Phó chánh án TAND tối cao ‘khất’ hướng dẫn xin ghi âm, ghi hình tại tòa

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/08/2022 14:51 GMT+7

Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong tố tụng quy định xử phạt tới 15 triệu đồng với nhà báo ghi âm, ghi hình mà không được sự đồng ý , song lại không quy định việc xin phép thực hiện thế nào.

"Chúng tôi xin khất là sẽ có hướng dẫn"

Sáng 29.8, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (Pháp lệnh).

Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ trả lời tại họp báo

gia hân

Tại họp báo, phóng viên Thanh Niên nêu việc Pháp lệnh quy định phạt tiền từ 7 - 15 triệu đồng với việc ghi âm, ghi hình HĐXX, người tham gia phiên tòa mà không được sự đồng ý.

“Vậy nhà báo muốn xin ý kiến để ghi âm, ghi hình phục vụ tác nghiệp thì cách thức xin như thế nào? Xin bằng văn bản, bằng miệng tại phiên tòa? Có phải xin tất cả những người liên quan có mặt tại phiên tòa không?”.

Trả lời câu hỏi này, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho hay, trong các luật tố tụng hành chính và dân sự đều quy định ghi âm, ghi hình HĐXX và những người tham gia thì phải được sự đồng ý của những người đó. Do đó, những người khác (bao gồm cả nhà báo) muốn ghi âm, ghi hình của những người tham gia cũng phải được sự đồng ý.

“Đây là nguyên tắc thể hiện bảo đảm quyền con người. Báo chí có quyền của báo chí, những người khác cũng có quyền công dân. Khi thực hiện quyền của người này thì không được xâm phạm quyền của người khác”, ông Tuệ nói, và cho biết đây là vấn đề “luật đã quy định rồi, không phải chúng tôi vẽ ra để gây khó khăn cho báo chí”.

Còn việc nhà báo muốn ghi âm, ghi hình thì “xin phép” như thế nào, ông Tuệ nói đây là “câu hỏi rất khó” nên chưa thể trả lời ngay.

“Câu này chúng tôi xin khất là sẽ có hướng dẫn, bây giờ chưa có hướng dẫn việc này”, ông Tuệ nói và khẳng định đây là cũng vấn đề đặt ra và TAND sẽ phải có hướng dẫn trong thời gian tới.

Dù chưa có hướng dẫn, song ông Tuệ lưu ý nếu nhà báo hay những người khác ghi âm, ghi hình không xin phép mà những người này biết được và khiếu nại thì chắc chắn nhà báo sẽ bị xử lý.

“Chúng tôi chỉ mong muốn khi có quy định như vậy rồi, nhà báo khi tác nghiệp thực hiện cho đúng quy định, hỗ trợ cho tòa hoạt động và cũng không làm ảnh hưởng đến quyền của người khác”, ông Tuệ nói.

Livestream tại tòa bị xử phạt tương tự ghi âm, ghi hình

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Pháp lệnh

gia hân

Phóng viên Thanh Niên cũng đặt câu hỏi về việc xử lý hành vi livestream (phát trực tiếp) tại phiên tòa từng được đưa vào dự thảo pháp lệnh nhưng sau đó bị bỏ đi.

Về vấn đề này, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, ban đầu dự thảo có đưa vào nhưng sau đó do trong các luật tố tụng chưa có từ “livestream” nên Thường vụ Quốc hội quyết định không đưa vào.

Về hướng xử lý, ông Tuệ cho rằng, livestream là ghi (âm thanh, hình ảnh) và phát trực tiếp lên mạng, do đó hành vi này cũng tương tự với việc ghi âm thanh, hình ảnh.

“Ghi đã là cấm rồi, phát nữa thì hành vi còn nặng hơn. Do đó, đây cũng là hành vi bị nghiêm cấm”, ông Tuệ nói và cho biết với hành vi livestream cũng có thể phạt như hành vi ghi âm, ghi hình mà không xin phép.

Pháp lệnh quy định phạt tiền từ 7 - 15 triệu đồng với hành vi “ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự”.

Ngoài ra, người vi phạm còn chịu hình phạt bổ sung gồm: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện các hành vi vi phạm…

Pháp lệnh có hiệu lực từ 1.9.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.