Phía sau trang sách: Khi văn nhân là mọt sách

19/04/2022 06:16 GMT+7

Hầu hết văn thi sĩ, nhà phê bình, nghiên cứu trước 1945, đều có tình yêu với sách vô bờ bến. Và đó là chất liệu quan trọng để giúp sự nghiệp viết lách của họ thăng hoa.

Những con mọt chữ

Vũ Ngọc Phan ở tuổi 12 đã đọc rất nhiều sách văn học dịch của Nguyễn Chánh Sắt (một số tài liệu ghi là Nguyễn Chánh Sắc) được người anh thuê ở hiệu Cát Thành, phố Hàng Gai. Những tiểu thuyết Vạn huê lầu, Phấn trang lầu, Phong thần... cùng các nhân vật, Phan thuộc vanh vách.

Trong ký ức Cỏ dại, Tô Hoài lúc nhỏ cũng mê mẩn rương đựng sách của cha với những cuốn Chinh Tây, Tam hạ Nam Đường, và để thỏa chí Tô Hoài vào góc hè khuất “suốt ngày, tôi vùi đầu vào cái chỗ đọc sách đặc biệt ấy” đến nỗi khi “buông sách xuống, mặt tôi đờ đẫn”.

Nhà văn Lan Khai

TL

Cũng “đồng bệnh” như Tô Hoài, với Nguyên Hồng, người bạn làm vơi biết bao nỗi buồn vì gia cảnh thời niên thiếu chính là sách. Tác giả của Bỉ vỏ còn nhớ những kỷ niệm với sách trong hồi ký Bước đường viết văn. Thứ quý nhất trong gia tài của Nguyên Hồng khi còn lang thang kiếm sống ở Hải Phòng là chiếc hòm đựng sách báo.

Khi được tên Công sứ Phúc Yên cho 2 đồng, số tiền lớn với kẻ bữa đói bữa no, chàng trai dùng hết để mua sách. Và đây là sự ngẩn ngơ của kẻ mê sách khi đứng trước thế giới của chữ: “Tôi như mê đi còn vì thấy cùng hiệu sách đây, cùng những cuốn sách này, nhưng ở tủ trong kia, ở bàn trong kia có hàng đống sách như thế đã bụi bám vàng ố, giá tiền chỉ có một nửa”… “Tôi như mê đi còn vì thấy ngay ở bờ hè phố sau hiệu sách đó, cũng có hàng đống sách cũ của mấy hàng sách đầu đường, giá bán lại chỉ một phần ba”. Về sau khi phải dùng hòm sách báo để thế tiền thuê nhà, Nguyên Hồng “như bị xẻo thịt”.

Đam mê đọc sách của Huy Cận, tác giả Lửa thiêng, lại đến từ tủ sách nhà người cậu khi chàng ăn học tại đây. Hồi ký song đôi viết: “Những ngày tháng ở Quảng Điền, là những ngày tôi bắt đầu ham mê đọc sách nhờ cái tủ sách của cậu tôi, cái tủ sách kỳ diệu nó đã mở ra cho tôi thế giới thần kỳ của văn thơ đông, tây, kim, cổ”. Cơ man là những sách tiếng Pháp, sách truyện Nôm, sách kinh điển Nho học và tiểu thuyết Tây phương. Thói quen đọc, sưu tầm sách của Huy Cận có từ đây. Và nhà thơ phải một phen xót xa khi hai tủ sách quý bị làm mồi cho nước cuối năm 1946 vì gia chủ nơi Huy Cận gửi sách sợ quân Pháp phát hiện nên cho tất tần tật sách xuống ao để phi tang.

Bộ Vạn huê lầu diễn nghĩa 6 tập, xuất bản năm 1929

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Đắm mê với món sưu tầm

Trong quan điểm của nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển ghi nơi Thú chơi sách, thì “thú chơi sách” là giở trang sách tìm người trong mộng, không chỉ đọc, mà còn thưởng thức sách. Và người chơi sách, tạm hiểu là người yêu, nghiện sách, sưu tầm sách quý, lạ.

Văn nhân mê sách, đến độ chơi sách phải nói đến Lan Khai. Nhà văn đường rừng trong mắt bạn đồng nghiệp Ngọc Giao là một dạng “dâm thư” khi tôn thờ sách quý, yêu sách đẹp với tiêu chí rất cao: “Chữ đúng, cỡ 10, soi trang sách nơi ánh sáng, dòng chữ bên này phải căn chỉ với dòng chữ trang sau. Giấy phải loại ngoại hạng, Boufflant. Gờ sách nhà in không được xén bằng máy, mà phải để cho người mua sách, nghĩa là độc giả, dùng dao con bằng tre nứa, nhẹ tay rọc tờ này sang tờ khác, những sợi bông giấy thổi ra tua tủa dưới lưỡi dao tre. Người đọc sách vui sướng vuốt ve, ngửi hít mùi hương hồng giấy, say sưa như hôn hít người đẹp”. Vẫn lời Ngọc Giao trong Hà Nội cũ nằm đây, dẫu tiền lương, nhuận bút còm cõi nuôi vợ con nheo nhóc, nhưng Lan Khai vẫn sưu tầm cả những pho sử cổ kim, tác phẩm kinh điển phương Tây, có lúc còn mang bản thảo của mình đến nhà Trung Ký là nơi đóng sách giỏi nhất Hà Nội để đóng thành sách.

Đào Đăng Vỹ thì tâm sự trong cuốn Nguyễn Tri Phương ở bài “Tựa”, “trước năm 1945, ở Huế người ta thường đồn có ba nhà có sách nhiều nhất: đó là Phạm Quỳnh có những tủ sách rất quý cả bằng Hán văn, Việt văn và Pháp văn rồi đến Đào Duy Anh có nhiều sách Việt và tài liệu chữ Hán, thứ ba là tôi có nhiều sách Việt và Pháp văn nhất”. Riêng tủ sách của Đào Duy Anh, có thể hình dung qua hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm. Trong tủ sách họ Đào là sách Pháp ngữ, Hán ngữ, có cả bộ sách trăm cuốn “Đông phương văn khố”, lại có cả sách cấm về chủ nghĩa cộng sản như ABC du communisme (Chủ nghĩa cộng sản sơ giải), Théorie matérialisme historique (Chủ nghĩa duy vật lịch sử) cùng nhiều sách từ điển Từ nguyên, Bạch thoại từ điển, Vương Vân ngữ từ điển... Đó là cơ sở để về sau, Đào Duy Anh không chỉ xuất bản tủ sách Quan hải tùng thư, mà còn là nhà làm từ điển, cổ sử, nghiên cứu Truyện Kiều có tiếng.

Một trong những tay chơi sách trong giới viết lách, phải kể đến Vương Hồng Sển. Từ ham đọc, rồi dần dà mê, sưu tầm, trong Vân Đường phủ của ông có đến 25 tủ sách quý với những cuốn cổ thư thuộc hàng hiếm. Nơi Cuốn sách và tôi, họ Vương tâm sự những sách đó được đánh số mục lục kỹ lưỡng, và sách nằm ở đâu, tủ nào, họ Vương nhớ như in. Sau này, tác giả còn chia sẻ về thú phong lưu kén người này trong Thú chơi sách, Thú xem truyện Tàu, Cuốn sách và tôi thú phong lưu còn sót lại... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.