Phim nghệ thuật về nạn bạo hành phụ nữ bất ngờ thành 'bom tấn' ở Ý

Thế Sang
Thế Sang
18/12/2023 23:01 GMT+7

Tác phẩm 'There's Still Tomorrow' (tạm dịch: 'Còn có ngày mai') của nữ đạo diễn Ý Paola Cortellesi, làm về tình trạng bạo hành phụ nữ Ý, bất ngờ có lượng vé bán ra tăng chóng mặt dù đây là phim nghệ thuật. Tác phẩm đang là phim được xem nhiều nhất tại Ý năm nay.

Phim There's Still Tomorrow lấy bối cảnh hậu thế chiến thứ hai ở Ý, là những khung hình nghệ thuật về "nỗi đau" của nữ giới nước này, chuyên chở những ý tưởng, suy tư của chính đạo diễn về tình trạng bạo hành phụ nữ

Phim mở đầu bằng một cảnh gây sốc cho khán giả: Delia (do chính Paola Cortellesi hóa thân), thức dậy cạnh chồng vào một buổi sáng, cô nói "Buongiorno!" (Chào buổi sáng!), không nói không rằng, anh chồng tát cô một cái rõ đau. Delia ra khỏi giường, bắt đầu một ngày như bao nhiêu ngày khác, và bị bạo lực là một phần trong cuộc sống thường nhật của cô. 

Phim nghệ thuật về nạn bạo hành phụ nữ bất ngờ thành 'bom tấn' ở Ý - Ảnh 1.

Phim There's Still Tomorrow đạt hiệu ứng rất tốt tại phòng vé quê nhà năm nay

WILDSIDE

Chuyện đời của Delia được nữ đạo diễn lấy cảm hứng từ việc nghe và chiêm nghiệm về việc phụ nữ bị bạo hành như cơm bữa trong xã hội Ý hậu thế chiến. Cô tâm sự: "Hồi nhỏ, tôi nhớ bà tôi từng kể câu chuyện về một người phụ nữ, người sống cùng sân với bà, người phụ nữ cũng như Delia thôi, thường bị bạo hành, có khi là chồng đánh, có khi là người thân trong gia đình đánh. Những gì khiến tôi thật sự sốc là những bi kịch như thế lại được xem hết sức bình thường. Với những phụ nữ này, đó là một phần trong cuộc sống của họ. Tuy vậy, họ luôn kể những câu chuyện của mình với góc nhìn đôi khi châm biếm, đôi khi hài hước". 

Phim There's Still Tomorrow của Paola Cortellesi là phim hài, nhìn trực diện và chọc khoáy vào thói gia trưởng ở Ý. Dẫu vậy, tác phẩm không đơn thuần làm về tình trạng phụ nữ bị bạo hành. Đạo diễn tâm sự, tác phẩm là một lát cắt về cái được gọi là "một tình trạng về nữ giới", điều mà họ đã sống chung trong đời mình, hơn là chỉ tô vẽ phản ánh vấn đề đơn thuần. 

Tác phẩm là sự tri ân những bộ phim tân hiện thực của Ý như Bicycle Thieves (Vittorio De Sica đạo diễn, chiếu năm 1948) hay Rome Open City (Roberto Rossellini chỉ đạo, chiếu năm 1945).

 There's Still Tomorrow có khung hình đen trắng, tỉ lệ khung hình không cố định mà thay đổi tùy bối cảnh, có cảnh khung hình tỉ lệ 4:3 (nhằm tri ân phim cổ điển), có cảnh dùng khung hình tỉ lệ 16:9 (tức khung hình rộng của phim hiện đại). 

Phim nghệ thuật về nạn bạo hành phụ nữ bất ngờ thành 'bom tấn' ở Ý - Ảnh 2.

Hàng trăm nghìn học sinh trung học ở Ý đi xem phim There's Still Tomorrow, và nhà trường cũng tạo điều kiện cho các em

WILDSIDE

Nhưng nhìn rộng ra, There's Still Tomorrow là một phim chính trị về giới, không dừng lại ở yếu tố nghệ thuật. 

Tuy là phim không dễ xem nhưng There's Still Tomorrow lại chinh phục khán giả trong nước, trở thành một trong những phim ăn khách nhất tại phòng vé Ý năm nay, với tổng doanh thu hơn 30,5 triệu euro (33,4 triệu USD). Phim đứng nhất tại phòng vé nước này với lượng vé bán ra là 4,49 triệu vé. Phim đang đứng thứ 6 trong danh sách những phim ăn khách nhất lịch sử phòng vé Ý. 

Nhà sản xuất phim cho biết có đến 300.000 học sinh trung học ra rạp xem There's Still Tomorrow. Phía nhà trường khuyến khích các em xem phim để có cái nhìn về bạo lực giới, cũng như trao quyền cho phụ nữ trong xã hội. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.