'Phở chạy', ăn xong rồi... chạy không cần trả tiền?

Tấn Đạt
Tấn Đạt
25/10/2022 16:33 GMT+7

Đó là một trong những câu nói vui của người trẻ khi nói đến ý nghĩa của cái tên “Phở chạy” ở TP.HCM.

Dù bán ở lề đường và mang một cái tên khá lạ là… “phở chạy”, nhưng nơi đây khách nườm nượp đến ăn và thưởng thức. Vậy món này có gì đặc biệt đến thế?

"Không biết ý nghĩa thật sự của tên quán là gì"

Rong ruổi ở TP.HCM vào một buổi tối cuối tháng 10, chúng tôi không khỏi bất ngờ với một chiếc xe tải màu cam nằm nép bên lề đường Tô Hiến Thành, Q.10, được bài trí bên ngoài là những chiếc đèn LED nổi bật cùng với bảng hiệu là “Phở chạy”. Khi mọi người đến hỏi thì mới biết nơi đây bán… phở. Tất tần tật, từ vật dụng, nguyên liệu chế biến phở, và người chủ cũng ở bên trong phương tiện di chuyển này.

"Phở chạy" ở TP.HCM, cái tên rất lạ nhưng khách nườm nượp đến ăn

TẤN ĐẠT

Theo như quan sát, mặc dù “Phở chạy” không trang hoàng lộng lẫy, cũng chỉ là những chiếc bàn, cái ghế được bê ra như những nơi kinh doanh lề đường khác, nhưng nó vẫn thu hút khách đến ăn, đặc biệt là các bạn trẻ.

Đa số khách đến đây là các bạn trẻ

TẤN ĐẠT

Có những người không phải lần thứ nhất đến “Phở chạy” ở TP.HCM thưởng thức, nhưng họ vẫn chưa hiểu lý do vì sao có cái tên như vậy

TẤN ĐẠT

Trong số đó có anh chàng Nguyễn Đức Việt (26 tuổi, làm thợ tóc tại Q.6, TP.HCM) cũng đến ăn. “Tôi không nhớ số lần mình đến “Phở chạy” nữa vì tôi thấy món ăn ở đây khá bình dân, phù hợp với túi tiền của tôi”, Việt bộc bạch.

Việt gọi tô phở tái, bò viên có giá 30.000 đồng. Ngồi ăn và Việt nức nở khen: “Nước phở trong và đậm đà bởi vị ngọt và thanh của nó”.

Tô "Phở chạy" đặc biệt

TẤN ĐẠT

Tất cả hòa quyện làm một tạo nên món ăn đậm đà

TẤN ĐẠT

Rồi anh chàng 26 tuổi còn cười và nói: “Đến giờ tôi cũng không biết ý nghĩa thật sự của tên quán là gì. Lúc đầu tôi có suy nghĩ chắc "Phở chạy" ở TP.HCM, ăn xong rồi... chạy, không cần trả tiền" hay ông chủ đang bán thì bỗng dưng bị đô thị rượt rồi bỏ của chạy lấy người…”.

Giá món ăn tại xe “Phở chạy” vài chục ngàn đồng. Ngoài ra mọi người có thể thưởng thức thêm tiết, trứng gà, thịt và bánh phở…

Gọi một phần đặc biệt ở “Phở chạy”, chúng tôi không khỏi xuýt xoa bởi độ “nóng hổi vừa thổi vừa ăn”. Khi mọi người thưởng thức mới thấy thịt bò vừa chín tới, ngon ngọt mọng nước, bò viên thì dai dai có vị thơm đặc trưng của nó. Hành chín vừa, không còn mùi hăng, làm dậy hương thơm hấp dẫn.

Khách ra, vô liên tục

TẤN ĐẠT

Giá món ăn khá bình dân

TẤN ĐẠT

Cùng bạn của mình đến "Phở chạy", Nguyễn Thị Cẩm Tiên (21 tuổi, SV Trường ĐH Kinh tế, TP.HCM) cho hay: "Chưa ngồi vào bàn ăn tôi đã ngửi thấy mùi phở. Khi tôi ăn những muỗng đầu tiên thì cảm thấy bánh phở mềm, những miếng thịt bò ngon không quá chín và được cắt đều nhau, càng ăn càng ngon, đặc biệt là nước dùng ngọt thanh vô cùng".

Bên cạnh đó, Cẩm Tiên còn gọi thêm chén trứng gà với giá 7.000 đồng. "Lòng trắng trứng vừa chín tới, không bị sống. Thú thật, đây là lần đầu tiên tôi ăn phở mà ngồi ở lề đường như thế, chứ bình thường khi thưởng thức món này là bản thân đều vào hàng quán”, chị Cẩm Tiên nói.

Cũng giống như Việt, hay một số bạn trẻ khác, Cẩm Tiên hỏi chúng tôi khi đến "Phở chạy": "Anh có biết ý nghĩa tên quán là gì không, chứ nãy giờ em cũng tò mò lắm đó!".

Thiết kế nổi bật, giúp thu hút khách hàng

TẤN ĐẠT

"Nơi mình bán phải có cái gì đó thật đặc biệt và gây ấn tượng"

Khi được hỏi lý do vì sao đặt tên là "Phở chạy", anh Nguyễn Tấn Hiếu (35 tuổi, chủ xe "Phở chạy") cười và nói: "Tôi muốn nơi mình bán phải có cái gì đó thật đặc biệt và gây ấn tượng với mọi người nên đã đặt tên là… "Phở chạy" cũng như tôi nảy ra ý tưởng bán phở trên chiếc xe tải, như thế sẽ thu hút khách nhiều hơn. Đa số mọi người đến ăn hay tưởng tượng những câu chuyện xoay quanh về "bảng hiệu", điển hình nhất là câu "đang ăn phở thì bị đô thị dí chạy phải không anh? mà khách hay hỏi tôi".

Bí quyết riêng để món "Phở chạy" của anh Hiếu được nhiều người ưa thích là: “Nước dùng được tôi ninh từ xương ống nhiều giờ, cùng với một số hương vị gia truyền, đặc biệt để chúng có vị ngọt và đậm đà tôi còn cho đường phèn vào”.

Thịt ở mỗi tô phở đều được anh Hiếu cân lượng

TẤN ĐẠT

"Có chiếc cân thịt trong tô phở sẽ đều nhau, tránh việc khách phàn nàn..."

TẤN ĐẠT

Nước phở trong và đậm đà

TẤN ĐẠT

Thịt, gân, tái nạm tươi

TẤN ĐẠT

Anh Hiếu sinh ra và lớn lên tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, gia đình anh cũng theo nghề bán phở lâu năm. “Bà ngoại tôi bán phở từ năm 1975 và có một tiệm ở Thị Nghè và tôi thì phụ bán với gia đình từ năm 12 tuổi. Nhưng vì bản thân muốn khởi nghiệp riêng nên tôi đã đầu tư một chiếc xe tải như thế này", anh Hiếu nói và cho biết thêm: "Từ thiết kế, cho đến cách bài trí trên chiếc xe "Phở chạy" tôi học hỏi trên mạng và sáng tạo thêm".

Nhà anh Hiếu "3 đời bán phở"

TẤN ĐẠT

Mỗi ngày, anh Hiếu bán phở từ 20-23 giờ và trung bình anh "sản xuất" được hàng trăm tô cho thực khách. “Số lượng bán cũng dao động tùy hôm nhưng hầu như ngày nào tôi cũng bán hơn 200 tô”, anh Hiếu cho biết.

Tính đến hiện tại, hai vợ chồng anh Hiếu cũng bán phở riêng được 2 năm hơn. “Thời gian đầu chúng tôi chạy xe đến khu Đồng Nai (Q.10) bán, nhưng khách lèo tèo lắm. Rồi mới kinh doanh được nửa năm thì dịch Covid-19 bùng phát, mọi thứ phải dừng lại, qua hơn 6 tháng "Phở chạy" mới hoạt động lại”.

Bò viên dày và dai

TẤN ĐẠT

Bạn trẻ thưởng thức phở tại "Phở chạy"

TẤN ĐẠT

23 giờ, nồi nước phở cũng cạn, anh Hiếu cùng vợ tất bật dọn dẹp và sắp xếp lại đồ đạc. Thế rồi, hai vợ chồng bon bon trên chiếc xe tải mang tên "Phở chạy". Họ trở về nhà nghỉ ngơi lấy sức và chuẩn bị nguyên liệu cho ngày tiếp theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.