Phim trên thế giới ảo

09/04/2015 06:02 GMT+7

Lần đầu tiên, những bộ phim trên mạng được đặt cạnh những bộ phim điện ảnh tại một liên hoan phim trong nước. Liên hoan phim Tài năng mới - Clap! Festival do Viện Phim Pháp tổ chức vừa khép lại đã mở ra những cái nhìn mới về phim internet.

Lần đầu tiên, những bộ phim trên mạng được đặt cạnh những bộ phim điện ảnh tại một liên hoan phim trong nước. Liên hoan phim Tài năng mới - Clap! Festival do Viện Phim Pháp tổ chức vừa khép lại đã mở ra những cái nhìn mới về phim internet.

 Cảnh trong phim 16:30 của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy - Ảnh: Đoàn phim cung cấpCảnh trong phim 16:30 của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Trong một buổi chiếu, Clap! Festival giới thiệu bốn bộ phim: 16:30 của Trần Dũng Thanh Huy, Một cuộc thẩm vấn của Nghiêm Quỳnh Trang, Hai chú cháu của Nguyễn Đình Anh và Mùi của Lê Bảo. Đây đều là những bộ phim xuất sắc được lựa chọn từ Liên hoan phim (LHP) phim ngắn trực tuyến Yxineff.
Cách đây 5 năm, 3 người trẻ tuổi Marcus Mạnh Cường Vũ, Phan Xi Nê và Vũ Quỳnh Hà đã làm được điều mà trước đó ít ai dám nghĩ đến: tổ chức một LHP trên mạng internet. Yxineff đã qua 4 kỳ liên hoan, hàng trăm phim ngắn của các nhà làm phim VN và nước ngoài đã được giới thiệu với công chúng trên khắp thế giới qua mạng internet.
Những bộ phim trên thế giới ảo đã truyền cảm hứng thực cho các nhà làm phim và khán giả. Yxineff trở thành sân chơi điện ảnh cho các nhà làm phim trẻ, phát hiện những tài năng mới, không chỉ là sinh viên của các trường điện ảnh, mà hoàn toàn có thể là dân ngoại đạo. Từ một LHP trên mạng, nhiều bộ phim đã đến với phòng chiếu quốc tế, tham dự tại các LHP thế giới. Trong đó, không thể không nhắc đến 16:30 của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy đã được lựa chọn trình chiếu tại Góc phim ngắn của LHP Cannes vào năm 2013.
Cùng với phim ngắn của Yxineff, các clip hài của kênh Thích ăn phở trên YouTube được giới thiệu tại Clap! Festival cho thấy sự phong phú và đa dạng của phim internet. Mỗi số của Thích ăn phở đề cập đến những vấn đề của đời sống thường nhật, thể hiện dưới góc nhìn châm biếm, hài hước.
Bắt đầu khởi dựng bởi một cá nhân vào đầu năm 2009, đến giờ kênh Thích ăn phở đã phát triển với nhiều thành viên và trở thành kênh giải trí yêu thích của đông đảo người trẻ, với gần 400 triệu lượt xem và hơn 1 triệu lượt đăng ký theo dõi. Thích ăn phở còn là một minh chứng cho sự phát triển của phim internet phổ biến qua YouTube.
Sự phát triển này gắn liền với sự hình thành các nhóm làm phim underground (ít tiếng tăm, không chuyên) với số lượng không hề nhỏ. Trong đó, thành viên của các nhóm thường là những người làm phim nghiệp dư, yêu thích điện ảnh, nhưng không phải vì thế những bộ phim do họ thực hiện không thể tạo ra sức hút lớn.
Mới đây, tập 1 của bộ phim kỹ xảo Câu chuyện sinh viên của một nhóm sinh viên 9X vừa ra mắt đã gây chú ý trong cộng đồng mạng. Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất phim chuyên nghiệp cũng đã lựa chọn hình thức phổ biến phim trên mạng internet, hướng tới đối tượng khán giả mới, thay vì truyền hình hay rạp chiếu.
Tìm cách thu lợi nhuận
Cùng với việc tiếp cận dễ dàng với công chúng, phim internet có thể thu lợi nhuận cho nhà sản xuất bằng nhiều cách như từ lượt click của người xem, quảng cáo trên kênh hay quảng cáo trong phim. Các nhà sản xuất VN đã nhận thấy rõ cơ hội này, nhưng gần như chưa ai nghĩ đến việc liên kết cùng các kênh quảng bá khác, như truyền hình.
Tại Pháp, truyền hình đã “bắt tay” với phim internet. Đó là trường hợp của Canal+ quyết định mua lại studio Bagel. Khởi dựng vào năm 2011, studio Bagel chuyên thực hiện các clip hài hước, châm biếm. Chỉ trong một thời gian ngắn, nó đã tạo dựng được kênh hài hước, giải trí được yêu thích nhất tại Pháp trên YouTube. Và Canal+ đã không dễ gì bỏ qua cơ hội này.
“Ngoài việc tìm kiếm những tài năng mới, những nghệ sĩ trẻ, lý do quan trọng nhất mà Canal+ muốn mua lại studio Bagel là để phục vụ cho chiến lược lâu dài. Chúng tôi muốn phát triển các chương trình, sản phẩm ngắn có thể xem trên mạng qua các thiết bị điện tử thông minh. Chúng tôi đã tìm thấy Lorenzo Benedetti (Giám đốc điều hành kiêm nhà sản xuất của studio Bagel), người có thể bù trừ những thứ mình còn thiếu, đó là chuyên về những nội dung trên mạng internet. Hiện tại, chưa thể nói Canal+ thu được lợi nhuận bao nhiêu từ việc mua lại studio Bagel nhưng rõ ràng họ đang mở rộng được đối tượng khán giả”, bà Elise Danto, người nghiên cứu về việc kết hợp truyền hình và internet, trong đó có trường hợp của Canal+, chia sẻ.
“Tôi thấy VN đang ở thời điểm phát triển phim trên mạng mạnh mẽ. Các bạn cần nhìn rõ và nắm bắt cơ hội ngay từ thời điểm này”, bà Danto nói.
Quản lý phim internet
Phim internet đã thành một xu thế của thế giới mà VN không nằm ngoài, nhưng câu hỏi đặt ra: quản lý phim internet thế nào. Bởi năm ngoái, việc nhà sản xuất phát hành bộ phim Căn hộ số 69 gắn mác 18+ trên YouTube đã khiến cơ quan quản lý lúng túng, loay hoay.
Trong dự thảo Nghị định quy định về phân loại phim theo độ tuổi vừa được Bộ VH-TT-DL đưa ra, việc phân loại cũng sẽ được áp dụng với phim trên internet. Theo đó, hội đồng thẩm định phim thuộc UBND các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư thẩm định, phân loại và cấp phép phổ biến phim trên internet và các phương tiện truyền thông khác đối với những doanh nghiệp sản xuất, phát hành, phổ biến phim do địa phương quản lý.
Đại diện Cục Điện ảnh cho rằng: “Điều cần làm là đưa ra được đường đi chính thống với phim trên internet”.
Theo vị này, việc quản lý phim trên internet sẽ được phân cấp, chẳng hạn như cơ sở sản xuất phim đăng ký hoạt động tại cơ quan quản lý nào thì đó sẽ là nơi chịu trách nhiệm quản lý, dán nhãn phân loại.
Tuy nhiên, quy định phân loại, cấp phép phổ biến lại không nhắc đến, các cá nhân, nhóm làm phim tự do, trong khi họ đang là lực lượng đông đảo tham gia làm phim trên internet.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.