Phía sau tinh thần tiên phong lên đường vào tâm dịch lần 2 của bác sĩ trẻ

28/08/2021 14:49 GMT+7

Sau chuyến công tác tại tâm dịch Bắc Giang, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp (33 tuổi) tiếp tục lên đường vào TP.HCM cùng đồng nghiệp chống dịch Covid-19 .

Bữa trưa vội rồi lên đường chống dịch

Vào ngày 2.8, đại úy, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, công tác tại Bộ môn Trung tâm Nội dã chiến, Bệnh viện Quân Y 103 (Hà Nội) cùng đoàn công tác trở về Hà Nội sau hơn hai tháng chống dịch tại Bắc Giang.
Mãi đến ngày 22.8, khi hoàn thành cách ly và kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, bác sĩ Hiệp mới an tâm về nhà, dùng bữa trưa cùng hai con trai (4 tuổi và 6 tuổi) rồi vội vàng vào cơ quan tập huấn chuyên môn. Ngay hôm sau (23.8), anh cùng hơn 1.400 bác sĩ, điều dưỡng của Học viện Quân y lên đường vào tâm dịch.
“Tôi xung phong lên đường vào miền Nam chống dịch với hy vọng có thể san sẻ vất vả với những đồng nghiệp của mình trong thời gian khó khăn này. Tôi cũng đã có kinh nghiệm chống dịch ở Bắc Giang, nên khi biết tin TP.HCM cần hỗ trợ, tôi xung phong đi ngay. Tôi cũng tin vợ và các con sẽ hiểu cho những điều mình đang làm”, anh Hiệp cho biết. Bác sĩ trẻ này là người đầu tiên đăng ký và được ban lãnh đạo bệnh viện đồng ý vào tuyến đầu chống dịch lần hai tại TP.HCM.

Luôn có hậu phương vững chắc 

Trong những ngày chống dịch, bác sĩ Hiệp chỉ được gặp con nhỏ qua những cuộc gọi video ngắn ngủi hoặc các clip do vợ gửi. Hai bé kể rất nhiều chuyện khi bố vắng nhà như đi được xe đạp, thay 4 chiếc răng và bảo rất nhớ bố.
Khi biết bố quyết định vào TP.HCM sau chuyến công tác ở Bắc Giang, hai con nhỏ dường như thấu hiểu được vai trò của bố mình, mặc cho nỗi nhớ bố luôn thường trực. Chính sự chia sẻ của vợ con cùng bố mẹ là nguồn động lực để anh Hiệp an tâm xung phong vào tâm dịch một lần nữa.
“Tôi rất tự hào vì chồng được tin tưởng vào tuyến đầu chống dịch hai lần. Anh là bác sĩ quân y, còn trẻ, khi Tổ quốc cần thì cứ chiến đấu hết mình. Ở nhà trăm thứ phải lo, nhưng thôi anh cứ gác lại tất cả để yên tâm công tác, mọi thứ đã có em lo rồi”, chị Phạm Lê Minh Phương (31 tuổi), vợ của bác sĩ Hiệp, chia sẻ. Chị Phương, là điều dưỡng tại Viện Bỏng quốc gia, cũng đang hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại đơn vị và phục vụ tiêm vắc xin NanoCovax thử nghiệm.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp cùng 2 con trai sau chuyến đi công tác 2 tháng ở Bắc Giang

NVCC

Chống dịch ở trận địa mới vẫn không quên ôn bài

Hành trang lên đường của bác sĩ Hiệp là vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân cần thiết, thêm hai hũ muối vừng, ít lương khô được gói gọn trong ba lô, đúng tác phong của một người lính cụ Hồ. Anh được phân công về Trạm y tế Bình Mỹ, H.Củ Chi (TP.HCM), tham gia điều trị, theo dõi F0, F1 tại nhà, xét nghiệm cộng đồng và truy vết.
“Ở trạm y tế, tôi cùng hai học viên của Học viện Quân y và hai nhân viên y tế địa phương thực hiện nhiệm vụ y tế lưu động. Với tôi, việc này là không khó khăn, chúng tôi có thể linh động và nhanh chóng bắt kịp được với môi trường mới để có thể điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Hiệp cho biết.
Trong lần chống dịch ở Bắc Giang, bác sĩ Hiệp là chủ nhiệm khoa điều trị bệnh nhân ổn định, ở đó chỉ có 4 bác sĩ cùng 9 điều dưỡng nhưng có tới 470 bệnh nhân được chữa trị khỏi và ra viện. Chính vì thế, anh muốn áp dụng những kinh nghiệm này để cứu sống bệnh nhân Covid-19 và hỗ trợ chống dịch hiệu quả tại TP.HCM.

Đại úy Hiệp tại Bệnh viện Dã chiến Truyền nhiễm số 2 Bắc Giang

NVCC

“Ngay khi vừa đến Trạm y tế Bình Mỹ, chưa ổn định chỗ ăn, ở và cũng chưa kịp nhận trang thiết bị y tế thì có ca cấp cứu, bệnh nhân ngất xỉu sau cơn động kinh. Theo phản xạ, tôi tiếp nhận, thăm khám sàng lọc và xử trí ổn định cho bệnh nhân, sau đó chuyển tuyến để làm các xét nghiệm và theo dõi chuyên sâu”, anh Hiệp kể về ngày đầu tiên đến TP.HCM.
Dù phải làm việc với cường độ cao nhưng anh vẫn tranh thủ thời gian sau giờ làm, miệt mài ôn luyện kiến thức chuyên môn, cũng như trau dồi thêm trình độ ngoại ngữ để chuẩn bị cho kỳ thi Nghiên cứu sinh ngay sau khi hết dịch.
“Mỗi kết quả tôi có được, đó không chỉ là sự nỗ lực của tôi mà còn có cả sự hy sinh của bà xã, của các con và sự quan tâm của bố mẹ dành cho tôi. Tôi chỉ mong sớm hết dịch, bệnh nhân lành bệnh, tôi được trở về nhà, tự tay nấu và cùng vợ, hai con ăn một bữa cơm đoàn viên”, bác sĩ Hiệp tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.