Philippines hợp tác với Nga đầu tư lực lượng tàu ngầm

09/08/2018 20:17 GMT+7

Ngày 6.8, hãng tin PNA (Philippines) cho biết hải quân Philippines và Nga đang thảo luận về các điều khoản theo đó Nga sẽ hỗ trợ Philippines về xây dựng lực lượng tàu ngầm.

Theo PNA, hải quân hai nước đã ký kết một thỏa thuận ghi nhớ về việc hợp tác này và đang bàn thảo các điều khoản về việc Nga cung cấp tàu ngầm (loại dùng động cơ điện – diesel), huấn luyện đào tạo lính tàu ngầm, cùng các cơ sở hạ tầng về vận hành và bảo dưỡng tàu ngầm.

Các quan chức hải quân Philippines trước đó cũng đã được phía Nga mời sang thăm và quan sát các cơ sở đóng tàu ngầm tại nước này.

Lực lượng đặc biệt Philippines tham gia cùng lực lượng các nước diễn tập đổ bộ từ tàu ngầm vào đất liền, tại tập trận RIMPAC 2018 Hải quân Mỹ

Mới đây, ngày 9.7, trong khuôn khổ cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 tại Hawaii, Mỹ, một số quân nhân lực lượng đặc biệt Philippines đã tham gia cuộc diễn tập đổ bộ từ tàu ngầm lên bờ biển Oahu cùng lực lượng của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Peru. Theo đó, khoảng 30 quân nhân các nước trên đã từ khoang thoát hiểm của tàu ngầm hạt nhân USS Hawaii ra ngoài cùng các xuồng cao su bơm hơi có gắn động cơ, rồi từ 5-6 người/xuồng đổ bộ vào bờ. Hoạt động này diễn ra trên mặt biển chứ không phải dưới lòng biển.

Phát biểu với hãng tin PNA ngày 2.8 về hoạt động này, phát ngôn viên hải quân Philippines, chỉ huy  Jonathan Zata cho hay việc huấn luyện nói trên là diễn ra đúng lúc, khi Philippines đang tiến hành những bước đi ban đầu trong việc chuẩn bị về năng lực tàu ngầm.

" Điều này bao gồm việc kiểm tra các học thuyết, tổ chức, huấn luyện, điều kiện vật chất... để chúng tôi có thể xử lý các khả năng mới một cách hợp lý và đầy đủ”, ông Zata nói.

Theo Naval Analyses, tính đến 1.7.2018, hải quân ASEAN mới chỉ có 4 nước có lực lượng tàu ngầm, gồm Singapore (4 tàu loại second-hand, đang đặt đóng thêm 4 chiếc từ Đức), Malaysia (2), Indonesia (5) và Việt Nam (6). Thái Lan và Philippines đang xây dựng lực lượng này.

Tàu ngầm Kilo 636 của Hải quân Việt Nam Rosoboronexport

Philippines gần đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực về tàu ngầm để phục vụ việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông và phòng thủ cho quần đảo Philippines gồm hàng ngàn đảo lớn nhỏ.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana ngày 31.7 nói rằng một đất nước gồm hàng ngàn hòn đảo như Philippines cần thiết phải có lực lượng tàu ngầm, và việc phòng thủ đất nước sẽ chưa hoàn thiện nếu thiếu lực lượng này.

Ông Lorenzana còn nhấn mạnh rằng một lực lượng tàu ngầm hoạt động hiệu quả sẽ có tính răn đe lớn lao đối với bất kỳ kẻ gây hấn nào nhờ vào khả năng vô hình của tàu ngầm dưới lòng biển, cung cấp cho tàu ngầm lợi thế so với các tàu mặt nước.

Cẩu lắp tên lửa phục vụ huấn luyện ở Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Báo Hải quân

Trước đó, vào tháng 6, Philippines đã công bố chương trình tái xây dựng lực lượng vũ trang giai đoạn 2 (gọi là Horizone 2) với kinh phí 5,6 tỉ USD, thực hiện từ 2018 – 2022. Trong đó lục quân được đầu tư 890 triệu USD, không quân 2,61 tỉ USD và hải quân là 1,44 tỉ USD. Tư lệnh Hải quân, phó đô đốc Robert Empedrad cho biết việc xây dựng lực lượng tàu ngầm nằm trong Horizone 2 này, và ông hy vọng sẽ nhận được những chiếc tàu ngầm điện – diesel đầu tiên trong thời gian sớm nhất có thể, theo PNA.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý việc huấn luyện đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất cũng như mua sắm tàu ngầm cần thời gian ít nhất là 7 - 10 năm mới hoàn tất.

Tàu ngầm 182 Hà Nội ra khơi làm nhiệm vụ Báo Hải quân

Còn diễn đàn hải quân Nga ngày 8.8 cho rằng phía Philippines quan tâm và muốn đặt mua loại tàu ngầm Kilo 636 Varshavianka tương tự loại Nga đã cung cấp cho hải quân Việt Nam. Đây là lớp tàu ngầm Kilo cải tiến, chạy rất êm trong lòng biển nên còn được gọi là “hố đen trong lòng đại dương”.

Hiện Việt Nam là nước có đội tàu ngầm lớn nhất và hiện đại nhất ASEAN. Tàu ngầm lớp Kilo 636 dài 73,8 m, ngang rộng nhất 9,9 m, lượng choán nước khi nổi 2.350 tấn, khi lặn là 3.950 tấn. Tàu có tốc độ khi chạy nổi là 17 knot (31,4 km/giờ), khi lặn là 20 knot (37 km/giờ), hoạt động liên tục 45 ngày, thuỷ thủ đoàn 52 người. Tàu lặn sâu 240 - 300 m.

Lực lượng tàu ngầm ASEAN tính đến tháng 7.2018, từ trái sang: Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore Naval Analyses

Vũ khí uy lực của tàu ngầm Kilo 636 ngoài ngư lôi còn có hệ thống tên lửa hành trình Kalibr (loại phóng từ tàu ngầm gọi là Kalibr-PL, bản xuất khẩu gọi là Klub-S), phóng qua 6 ống phóng ngư lôi loại 533 mm phía mũi tàu. Một tàu ngầm Kilo 636 theo thiết kế mang được 4 tên lửa Kalibr (loại diệt hạm hoặc tấn công đất liền), 18 ngư lôi và 24 quả mìn biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.