Phía sau trang sách: Vang danh những dòng sách

24/04/2022 07:30 GMT+7

Làng sách những năm 1930 chứng kiến sự phát triển của các dòng sách tạo nên thương hiệu riêng trên thị trường sách cho đơn vị xuất bản.

Nhiều tủ sách dành cho trẻ em

Sách cho trẻ em có sách Hồng của NXB Đời Nay. Trên báo Ngày nay số 164, ngày 3.6.1939 quảng cáo sách Hồng nhấn mạnh: “Nên đón xem LOẠI SÁCH RẺ TIỀN. SÁCH HỒNG Giá độc nhất 1 hào”. Số đầu tiên “Ông đồ Bể” (Khái Hưng) ra tháng 6.1939 in 10.000 cuốn và đến năm 1945 sách Hồng vẫn xuất bản với số 14 “Lên chùa” (Thiện Sĩ, tái bản, 1945), theo giấy phép số 423, cấp ngày 15.12.1944 của Phòng Thông tin Tuyên truyền và Báo chí Bắc bộ. Sách Hồng ở bìa 1 có tông màu hồng kẻ caro, vẽ minh họa. Nội dung, văn phong nhẹ nhàng mang ý nghĩa giải trí, giáo dục trẻ em; thể loại đa dạng gồm truyện dài, kịch, tiểu thuyết dịch, thơ ca, nhạc. Ngoài những số sách Hồng xuất bản định kỳ, còn có “Sách Hồng đặc biệt”: Bông cúc hồng (Khái Hưng, 1943), Cô bé đuôi cá (Andersen; Hoàng Đạo dịch, 1944)…

Sách Hồng Ông đồ Bể số 1 của Khái Hưng

Có tiếng tăm còn phải kể đến “sách Hoa Xuân của tuổi trẻ” dạo 1939 - 1942 là sách Hồng của Hội Hướng đạo thẳng tiến viết cho các em nhỏ xuất bản hơn 50 cuốn đánh số gồm truyện lịch sử, dã sử, âm nhạc, tỉ như Cậu bé làng Ủng (số 2, Ngô Bích San), Lam Sơn họp mặt (số 12, Chu Thiện), Thời Lê mạt (số 56, Ngô Bích San)… có tranh minh họa của Trịnh Hữu Ngọc, Đỗ Hiệp. Bên cạnh đó là “Truyện học sinh Đời Mới” của NXB Đời Mới góp mặt nhiều tên tuổi làng bút mực: Vũ Trọng Can, Phan Trần Chúc, Phạm Cao Củng.

Những năm 1940, Tam Kỳ thư xã ở Hà Nội góp mặt dòng sách Xanh được đánh số dành cho trẻ con nhưng không nổi khi các tác giả ít tiếng tăm. Chỉ có vợ chồng Phạm Cao Củng (bút danh Văn Tuyền), Huyền Nga là đáng kể với Chiếc đèn ba ngọn, Viên ngọc bẩy màu, Ông già đời Nam Hán... Dòng sách này tồn tại thời gian 1943 - 1944 với bìa xanh, logo Khuê Văn các, in mỗi số 1.000 - 1.500 bản.

Dòng sách cho trẻ em còn có “Truyện tuổi trẻ” của NXB Vân Hồng; “Tủ sách nhi đồng” của Nhà in Á Châu, Hà Nội thời gian 1944 - 1945. NXB Khuê Văn ở số 41 Charbon, Hà Nội (phố Hàng Than ngày nay) thì lập “Tủ sách ngày xanh” với các truyện cho học sinh mà Phạm Cao Củng là tay viết chủ đạo: Công chúa Như Ý, Ông già bí mật, Chiếc gậy tầm sích… Ở Hải Phòng, đầu năm 1945 NXB Hải Hưng ra “Tủ sách nước biển” cũng dành cho nhi đồng.

Sách theo mùa, theo màu…

Sách Lá mạ được nhận diện màu xanh lá mạ của NXB Đời Nay xuất bản thời gian 1936 - 1937 là những tác phẩm của các thành viên Tự lực văn đoàn: Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Hồn bướm mơ tiên, Trống mái (Khái Hưng), Mai Hương và Lê Phong (Thế Lữ)… Tiêu chí làm dòng sách này là “Sách giá trị. Bán giá rẻ” đăng ngay trên bìa sách. Mỗi cuốn bán giá 2,5 hào và giá không đổi, tác giả không lấy nhuận bút. Phong hóa số 170, ngày 10.1.1936 giới thiệu xuất bản sách này để “những người ít tiền cũng có thể gây được tủ sách gia đình”. Sang thời gian đầu những năm 1940, Á Châu ấn cục ở số 17 Emile Nolly, Hà Nội (phố Phạm Hồng Thái hiện nay) lập “Tủ sách quí”, có những đầu sách của tác giả có danh: Dĩ vãng (Hồ Dzếnh), Hương cố nhân (Nguyễn Bính), Nỗi ân hận dài (Thâm Tâm)...

Sách Xanh Quả đào tiên số 4 của Tam Kỳ thư xã

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Từ cuối những năm 1920, sách tết đã xuất hiện. Khởi từ Tân xuân tập Kiều (Thạch Am Trương Cam Lựu, Kim Khuê ấn quán, 1927), và chính thức đến Sách xem Tết năm Mậu Thìn 1928 của Tân Dân thư quán, sách tết ra đời. Sang năm 1929 các nhà đua làm sách Tết: Sách chơi xuân năm Kỷ Tỵ của Nam Ký thư quán, Sách xem tết năm Kỷ Tỵ, Chuyện năm mới của Tân Dân thư quán, Bài hát năm mới của hiệu sách Quảng Thịnh, Ăn Tết của Ái Nhơn… Về sau, trào lưu sách tết rầm rộ ở Hà Nội, Sài Gòn và lan ra một số tỉnh thành: Tình xuân (1934, Thanh Hùng), Cô gái xuân (1935, Đông Hồ) ở Nam Định; Ngày xuân (1937) của Thái Lai tùng thư ở Thanh Hóa, Nắng xuân năm 1937 ở Qui Nhơn…

Đào Duy Anh từ 1928 xây dựng tủ sách Quan hải tùng thư chuyên về tư tưởng, khoa học có hàm lượng tri thức cao: Đông Tây văn hóa phê bình (Nghi Đạm dịch), Văn minh Âu Mỹ (Tình Tiên), Thế giới cường quốc chánh thể khảo (Trần Mạnh Nhẫn), Phụ nữ vận động (Dã Lan nữ sĩ)... Theo lời ông trong Nhớ nghĩ chiều hôm, tủ sách này ra 13 cuốn thì dừng khi họ Đào bị thực dân Pháp bắt tháng 7.1929. Tuy nhiên đến năm 1938 vẫn có sách đề thuộc Quan hải tùng thư. Cùng dạng sách tri thức này có dòng sách Âu Tây tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh được Dịch Văn thư xã của Emile Vayrac (Giám đốc Tứ dân Văn uyển) và Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản.

Để nâng cao giá trị của sách, phục vụ một mảng phân khúc những độc giả có tiền, yêu sách, với những ấn phẩm giá trị hoặc của những tác giả nổi tiếng, nhiều NXB ngoài in bản thường còn làm sách bản đặc biệt. Cách làm bản đặc biệt cũng muôn kiểu. Đơn cử như tập thơ Lửa thiêng của Huy Cận (Đời Nay, 1940). Ngoài 3.000 bản thường, NXB làm thêm 149 bản đặc biệt có chữ ký tác giả. Trong đó có 100 bản lụa gió, 10 bản Impérial Annam à la Cuve, 20 bản Alfa Crème, 10 bản Vergé Moirans, 3 bản Ingres, 3 bản Veslin Moirans, 2 bản giấy bản thượng hạng, 1 bản Ingres d’Arches có 4 tranh nguyên bản của Tô Ngọc Vân. Tóm lại là thật kỳ công.

Ngoài ra, còn rất nhiều dòng sách, tủ sách khác như Sách Hoa mai của NXB Cộng Lực, tủ sách Tác phẩm hay của NXB Tân Dân… Bên cạnh những đầu sách tốt, xuất bản trước 1945 còn có tệ sách tiểu thuyết ba xu, tiểu thuyết Tàu giả đáp ứng thị hiếu độc giả đọc xổi.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.