Phim Việt thắng - thua còn nhờ thời điểm và truyền miệng?

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
03/04/2023 07:10 GMT+7

Phim Việt chiếu rạp đang có những con số doanh thu ấn tượng, nhưng không phải phim nào cũng thắng bởi ngoài chất lượng của bộ phim, còn phụ thuộc vào yếu tố may rủi ở thời điểm chiếu và cả khâu... truyền miệng.

May rủi ở thời điểm phát hành

Trong quý đầu tiên của năm 2023, theo Box Office Vietnam, đơn vị quan sát phòng vé độc lập, phim Việt đạt tổng doanh thu gần 720 tỉ đồng với 5 phim phát hành gồm: Nhà bà Nữ (đạo diễn Trấn Thành), Chị chị em em 2 (Vũ Ngọc Đãng), Vong nhi (Hoàng Tuấn Cường), Siêu lừa gặp siêu lầy (Võ Thanh Hòa) và Khi ta hai lăm (Luk Vân). Ngoài Khi ta hai lăm thảm bại phòng vé, các phim còn lại có doanh thu khá và ấn tượng, trong đó Nhà bà Nữ dẫn đầu với 458 tỉ đồng (chiếm 65% tổng doanh thu 3 tháng đầu năm).

Phim Việt thắng - thua còn nhờ thời điểm và truyền miệng ? - Ảnh 1.

Anh Tú (trái) và Mạc Văn Khoa trong Siêu lừa gặp siêu lầy

ĐPCC

Có thể nói nếu Siêu lừa gặp siêu lầy không rút lui khỏi mùa phim tết, lùi lịch 1 tháng rưỡi thì khó có được doanh thu 115 tỉ đồng như hiện nay - một con số "trong mơ" đối với nhiều phim Việt ra rạp không trúng dịp lễ, tết. Nếu vẫn giữ lịch phát hành cũ, Siêu lừa gặp siêu lầy có khả năng thua cuộc ở phòng vé vì thực tế nhiều năm cho thấy "miếng bánh" phim tết rất khó chia 3, và phim này sẽ phải cạnh tranh với 2 phim tết khác là Nhà bà NữChị chị em em 2. Và như thế Chị chị em em 2 cũng sẽ khó thu về 121 tỉ đồng như vừa qua, khi độ tương quan chất lượng, độ thu hút kém hơn so với Nhà bà Nữ.

Thành công phòng vé của Siêu lừa gặp siêu lầy được giới quan sát nhận định chủ yếu nhờ chọn đúng thời điểm ra rạp, "biết người biết ta", không gặp phải đối thủ mạnh nào (bom tấn Marvel Người kiến và thế giới lượng tử đã hạ nhiệt, chỉ phải đối đầu với 1 phim Việt chất lượng không cao là Khi ta hai lăm). Thực tế Siêu lừa gặp siêu lầy của đạo diễn Võ Thanh Hòa có một kịch bản thiếu thực tế, khiên cưỡng và cách dàn dựng vay mượn, chắp vá chỗ này chỗ kia từ mô-típ dòng phim heist/caper (về phi vụ trộm cướp) của Hollywood.

Với thất bại của phim Thanh Sói, dù rõ ràng phim không chinh phục được số đông khán giả do câu chuyện, tâm lý nhân vật không thuyết phục, cách làm phim còn cũ kỹ (dù phim có đầu tư lớn), nhưng đạo diễn - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân vẫn cho rằng: "Phim thua đậm về doanh thu ở phòng vé là do phát hành sai thời điểm. Tôi đã tự tin quá mức vì nghĩ rằng dù chiếu cùng thời điểm với Avatar 2, phim hành động Việt vẫn sẽ được đón nhận, song không ngờ sức hút của bom tấn Hollywood quá lớn". Thanh Sói bán vé được 22,9 tỉ đồng, so với vốn đầu tư gần 50 tỉ đồng.

Trong khi đó, bằng tầm nhìn, khả năng dự báo của nhà đầu tư, sản xuất, phát hành để lựa chọn thời điểm thuận lợi ra rạp, tránh những cuộc đua không cân sức với phim bom tấn ngoại, phim Bẫy ngọt ngào với các diễn viên Bảo Anh, Minh Hằng, Quốc Trường, Diệu Nhi sau khi dời lịch vài lần, né hết các phim bom tấn Việt lẫn ngoại, chiếu rạp năm 2022 đạt doanh thu 83 tỉ đồng.

Phim Việt thắng - thua còn nhờ thời điểm và truyền miệng ? - Ảnh 2.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm và poster phim Những đứa trẻ trong sương

Yếu tố truyền miệng đang giúp khán giả đón xem nhiều hơn

Hiện tại, có thể nói việc thắng - thua của phim rạp phụ thuộc vào cả yếu tố truyền miệng. Nhà bà Nữ của Trấn Thành thắng đậm ngoài việc phim chạm đúng tâm lý của khán giả trẻ, phản ánh đời sống của những gia đình lao động điển hình ở đô thị, thì rõ ràng còn có cả lý do phim được khán giả bàn tán quá nhiều trên mạng xã hội lẫn trong đời thực. Chính những khen - chê về chất lượng phim của Trấn Thành đã giúp Nhà bà Nữ thu hút thêm sự tò mò muốn xem, tạo nên một "hiện tượng truyền miệng" vô cùng hiệu quả cho khâu quảng bá phim.

Biết được "chiêu truyền miệng" này, nhiều bộ phim Việt đã lên kế hoạch giúp phim tạo hiệu ứng truyền thông bằng cách "cài đặt" lực lượng "seeder" - tạm hiểu là người tạo dựng một chủ đề, bình luận… rồi đóng nhiều vai để đẩy chủ đề đó trở nên sôi nổi trên cộng đồng mạng nhằm dẫn dắt người khác theo mục đích của mình. Thế nhưng dù cách nào thì chất lượng của bộ phim mới là câu trả lời.

Một số phim nghệ thuật như Đêm tối rực rỡ, hay phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương mới đây ra rạp có doanh thu khả quan nhờ được khán giả khen ngợi, truyền miệng nhau mua vé xem do các phim này có chất lượng tốt thật sự. Ít ai ngờ bộ phim tài liệu kể về Di, cô bé người H'Mông 13 tuổi phải đối mặt với "tục kéo vợ" ở vùng cao Tây Bắc của nữ đạo diễn người Tày - Hà Lệ Diễm (sinh năm 1992 tại Bắc Kạn), lại thu hút khán giả đến thế (ngoài thông tin phim lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tranh giải Oscar 2023 ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc). Ban đầu, khi chưa có đơn vị chịu nhận phát hành, ê kíp làm phim chỉ thuê rạp bán vé 2 suất chiếu ngày 15, 16.3 tại rạp BHD Discovery (Hà Nội) dành riêng cho học viên và khán giả của Trung tâm TPD, nhưng vé bán hết sạch khiến ê kíp tổ chức thêm 2 buổi chiếu ngày 22, 23.3 tại BHD Star The Garden (Hà Nội). Nhận được phản hồi tích cực, phim được chính thức chiếu thương mại từ 17.3, dù chỉ giới hạn tại cụm rạp Beta Cinemas trên toàn quốc, rạp Dcine Bến Thành TP.HCM; sau này có thêm rạp Lotte tại Hà Nội và TP.HCM nhận chiếu. Với số suất chiếu khiêm tốn, phim đã thu về hơn 2 tỉ đồng tiền bán vé khi các suất chiếu gần như kín chỗ.

Tương tự, bộ phim độc lập về tấn bi kịch dồn nén và mâu thuẫn trong gia đình ngay tại một đám tang - Đêm tối rực rỡ cũng có doanh thu khả quan nhờ vào hiệu ứng truyền miệng, do chất lượng phim hay bất ngờ ngoài suy nghĩ quen thuộc của khán giả về những phim được gọi là "phim nghệ thuật". Vì thế, khi chiếu rạp năm 2022, phim mỗi ngày được các rạp tăng gấp đôi số suất chiếu, đạt doanh thu hơn 22 tỉ đồng, trở thành phim độc lập có doanh thu cao thứ hai sau Ròm. Hiện tại, sau khi nhận các giải thưởng lớn tại LHP trong và ngoài nước như LHP Santa Fe 2022 tại Mỹ, Cánh diều vàng, Ngôi sao xanh 2022, Đêm tối rực rỡ đã được nhà phát hành đưa trở lại rạp Việt, chiếu phục vụ khán giả lần 2 từ ngày 17.3 và vẫn đang trụ ở rạp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.