Phía sau trang sách: Muôn kiểu phát hành sách

20/04/2022 06:32 GMT+7

Quảng cáo sách trên báo, kêu gọi mua sách trước khi in, hoặc chiết khấu cao, thậm chí là quảy sách đi bán khắp nơi là những cách quảng cáo, phát hành sách đã từng được thực hiện trước đây.

Dăm mánh quảng cáo sách

Đăng ký số lượng mua rồi mới in. Để sách không bị tồn kho, Trương Vĩnh Ký có lời rao trên Thông loại khóa trình số 6, tháng 10.1888 kêu gọi các làng, tổng đăng ký mua sách Tứ thư, Minh tâm bửu giám để biết trước được số lượng mà in, “vì tiền sở phí mà in ra cho tiện việc học thì mắc giá lắm; chẳng có lẽ mà có của đâu sẵn cho đủ mà làm nổi. Có chịu trước sẽ mua là chừng ấy chừng ấy, thì hễ in ra rồi phát ra thì có tiền mà trả bớt ít nhiều cho nhà in thì mới có lẽ làm được”.

Sau này, ông còn định in những sách Đại học, Trung dung, Mạnh Tử, Luận ngữ… với tâm niệm miễn bán có tiền trả phí nhà in, tiện việc học, chứ không quan tâm lợi lộc (Thông loại khóa trình số 12, tháng 4.1889). Với sách Minh tâm bửu giám hai cuốn thượng hạ, tiền in gần 400 đồng, còn thơ Lục Vân Tiên ngoài loại thường, in cả loại nhỏ để bán rẻ cho độc giả (Sự loại thông khảo số 5, tháng 9.1889).

Logo người quảy bồ sách “gánh văn lên bán chợ Trời” luôn xuất hiện ở bìa 4 sách của Tản Đà thư cục

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Việc quảng cáo sách trên báo đã có từ cuối thế kỷ 19. Báo Nam Kỳ ở số 1, ngày 21.10.1897quảng cáo tiếng Pháp, tiếng Việt tới ba trang về Nhà in, Nhà hàng bán sách Rey et Curiol ở đường Catinat và đường D’Ormay, Sài Gòn cùng tên các loại sách Pháp ngữ, Việt ngữ kèm lời rao “Như ai muốn mua sách cùng muốn in cái chi, thì xin viết tên cùng chỉ chỗ ở cho rõ ràng, thì ông chủ Nhà hàng sẽ lo mà gởi những đồ ấy lại cho mình tức thì chẳng sai”. Sau này, hầu hết trên các báo đều có ít nhiều quảng cáo sách, như Văn học tạp chí, Phong hóa, Ngày nay, Nam Kỳ tuần báo…

Sách của các đơn vị xuất bản được nhận diện qua logo. Trong Văn thi sĩ tiền chiến, Nguyễn Vỹ ấn tượng với Tản Đà thư cục qua logo người quảy bồ sách “gánh văn lên bán chợ Trời”. Những sách của nhà in, nhà xuất bản, thư quán… tận dụng bìa 2, 3, 4, thậm chí vài trang cuối để giới thiệu những sách đã, đang hoặc sẽ xuất bản, và giới thiệu cả địa chỉ của mình, địa chỉ đại lý phát hành sách. Xem tiểu thuyết Đời mưa gió (Khái Hưng, NXB Đời Nay, 1935), bìa 4 giới thiệu những sách của Khái Hưng, Nhất Linh, Tú Mỡ, Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ do Đời Nay xuất bản; sách Chúa Trịnh Khải (Nguyễn Triệu Luật, NXB Tân Dân, 1940), cuối sách dành một trang giới thiệu “những tác phẩm hay” của NXB…

Có những nhà làm sách, để tiết kiệm giá thành, in và bán được nhiều, đã ra những báo mà thực chất là sách dạng tiểu thuyết. Việc này có thể thấy ở báo Truyền bá, Phổ thông bán nguyệt san…

Đa dạng cách phát hành

Nửa sau thế kỷ 19, sách đã được tư nhân bán cho người có nhu cầu, Vũ Ngọc Phan có bà nội khi tuổi hoa niên vốn là cô bán sách Hán Nôm ở phố Hàng Gai, Hà Nội. Ngoài cửa hàng sách của người Việt, có những cửa hàng sách của người Pháp, người Hoa. Khi vào Đà Nẵng năm 1926, Đào Duy Anh đến Hội An mua được những sách về cách mạng Trung Hoa, trong đó có cuốn Tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên ở các hàng sách người Hoa. Vẫn họ Đào khi vào “Hòn ngọc Viễn Đông” đã tìm mua sách chữ Pháp ở Sài Gòn, còn sách chữ Hán thì ở Chợ Lớn.

Trong ký ức Cỏ dại của Tô Hoài, khi chú bé Sen ở tuổi đi học chữ, đã gặp kiểu bán sách rong mà ngày nay chỉ còn trong dĩ vãng. Những người bán sách rong quẩy đôi bồ sách đi bán khắp thôn cùng ngõ xóm, “ông lão “sách, sách” quảy đôi bồ bí mật vào nhà tôi, một buổi trưa. Lão đổ xuống, mở cái mẹt nắp ra. Có biết bao nhiêu giống sách. Sách xếp từng lớp cao. Những cuốn sách chữ nho bìa nâu, xung quanh mép đen. Những quyển sách quốc ngữ mới, bìa xanh, bìa vàng, đặt thứ tự, chồng lên nhau”. Ký ức ấy, còn gặp ở Đào Duy Anh khi trong Nhớ nghĩ chiều hôm, ông tâm sự lúc nhỏ học chữ quốc ngữ và chữ Pháp “mỗi lần gặp người bán sách rong đến chợ nhà để bán các truyện xưa bằng chữ nôm và chữ quốc ngữ là tôi xin mua về đọc”. Đó cũng là hình ảnh quen thuộc trên logo của Tản Đà thư cục.

Lại có loại sách được các hiệu thuốc in, bán rẻ, thậm chí tặng không cho những người có nhu cầu, không gì ngoài mục đích là hút khách đến mua thuốc. Trường hợp này có thể thấy ở những tiệm thuốc lớn như Võ Văn Vân dược phòng ở Thủ Dầu Một với những sách Việt Nam thọ thế (1935, tặng không), Bộ máy sanh sản (1935)… Nhị Thiên Đường đại dược phòng ở Chợ Lớn với Vệ sinh chỉ nam thơ (1933), Vệ sanh chỉ nam sách thuốc nhỏ năm 1935 (1935)… Hoặc như Vệ sinh báo để kéo độc giả mua báo, còn chiết khấu 20% cho khách mua sách của bác sĩ Nguyễn Văn Luyện.

Kiểu phát hành phổ biến nhất là thông qua các hiệu sách. Những hiệu sách này làm đại lý cho các nhà in, nhà xuất bản để phát hành ăn phần trăm hoa hồng. Tản Đà thư cục quy định cứ mua từ 10 đồng sẽ chiết khấu 20%, từ 50 đồng chiết khấu 25%. Ngoài ra “mỗi thứ sách, cứ 12 quyển, xin xếp biếu thêm một quyển ngoài”. Với khách lẻ mua hơn một cuốn miễn luôn phí bưu điện. Tại Sài Gòn, có những hiệu sách tên tuổi, như nhà Đông Phương Quế là tổng đại lý sách ngoài Bắc tại Chợ Lớn, theo Nguyễn Công Hoan trong Nhớ gì ghi nấy. Cũng chính nhà này có mánh găm vốn của nhà xuất bản khi sách báo bán hết, nhưng báo sách tồn khoảng 10% để đỡ phải trả tiền ngay. Ngoài ra, còn có kiểu phát hành là bán sách nhân có chợ phiên ở các tỉnh, thành như trường hợp Phạm Cao Củng, Lê Tràng Kiều gửi bán sách Hang gió ở chợ phiên tại Hà Nội năm 1932 là một ví dụ.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.