Phố cổ Chợ Lớn... trên giấy

11/06/2015 08:37 GMT+7

Cách đây gần 3 năm, được sự tài trợ của chính phủ Tây Ban Nha, một dự án nghiên cứu rất quy mô về bảo tồn và phát triển khu vực phố cổ Chợ Lớn trên diện tích 68 ha đã được trình lãnh đạo UBND TP.HCM. Thế nhưng, đến nay tất cả vẫn còn trên giấy.

Cách đây gần 3 năm, được sự tài trợ của chính phủ Tây Ban Nha, một dự án nghiên cứu rất quy mô về bảo tồn và phát triển khu vực phố cổ Chợ Lớn trên diện tích 68 ha đã được trình lãnh đạo UBND TP.HCM. Thế nhưng, đến nay tất cả vẫn còn trên giấy.
 
Phố Triệu Quang Phục ở Chợ Lớn xưa - Ảnh: T.LPhố Triệu Quang Phục ở Chợ Lớn xưa - Ảnh: T.L
Đề án hoàn chỉnh và công phu
Cùng với Gia Định xưa, những khu phố cổ ở Chợ Lớn mang đậm nét đặc trưng riêng của Sài Gòn, có ý nghĩa lịch sử về cảnh quan văn hóa và giá trị di sản kiến trúc đô thị. Vì vậy, dự án do Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở QH-KT TP.HCM) và đơn vị tư vấn thiết kế Tây Ban Nha Design Convergence Urbannism SL (DCU) thực hiện rất được mong đợi, nhằm giúp TP.HCM có kế hoạch triển khai các chương trình chiến lược bảo tồn di sản, đồng thời thực hiện các dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang không gian cảnh quan đô thị, tạo điều kiện tăng cường các hoạt động văn hóa, thương mại dịch vụ và thúc đẩy du lịch phát triển. Chính ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, Phó trưởng ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan đô thị trên địa bàn TP.HCM, khẳng định đây là công trình nghiên cứu về phố cổ ở Chợ Lớn hoàn chỉnh và công phu nhất từ trước đến nay, có khả năng thực thi và sinh lợi cao.
Quá trình tham vấn cộng đồng, thảo luận với chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý và chuyên gia quốc tế đều áp dụng phương pháp tiếp cận của UNESCO về bảo tồn di tích lịch sử cảnh quan đô thị. Các chuyên gia tiến hành việc vẽ, chụp ảnh công phu từng căn nhà một, xác định “những việc cần làm ngay”: mở rộng, tăng diện tích không gian chợ Bình Tây; khôi phục hệ thống giao thông đường thủy, cải tạo kênh Hàng Bàng; nâng cấp mặt đường tạo phố cho người đi bộ ở các trục chính như Nguyễn Trãi, Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục và Lương Nhữ Học. Nhiều hội quán của người Hoa là những di tích được xếp hạng: Tuệ Thành (chùa Bà), Nghĩa An (chùa Ông), Lệ Châu, Ôn Lăng, Phước An… sẽ được đầu tư để thu hút du khách. Đề án rất bám sát thực tế, vừa có hướng bảo vệ cảnh quan, hồn sắc cho đô thị phố cổ, vừa bảo vệ quyền lợi của người dân và nhiều ưu đãi mời gọi các nhà đầu tư; đề xuất chính sách thuế đặc biệt, các khoản trợ cấp phục hồi và cải tạo, chính sách cho vay ưu đãi và mô hình quỹ phát triển…
Bảo tồn và nâng cao giá trị di sản ở Chợ Lớn vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội. Vấn đề vẫn là bài toán tài chính, đầu tư và việc tổ chức thực hiện như thế nào
TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở QH-KT TP.HCM)
TP.HCM cũng thành lập Ban Chỉ đạo bảo tồn cảnh quan để đề ra chương trình hành động và định hướng bảo tồn cảnh quan, xác định lại những di sản kiến trúc đô thị, các công trình đã được xếp hạng. Bước đầu, UBND Q.5 (TP.HCM) tổ chức ngày hội đèn lồng, duy trì lại các phố nghề, tổ chức phố đi bộ trên đường Triệu Quang Phục, Hải Thượng Lãn Ông vào dịp lễ, tết…
Vẫn còn tiếp tục nghiên cứu ?
Sáng 9.6, PV Thanh Niên tới những con phố xưa Chợ Lớn. Bà Vũ Xuân Lan (ngụ 114 Triệu Quang Phục, Q.5, TP.HCM) cho biết: “Vài năm trước chính quyền có vận động người dân đóng góp tiền treo đèn lồng, múa lân, rồi tổ chức mấy ngày phố đi bộ vui lắm, nhưng từ đó là… biệt tăm luôn. Lúc trước chộn rộn lắm nhưng bây giờ không nghe thông tin có quy hoạch, bảo tồn gì nữa”. Còn anh Tử Hoàng (nhà số 110 Hải Thượng Lãn Ông, Q.5) nói: “Chúng tôi chỉ biết làm ăn, chính quyền yêu cầu gì thì thực hiện nhưng có thấy gì đâu”. Ngay Phó chủ tịch phụ trách văn xã UBND P.10, Q.5, ông Huỳnh Tấn Nhã, khi PV hỏi cũng hoàn toàn chưa có thông tin gì về quy hoạch bảo tồn di tích khu phố cổ ở Q.5. “Chúng tôi có xem ảnh ngày trước treo đèn lồng, phố đi bộ chứ trong kế hoạch sắp tới vẫn chưa thấy lãnh đạo Q.5 đề cập”, ông Nhã nói.
Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, không hiểu sao một đề án bảo tồn và phát triển khu phố Chợ Lớn quy mô như thế đến nay vẫn chưa được UBND TP.HCM phê duyệt và triển khai thực hiện. Ông Hòa trăn trở: “Nếu như được xem xét, nghiên cứu xây dựng thành một kế hoạch hành động cụ thể thì việc kêu gọi các nhà đầu tư sẽ không khó. Trước đây quan niệm bảo tồn là bảo tàng, nhưng bây giờ khác rồi, chúng ta gìn giữ nhưng di sản vẫn tạo ra tiền để quay trở lại phục vụ cho cộng đồng và chính nó là điều cần nên làm”.
Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên theo một chuyên viên của Sở VH-TT TP.HCM thì việc bảo tồn các khu phố cổ ở Chợ Lớn hiện nay vẫn đang phải tiếp tục… nghiên cứu. TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở QH-KT TP.HCM) băn khoăn: “Bảo tồn không chỉ là bài toán chuyên môn mà còn là bài toán quản lý, bài toán kinh tế, liên quan đến các vấn đề như: năng lực thực thi, hiệu quả kinh tế, lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội... Vì vậy, đề xuất các chính sách và thực hiện công tác bảo tồn, nâng cao giá trị di sản ở Chợ Lớn vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội. Vấn đề vẫn là bài toán tài chính, đầu tư và việc tổ chức thực hiện như thế nào”.
Chợ Lớn là khu vực bao gồm Q.5, 6 và cả một phần Q.8, 10 và 11. Trung tâm của Chợ Lớn được bao bọc bởi các đường phố chính xung quanh chợ Bình Tây, trong đó có Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giả định rằng Chợ Lớn được phát triển trên cơ sở của làng Minh Hương được thành lập vào năm 1686.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.