh gợi mở.

TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng tại Văn Miếu nên tổ chức các hoạt động thư pháp và tranh, các workshop nghệ thuật, trải nghiệm tranh Đông Hồ… Những con phố khác nên có các sân chơi nghệ thuật đa dạng. Nếu tổ chức phố ẩm thực, theo bà Thủy, nên cân đối ngành hàng sao cho có một thực đơn ẩm thực đa dạng, giới thiệu được tinh hoa ẩm thực Việt, tránh tình trạng phố sẽ bán chủ yếu là xúc xích. "Cần làm kế hoạch kỹ lưỡng, nếu không sẽ vắng khách. Ngay phố đi bộ ẩm thực Ngũ Xã cũng không đông, dù đã có nền sẵn là những hàng phở cuốn nổi tiếng", bà Thủy nói.

KTS Trần Huy Ánh đề xuất, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cũng có thể làm những việc thiết thực để hoạt động tại các phố đi bộ này. "Ai hát chèo ra đấy hát chèo, ai diễn kịch ra đó diễn kịch, các hoạt động nhiếp ảnh có thể gắn với phố đi bộ thì cũng ra đó thực hiện, như chụp chân dung cho cộng đồng, trưng bày ảnh về các vấn đề cho cộng đồng… Hội nhạc sĩ, nhà văn cũng thế", ông Ánh nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.