Phim ‘Em và Trịnh’: Bay bổng và chất chứa hoài niệm

08/06/2022 17:55 GMT+7

Không đi theo lối kể chuyện cấu trúc ba hồi quen thuộc, Em và Trịnh như một bức tranh được chậm rãi ghép nối lại với nhau từ nhiều mảng kí ức đẹp đẽ. Bộ phim là sự diễn giải vừa vặn cho hai nguồn cảm hứng chủ đạo trong âm nhạc Trịnh Công Sơn : tình yêu và thân phận con người.

Truyền tải trọn vẹn tinh thần lãng mạn

Sau 5 năm chờ đợi, khán giả chuẩn bị được thưởng thức không phải một, mà là tận hai bộ phim điện ảnh về Trịnh Công Sơn. Em và Trịnh là phiên bản dài hơn, với thời lượng 136 phút tập trung vào những mối tình khắc cốt ghi tâm đã có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và âm nhạc của cố nhạc sĩ.

Bộ phim mở ra vào cột mốc cuối những năm 1980, khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn độ trung niên (Trần Lực) gặp gỡ nghiên cứu sinh người Nhật Michiko (Nakatani Akari) tại một đêm nhạc ở Paris. Michiko bấy giờ đang thực hiện luận văn thạc sĩ đề tài âm nhạc phản chiến của vị nhạc sĩ họ Trịnh. Vì vậy, cô chủ động làm thân với ông và sang hẳn Việt Nam để tiện bề nghiên cứu. Từ đây, sự gắn kết giữa hai con người xa lạ bắt đầu nảy nở.

Thời gian ở bên Michiko đã khiến Trịnh Công Sơn nhớ về những rung động tình yêu sâu sắc nhất đời mình

đpcc

Qua những cuộc phỏng vấn, trò chuyện thân tình giữa Trịnh Công Sơn và Michiko, người xem bắt đầu hành trình trở về quá khứ, gặp gỡ chàng Trịnh của những năm tháng thanh xuân (Avin Lu). Và rồi từng kỉ niệm của ông với những nàng thơ Thanh Thúy, Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly dần dà được hé lộ. Mỗi một mối lương duyên lại gắn liền với nhiều ca khúc bất hủ đã làm nên tên tuổi của nam nhạc sĩ. Song, mỗi một nàng thơ đi qua đều để lại nơi con tim Trịnh Công Sơn một niềm luyến lưu khó lòng buông bỏ.

Hoàng Hà vai Dao Ánh và Lan Thy vai Bích Diễm

đpcc

Âm nhạc Trịnh Công Sơn vang lên xuyên suốt bộ phim, các bài hát được hòa âm, phối khí, cài cắm rất tinh tế vào từng phân đoạn

đpcc

Diễn viên Hoàng Hà: "Đạo diễn thấy sự hồn nhiên của tôi khi giao vai Dao Ánh"

Điểm ấn tượng nhất của Em và Trịnh chính là phần hình ảnh. Mọi khung hình bày ra trước mắt khán giả đều đẹp đến mê hồn và được tính toán kĩ lưỡng đến từng chi tiết. Bên cạnh đó, người xem như được thực sự du hành về quá khứ nhờ hệ thống bối cảnh đồ sộ, được tái dựng đầy tinh vi và duy mĩ. Những quán Văn, cà phê Tùng, gác Trịnh, nhà hàng Mỹ Cảnh... xuất hiện trên phim không khỏi khiến người xem bồi hồi.

Với bộ phim này, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã thể hiện sự “lên tay” trong kĩ thuật kể chuyện bằng hình ảnh. Anh tiết giảm thoại, để hình ảnh và âm nhạc tự nói lên những dụng ý cần truyền tải. Ngoài ra, các mô tuýp, biểu tượng trong Em và Trịnh cũng được cài cắm, dàn dựng và duy trì nhất quán xuyên suốt bộ phim.

Có lẽ đã rất lâu rồi, điện ảnh Việt mới có một bộ phim mang đến trải nghiệm lãng mạn đúng nghĩa như Em và Trịnh. Tình yêu của Trịnh trong phim lúc thì nên thơ, khắc khoải, khi thì mãnh liệt, nồng cháy nhưng đúng là tất cả đều khắc cốt ghi tâm. Sự lãng mạn không chỉ đến từ câu chuyện giữa các nhân vật mà còn được biểu đạt qua từng câu thoại, góc máy, âm thanh, ánh sáng. Phim có nhiều khoảnh khắc dạt dào tình cảm khiến khán giả phải ngẩn ngơ. Cái lãng mạn không gói gọn riêng trong tình yêu đôi lứa mà lãng mạn trong cả không gian, nếp sống, tư tưởng của cả một thế hệ.

Tuyệt Tình Cốc là nơi chốn tụ tập của Trịnh Công Sơn cùng những người bạn văn nghệ sĩ của mình thời thanh niên

đpcc

Vẻ đẹp của xứ Huế lần nữa khiến khán giả mê mẩn trong Em và Trịnh

đpcc

Là cái lãng mạn của cơn mưa rào xứ Huế đổ xuống tầm chiều, những tà áo trắng nữ sinh huyền hoặc tỏa ra khắp ngả từ chiếc cầu bắc qua dòng sông Hương. Hoặc tựa cái cách mà các thanh niên đương thời tạo dựng cho họ một chốn Tuyệt Tình Cốc, để cùng ngồi lại ngâm thơ, vẽ tranh, tạc tượng, bàn về triết học. Hay đơn giản và hiệu quả như hình ảnh người mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn tươm tất áo dài “tím Huế”, tóc vấn cao gọn gàng mỗi khi xuống phố cùng bạn bè. Tất cả đều tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem.

Nỗ lực đưa di sản Trịnh đến gần hơn với người trẻ

Sẽ thật thiếu sót lớn nếu không nhắc đến sự tuyệt vời của âm nhạc trong Em và Trịnh. Dưới bàn tay tài hoa của nhạc sĩ Đức Trí, 39 ca khúc nhạc Trịnh đã được hòa âm phối khí đầy cuốn hút để đưa vào phim. Những Diễm xưa, Mưa hồng, Nắng thủy tinh, Ngẫu nhiên, Tuổi đá buồn… vang lên khiến khán giả không khỏi bồi hồi xúc động bởi có gì đó vừa quen, vừa lạ. Đoàn phim đã có sự mạo hiểm lớn khi để các diễn viên tự thể hiện ca khúc nhưng kết quả lại rất thuyết phục.

Avin Lu đã có vai diễn lớn trọn vẹn đầu tiên trong sự nghiệp

đpcc

Những bài nhạc Trịnh vang lên trong không gian cà phê Tùng, nơi gặp gỡ thường xuyên của bộ đôi Trịnh Công Sơn - Khánh Ly khiến nhiều khán giả bồi hồi

đpcc

Tiếng hát Bùi Lan Hương, Avin Lu và thậm chí là của NSƯT Trần Lực đã mang đến cho nhạc Trịnh một sắc thái rất mới. Từng bài hát được lồng ghép khéo léo vào mỗi giai đoạn của câu chuyện, như nói hộ tiếng lòng, làm nên một sự tổng hòa trọn vẹn về mặt cảm xúc. Ngược lại, nhiều chi tiết trong phim cũng ngụ ý diễn giải cho những ca từ, ý đồ từng được xem là hơi khó hiểu, trừu tượng trong ca khúc nhạc Trịnh. Thậm chí còn có một phân cảnh được dàn dựng duyên dáng, sáng tạo như nhạc kịch Broadway.

Có thể thấy, đoàn phim Em và Trịnh, bằng nhiều cách, đã có nỗ lực rất lớn trong việc giới thiệu, quảng bá di sản của Trịnh Công Sơn đến đối tượng khán giả trẻ. Không những âm nhạc mà tranh vẽ, thư từ, lối sống của cố nhạc sĩ cũng được đoàn phim đưa lên phim rất chi tiết.

Bộ phim cũng được thể hiện bởi những diễn viên rất trẻ, có cách hiểu và lối diễn đạt riêng của mình về từng nhân vật, từng bài hát. Avin Lu trong vai Trịnh Công Sơn thời trẻ diễn khá tròn vai. Nhưng xuất thần và ấn tượng nhất trong Em và Trịnh phải kể đến Hoàng Hà (vai Dao Ánh) và Bùi Lan Hương (vai Khánh Ly). Hai nữ diễn viên cuốn hút từ nhan sắc cho đến thần thái, đài từ, cử chỉ, điệu bộ.

Hoàng Hà hóa thân xuất sắc vào vai Dao Ánh

đpcc

Nhiều chi tiết lịch sử được đưa vào phim cho người xem hiểu rõ hơn về bối cảnh ra đời các bài nhạc phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

đpcc

Bên cạnh âm nhạc, tình yêu, Em và Trịnh cũng cho cài cắm nhiều chi tiết đắt giá về phong trào đấu tranh vì hòa bình của tầng lớp tri thức, học sinh sinh viên thập niên 1960 - 1970. Nó như một chiếc cầu nối, giúp khán giả trẻ hiểu sâu hơn về tư tưởng, động cơ sáng tác của giới văn nghệ sĩ nước nhà giữa những năm tháng chiến tranh loạn lạc, đất nước chia cắt.

Em và Trịnh là một trong những phim Việt Nam có kinh phí "khủng" nhất - 50 tỉ đồng

đpcc

Điểm hạn chế của Em và Trịnh là sự dàn trải. Vì quá tham nhân vật nên phim bị kéo dài mà vẫn không đủ thời gian tạo điểm nhấn cá tính cho một số nhân vật. Nhiều lúc cảm xúc khán giả chưa được đẩy lên tận cùng thì phim đã phải chuyển cảnh để nhường đất cho tuyến truyện của nhân vật khác. Trong kĩ thuật dàn dựng, Em và Trịnh bị lạm dụng hiệu ứng quay chậm (slow motion) để đặc tả những phân cảnh tình tứ. Màu phim đôi khi hồng hào, sáng chóa ở một vài phân đoạn tạo cảm giác thiếu đồng đều. Cái kết phim hơi hụt hẫng khi đẩy lên cao trào quá nhanh rồi lại giải quyết chóng vánh.

Lãng mạn, bay bổng là cảm xúc chủ đạo mà Em và Trịnh sẽ mang đến cho khán giả

đpcc

Em và Trịnh không phải là phim tiểu sử nên người xem không nên kì vọng tính chính xác ở các tình tiết hay tính cách của nhân vật. Phim cũng không có mấy cao trào, kịch tính. Tuy nhiên, đây chắc chắn là một màu sắc lạ cho điện ảnh Việt trong năm nay. Một bộ phim âm nhạc tử tế, bay bổng, giàu chất thơ, được kể lại bằng giọng điệu bình thản và tình yêu lớn lao dành cho nhân cách, âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Phim Em và Trịnh cùng Trịnh Công Sơn sẽ chính thức ra mắt khán giả vào 17.6.2022

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.