Phó chủ tịch Hà Nội nói gì về việc gắn biển trước nhà người về từ TP.HCM?

Mai Hà
Mai Hà
12/10/2021 19:44 GMT+7

Lãnh đạo TP.Hà Nội lý giải, việc gắn biển trước nhà người bay về từ TP.HCM không phải là biện pháp để siết chặt về quản lý, mà để theo dõi sức khoẻ người dân.

Sở Y tế Hà Nội vừa hướng dẫn các giải pháp cách ly tại nhà với người bay về từ TP.HCM. Sở này đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các lực lượng liên quan tiếp nhận thông tin người dân về trên địa bàn và quản lý chặt chẽ (có thể treo biển tại cửa nhà: “Gia đình có người theo dõi sức khỏe PCD COVID-19”). Tuy nhiên, hướng dẫn này đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Vừa thí điểm chạy lại, ngành đường sắt đã mở lịch bán vé tết

Gắn biển để theo dõi sức khỏe của người dân

Chiều nay, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí về công tác phòng chống dịch.



















Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội

mai Hà

*Hà Nội đã nới lỏng tiếp nhận chuyến bay và bỏ yêu cầu cách ly, nhưng lại yêu cầu gắn biển trước nhà người bay về từ TP.HCM. Hướng dẫn này của Sở Y tế đang gây nhiều ý kiến trái chiều, quan điểm của ông về điều này?

- Ông Nguyễn Mạnh Quyền: Việc này không phải là siết chặt về mặt y tế hay siết chặt quản lý. Việc gắn biển là các cơ quan y tế hướng dẫn để theo dõi sức khỏe của người dân trong bối cảnh có nguy cơ về dịch bệnh.

Khi không thực hiện việc cách ly nữa thì ý thức của công dân rất quan trọng để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Khi dán biển thì cơ quan chức năng về y tế, tổ Covid cộng đồng, hàng xóm láng giềng... đều biết có người về từ vùng dịch. Từ đó có biện pháp phòng chống dịch và giám sát được tốt nhất, an toàn nhất cho tất cả mọi người. Biện pháp gắn biển không phải mới, trong thời gian chống dịch vừa qua Hà Nội vẫn thực hiện việc dán biển ở các gia đình có F0.

*Còn về việc xử phạt những người dân không chấp hành các yêu cầu về theo dõi y tế thì sao thưa ông?

- Việc xử lý có từng mức và tùy theo hành vi của người vi phạm, thậm chí có cả truy cứu trách nhiệm hình sự.

Giá vé máy bay cao, nữ công nhân vẫn ‘bấm bụng’ chi gần 15 triệu đưa con về quê

*Hà Nội từng kiên quyết từ chối tiếp nhận các chuyến bay và tàu hoả, thậm chí có văn bản gửi lên Chính phủ. Vì sao sau đó lại thay đổi quyết định đón khách về từ TP.HCM và các địa phương?

- Để thực hiện được thành quả chống dịch như ngày hôm nay Hà Nội đã phải rất quyết tâm, bây giờ cũng phải quyết tâm giữ được thành quả đó, bảo vệ được tính mạng và sức khỏe cho người dân. Việc triển khai tiếp nhận các chuyến bay, hành khách là thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Y tế, là sự phối hợp của Hà Nội, để vừa đảm bảo được phòng chống dịch một cách cao nhất, không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

Thủ đô là trung tâm chính trị, hành chính, là đầu não quốc gia, tập trung các cơ quan của T.Ư, của thành phố, vì thế phải đảm bảo được thành quả chống dịch. Khi đã đạt được điều kiện về phòng chống dịch bệnh và tiêm phủ được vắc xin mũi 2 cho cả công dân dưới 18 tuổi thì Hà Nội sẵn sàng mở cửa. Chúng ta không thể đóng cửa mãi được, nhưng điều kiện và thời điểm để mở cửa là vấn đề quan trọng nhất.

Chúng tôi trăn trở ngày đêm, ăn không ngon, ngủ không yên

*Sắp tới Hà Nội có kế hoạch nới lỏng thêm các hoạt động chưa, thưa ông?

- Hà Nội hiện mới tiêm vắc xin mũi 2 được 50%, người dưới 18 tuổi vẫn chưa được tiêm. Vì vậy Hà Nội phải tiếp tục bảo vệ thành quả chống dịch. Tôi mong rằng mọi người nắm chắc thông tin, nắm chắc quan điểm để ủng hộ và bảo vệ cho chính chúng ta.

Chúng tôi rất tích cực phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị ngành hàng không. Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cho các sở, ngành thường trực thường xuyên về kiểm dịch; tổng hợp danh sách để thông báo cho các cơ quan, ban ngành của thành phố, quận huyện, xã phương để phối hợp đón hành khách trên các chuyến bay về lưu trú tại địa bàn và thực hiện việc theo dõi sức khỏe tại nhà.

*Về thời điểm trẻ em đi học lại thành phố đã có tính toán chưa?

- Thành phố chưa có lộ trình và thời điểm cụ thể. Chúng tôi đang rà soát phải tính toán thêm, nhất là khi mở hàng không và các hoạt động vận tải. Khi nào có sự an toàn, thành phố mới báo cáo Thường trực Thành uỷ. Nếu có mở lại việc học trực tiếp cũng sẽ mở các vùng an toàn trước, song hiện chưa có kế hoạch.

*Hà Nội có xác định “zero Covid” không hay vẫn tính những phương án riêng về việc kiểm soát dịch bệnh, thưa ông?

- Chính phủ đã có chủ trương chung là không thể không có Covid-19 được, phải sống chung với Covid-19. Chỉ có điều là phải có các biện pháp, có các thời điểm và mức độ phòng chống dịch phù hợp. Đặc biệt, phải phủ được việc tiêm mũi 2 vắc xin trên 70% và tiêm vắc xin cho các cháu 18 tuổi để có một tâm thế sẵn sàng, chống chọi và ứng xử với Covid-19, từ đó tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Nội là đầu tàu của cả nước, là thủ đô của đất nước. Hà Nội không bao giờ gây khó dễ gì cả, có những đặc thù vì thành trì cuối cùng nên phải quyết tâm bảo vệ và giữ vững. Cả nước vì thủ đô và thủ đô cùng cả nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi cũng trăn trở ngày đêm, ăn không ngon, ngủ không yên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.