Phim tài liệu đầu tiên về vị tướng tình báo có hai bà vợ

17/11/2010 10:28 GMT+7

Phim do Hãng phim Truyền hình TPHCM sản xuất tháng 10.2010. Sau khi được phát sóng trên HTV9 (20 - 29.10), phim tiếp tục phát sóng trên VTV1 từ 15.11.

10 tập phim khắc hoạ chân dung tướng tình báo Đặng Trần Đức - tức Ba Quốc (1921 - 2004) - một trong 4 điệp viên nổi tiếng nhất của tình báo chiến lược Việt Nam. Cuộc đời ông - một hành trình dài, ly kỳ, gay cấn đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến chiến tranh biên giới Tây Nam, trong đó hơn 20 năm ông hoạt động đơn tuyến ở Sài Gòn.

Sáng 15.11, giới thiệu về phim, đạo diễn Lê Phong Lan cho biết: “Phim chỉ là một lát cắt về cuộc đời huyền thoại của một nhà tình báo hoàn hảo với hai lần xây dựng thành công vỏ bọc - trở thành người thân tín của các ông trùm mật vụ trong hai cơ quan đầu não - Sở Nghiên cứu chính trị và Phủ Đặc ủy trung ương tình báo Việt Nam Cộng hòa trước 1975. Ông là một chiến sĩ cách mạng, thành công trên cả 3 vai trò: Điệp viên xuất sắc, cán bộ tình báo giỏi và một chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, là con át chủ bài của lưới tình báo A36. Để làm phim về ông, chúng tôi dành khoảng 5 năm, tìm, chọn lọc tư liệu ở kho lưu trữ hồ sơ, Bảo tàng Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, Trung tâm Vietnam Archive tại TP.Lubbock, bang Texas - một trong số nhiều trung tâm lưu trữ trên khắp nước Mỹ được hình thành sau chiến tranh VN, thực hiện phỏng vấn hàng ngàn người…”.

Tướng tình báo Đặng Trần Đức là nguyên mẫu của bộ phim truyền hình: “Vị tướng và hai bà vợ” (của tác giả Nguyễn Anh Dũng, phóng tác theo tiểu thuyết “Ông tướng tình báo và hai bà vợ” của nhà văn Nguyễn Trần Thiết). Ông sinh năm 1922, trong một gia đình nghèo ở làng Thanh Trì, Hà Nội. Tháng 5.1945, ông tham gia cách mạng trong phong trào Việt Minh tại khu Hàng Trống (Hà Nội). Năm 1954, ông là một trong những cán bộ ưu tú được Trung ương Đảng chọn bí mật vào Nam hoạt động. Ông đã tạo được vỏ bọc, “leo cao, chui sâu” vào chính quyền chế độ cũ. Ngoài tin tức về gián điệp, biệt kích, ông còn cung cấp tin tức về quân sự. Đặc biệt là thông tin về việc Mỹ sẽ ném bom miền Bắc năm 1973 và những hồ sơ, dữ liệu rất có giá trị. Nhiều hồ sơ, ông lấy được trước cả khi nó được đặt lên bàn của tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, bị bắt buộc phải thanh lọc nội bộ bằng máy phát hiện nói dối, ông đã vượt qua thử thách, tiếp tục hoạt động cho đến ngày bị lộ vào tháng 5.1974. Trước khi rút, ông đã vận động một số nhân vật trong chính quyền Sài Gòn ủng hộ cách mạng - một việc làm táo bạo của một nhà tình báo.

Hai mươi năm hoạt động trong lòng địch, ông và gia đình đã phải chịu một thiệt thòi, hy sinh lớn. Đó là người vợ đầu của ông - bà Phạm Thị Thanh - âm thầm chịu đựng tiếng đời khen chê, một mình nuôi con, quyết không hé lộ nửa lời về nhiệm vụ của chồng. Năm 1954, lúc ông ra đi, để giữ bí mật cho ông, vợ con ông đã chấp nhận rời Hà Nội, lên vùng rừng núi ở Nông trường Vân Lĩnh - Phú Thọ sống những tháng ngày cơ cực, bị phân biệt đối xử của xã hội vì tội có chồng và cha “theo giặc vào Nam”. Trong khi đó, những năm tháng ông hoạt động tại Sài Gòn, người vợ thứ hai của ông - bà Ngô Thị Xuân - cùng hai con đều tham gia công việc bí mật... Năm 1975, trở về, ông mới được biết rằng, ngay từ lúc mình ra đi, vợ con (ở Sài Gòn) đã phải vào tù ra khám, chịu đòn roi, ngược đãi vì tội có chồng, có cha “chống lại quốc gia”.

Sau giải phóng, ông Ba Quốc là điệp viên duy nhất tiếp tục tham gia vào ngành tình báo quốc phòng VN, trong vai trò là một cán bộ tình báo và sau này là chỉ huy tình báo. Ông có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng, giúp lãnh đạo hiểu rõ tình hình và đưa ra những chủ trương đúng đắn, kịp thời về vấn đề Campuchia vào những năm bảy mươi thế kỷ trước.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.