Phim 'hương xưa' - nhiều thử thách và cảm hứng

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
09/10/2023 07:08 GMT+7

Nhiều dự án phim điện ảnh Việt có bối cảnh và câu chuyện cách đây hàng chục đến hàng trăm năm đang được triển khai, cho thấy nỗ lực rất lớn của nhà sản xuất trong giai đoạn doanh thu phòng vé vẫn trồi sụt thất thường.

Công phu, tốn kém

Dù dòng phim đề tài thị dân trong cuộc sống hiện đại có doanh thu cao thời gian qua (Bố già, Nhà bà Nữ, Tiệc trăng máu...), tuy nhiên vẫn có những nhà sản xuất đầu tư làm phim bối cảnh xưa dù phải đối mặt với muôn vàn áp lực.

Phim “hương xưa”- nhiều thử thách và cảm hứng   - Ảnh 1.

Kaity Nguyễn đóng chính phim cổ trang Người vợ cuối cùng

ĐPCC

Nói về lý do lựa chọn thể loại cổ trang cho bộ phim Người vợ cuối cùng (ra rạp vào 3.11), nhà sản xuất phim là ông Lee Jin-sung của Hãng Lotte Entertainment cho rằng phim cổ trang VN khá mới mẻ và khan hiếm, chưa được khai phá nhiều. Chính vì thế, nhà sản xuất muốn tận dụng điều này.

Victor Vũ, đạo diễn của Người vợ cuối cùng, cho rằng nhiều nhà sản xuất và nghệ sĩ dù rất muốn nhưng "ngại" làm phim cổ trang hay lịch sử vì quá tốn kém, có quá nhiều thử thách và khi làm ra còn dễ bị soi, bị chỉ trích nếu có chi tiết bị cho là không chính xác. "Chính điều đó khiến chúng tôi phải tỉ mỉ và cẩn thận hơn so với các phim đề tài hiện đại. Biết là rất khó khăn, nhưng nó lại cho tôi rất nhiều cảm hứng, háo hức để khám phá những truyền thống văn hóa, nét đẹp của VN ở một thời đại mà tôi cho là rất phong phú và thú vị. Chúng tôi phải kiểm tra chéo rất nhiều thông tin, đồng thời phải tham khảo qua rất nhiều tài liệu sách vở, nhiều đến mức choáng ngợp, cùng với cả các nhà cố vấn, ê kíp làm phục trang, mỹ thuật… để định hình phục trang cho các nhân vật trong phim sống ở thế kỷ 19 của triều đại nhà Nguyễn thời Minh Mạng. Trong đó, chúng tôi làm theo cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam với những chi tiết hướng dẫn về cách xưng hô, đi đứng, hành xử, cùng những hình vẽ cụ thể về diện mạo, phục trang thời đó", đạo diễn Victor Vũ chia sẻ.

Nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp của bộ phim cho biết trên cơ sở nghiên cứu về phục trang nhân vật nêu trên, ê kíp làm phim đã phải chuẩn bị phục trang cho không chỉ các diễn viên chính - phụ, mà cả 200 - 300 diễn viên quần chúng khác nữa với hàng ngàn mét vải. Để có một ngôi làng đúng "chất xưa" như bối cảnh phim yêu cầu, đoàn phim đã phải di chuyển thật sâu trên hồ Ba Bể để tìm ra mảnh đất có ao hồ, núi non bao quanh và dựng mới từng ngôi nhà, con đường, hàng cây… để tạo thành ngôi làng như mong muốn. Chưa hết, "từng cái chén, dĩa, hoa văn sành sứ ra sao cũng phải đúng thời đó", Đinh Ngọc Diệp kể. NSƯT Kim Oanh cho biết: "Trong Người vợ cuối cùng, với vai diễn bà cả của một gia đình phong kiến thời xưa, mỗi khi ra trường quay, họa sĩ phải cặm cụi chuẩn bị cho tôi từng cái nếp áo, cách đội khăn trên đầu, hay trang sức, trâm cài, nhẫn đeo trên tay đều kỹ lưỡng…".

Chiếu sớm từ 13.10, bộ phim Đất rừng phương Nam (với bối cảnh là miền Tây Nam bộ những năm 1945) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một hành trình làm phim xuyên suốt 1 thập niên tính từ lúc lên ý tưởng đến khi thành hình. Phim quay tại 45 bối cảnh trải dài khắp 6 tỉnh miền Tây là: Trà Sư - An Giang, Gáo Giồng - Đồng Tháp, Trần Đề - Sóc Trăng, Châu Đốc, Tân Châu - An Giang, Bình Thủy - Long Xuyên, Cầu Đất - An Giang, Suối Tre - Đồng Nai. Đoàn phim phải quản lý 4.000 con người, trong đó có 41 diễn viên chính, phụ và 3.672 diễn viên quần chúng; cùng với đó là 800 bộ trang phục được may mới hoàn toàn, 6.000 đạo cụ dành riêng cho phim, và 110 xe cộ, ghe xuồng được thiết kế, sửa chữa cũng như làm mới để tạo nên bối cảnh chân thực, hoàn chỉnh nhất cho Đất rừng phương Nam. Đặc biệt, cảnh quay cướp tử tù Võ Tòng được lấy bối cảnh tại khu chợ đòi hỏi hơn 40 người dựng, chuẩn bị tiền kỳ hơn 1 tháng, và chỉ có thể quay tại phim trường trong 4 - 5 ngày ít ỏi, khiến việc chạy đua với thời gian của đoàn phim trở nên áp lực hơn rất nhiều. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ: "Đất rừng Phương Nam mất 5 năm phát triển kịch bản để mang lại đủ cảm xúc cho khán giả như tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và cả bộ phim truyền hình Đất phương Nam từng gây ấn tượng với công chúng".

"Hương xưa" cũng phải hấp dẫn

Đạo diễn Lý Minh Thắng khi làm tiền kỳ cho phim Quỳnh Hoa nhất dạ về cuộc đời thái hậu Dương Vân Nga đã nói thẳng: "Ai bắt tay vào làm phim mang màu sắc xưa của lịch sử mới biết gian nan thế nào. Vì điều kiện, cơ sở vật chất, mọi khâu để làm dòng phim này tại VN chưa có, mọi thứ phải tìm hiểu, mò mẫm từ đầu, nên đầu tư rất tốn kém. Ngay cả kỹ xảo, hậu kỳ nếu phim hiện đại thì đã có khung sẵn, còn phim lịch sử, huyền sử phải vẽ mới hoàn toàn. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ cố gắng hết sức để làm bằng được, chứ không bỏ dở dang dự án, dự kiến năm 2025 sẽ bấm máy".

Phim “hương xưa”- nhiều thử thách và cảm hứng   - Ảnh 2.

Cảnh trong phim Đất rừng phương Nam

GALAXY

Dù vậy, vẫn đang có nhiều dự án "hương xưa" được triển khai.

Lý Minh Thắng nói hiện anh cùng Xưởng phim Màu Hồng cũng đang gấp rút hoàn tất các công đoạn cuối cùng để bắt đầu bấm máy phim chiếu rạp Công tử Bạc Liêu. Lần đầu tiên, câu chuyện về một nhân vật nổi tiếng giới thượng lưu miền Nam một thời được đưa lên màn ảnh rộng. Đoàn phim đã được gia đình ông Trần Trinh Huy (tức Công tử Bạc Liêu) và UBND tỉnh Bạc Liêu cho phép sử dụng những hình ảnh, thông tin, cấp phép quay hình tại kiến trúc nhà cổ của Công tử Bạc Liêu (xây dựng từ năm 1917), nhằm góp phần nhằm quảng bá văn hóa đặc sắc của địa phương.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành của Hãng phim V Pictures, chia sẻ đang đầu tư và sản xuất nhiều bộ phim điện ảnh đậm đà bản sắc văn hóa Việt gồm: Huyền thoại bánh Tết, Nghe vẻ nghe ve, Người viết thư tay, Người đẹp Tây Đô (dựa trên bộ phim truyền hình cùng tên đình đám), Hoàng hậu cuối cùng (về hoàng hậu Nam Phương của thời vua Bảo Đại). Một số dự án phim "hương xưa" khác cũng đang lên kế hoạch sản xuất như: Số đỏ (từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng, Phan Gia Nhật Linh đạo diễn), Trưng Vương (phim huyền sử về cuộc đời Hai Bà Trưng do Janet Ngô và Trương Ngọc Ánh sản xuất)…

Đạo diễn Lương Đình Dũng mới đây đã công bố đang thực hiện dự án phim lịch sử mang tên Anh hùng, tái hiện câu chuyện vua Lê Thánh Tông lật lại vụ án Lệ Chi Viên, minh oan tội giết vua cho gia đình Nguyễn Trãi. Nam đạo diễn nói anh rất vinh dự khi được thực hiện phim điện ảnh về Nguyễn Trãi, dù biết làm phim lịch sử vô cùng khó khăn về đủ mọi khâu.

Đạo diễn, nhà sản xuất Lý Minh Thắng chia sẻ: "Dù có thể phim "hương xưa" sẽ kén khán giả hơn phim đề tài hiện đại, nhưng tôi vẫn tin nếu dòng phim này được làm theo một cách hấp dẫn về câu chuyện lẫn hình ảnh, thì chắc chắn sẽ được yêu thích".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.