Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 2: Giấu nhớ thương trong nước mắt

08/07/2014 09:10 GMT+7

(TNO) Trong danh sách gia đình thân nhân cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển - kiểm ngư có hoàn cảnh khó khăn đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo khu vực Hoàng Sa, số anh em quê miền Trung chiếm phần lớn, nhất là ở Nghệ An. Gặp bố mẹ, vợ con của họ, mới thấm thía những sự nhớ thương, dằng dặc nối biển với bờ, suốt bao năm.

(TNO) Trong danh sách gia đình thân nhân cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển - kiểm ngư có hoàn cảnh khó khăn đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo khu vực Hoàng Sa, số anh em quê miền Trung chiếm phần lớn, nhất là ở Nghệ An. Gặp bố mẹ, vợ con của họ, mới thấm thía những sự nhớ thương, dằng dặc nối biển với bờ, suốt bao năm.

Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 2: Giấu nhớ thương trong nước mắt 1
Anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao số tiền 10 triệu đồng, quà của bạn đọc Báo Thanh Niên tặng chị Nguyễn Thị Hoa, vợ thượng úy Nguyễn Thế Phương, cán bộ tàu CSB-4033 - Ảnh: M.T.H

>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 1: Đám cưới chờ người về

13 năm tại ngũ, nghỉ phép 100 ngày

Thượng úy Nguyễn Thế Phương là cán bộ tàu CSB-4033 đang bám trụ ngoài Hoàng Sa. Lính biển biền biệt xa nhà, tính chi ly trong suốt 13 năm quân ngũ, thượng úy Phương mới về thăm gia đình 7 lần, với thời gian chưa tròn 100 ngày phép.

Chị Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Trường tiểu học Thanh Văn (Thanh Chương, Nghệ An) đã quá quen với việc chồng mình đi xa lắc lơ ngoài biển làm nhiệm vụ, nên khi hỏi chuyện, chỉ rủ rỉ: Năm 2001, anh Nguyễn Thế Phương đứng trong hàng ngũ những người lính bảo vệ vùng biển Tây Nam, đóng quân tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Năm 2008, anh nhận nhiệm vụ mới tại Vùng Cảnh sát Biển 2, ở huyện Núi Thành (Quảng Nam). Khoảng cách gần gũi giữa quê nhà và nơi đóng quân rút ngắn ¾ quãng đường, nhưng số lần về thăm nhà vẫn hiếm hoi, đếm trên đầu ngón tay.

 
Lúc ấy, tự dưng tôi không khóc được nữa và nói với anh rành rọt: Anh yên tâm, em biết dung hòa giữa tình riêng gia đình và lòng yêu Tổ quốc. Dù ở nơi đâu, mẹ con em cũng hướng về anh!
Chị Nguyễn Thị Hoa, vợ thượng úy Nguyễn Thế Phương

“Cuối tháng 4 vừa rồi, anh ấy về nghỉ phép năm, cứ nghĩ sẽ có 20 ngày ở với con, nhưng chỉ vài ngày là có điện khẩn của đơn vị gọi vào!”, chị Hoa ngân ngấn nước mắt kể và thật thà: “Căn nhà bếp cũ kỹ, dột nát anh Phương đang dựng dở, vẫn đợi xong chuyến công tác hoàn thành”.

Bố biền biệt bám biển, trực đơn vị, tính ra, trong khoảng thời gian hơn 13 năm tham gia lực lượng vũ trang, mới về thăm gia đình 7 lần với tổng thời gian chưa được 100 ngày phép, nhưng 2 đứa trẻ Nguyễn Thị Phương Thảo (8 tuổi) và Nguyễn Thế Cường (4 tuổi) suốt ngày bi bô nói chuyện về bố. Hỏi ra mới biết, sự tường tận của con trẻ về người cha, hết thảy đều qua điện thoại. “Nếu ở bờ, tối nào mấy cha con cũng nói chuyện cả tiếng đồng hồ, toàn những chuyện trong nhà ngoài lớp”, chị Hoa nói vậy.

Ra làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa, thượng úy Phương giấu biệt không dám nói với gia đình bởi sợ mẹ đẻ là bà Trần Thị Tư bị bệnh tim, đang điều trị thường xuyên sẽ sốc. Mãi đến hôm xem ti vi, thấy tàu CSB-4033 bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm thẳng vào mạn phải gây hư hỏng, chị Hoa mới sững sờ, khóc giấu thương chồng. Tàu CSB-4033 hư hỏng nặng, phải về bờ sửa chữa, tiếp nhiên liệu, thượng úy Phương mới có sóng điện thoại gọi về nhà rắn rỏi, trong chan hòa nước mắt người vợ phía đầu dây bên kia: “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, có chuyện gì xấu xảy ra, cũng phải thay anh chăm lo sức khỏe cho mẹ và nuôi dạy 2 con học hành chăm ngoan”.

Chị Hoa kể lại: “Lúc ấy, tự dưng tôi không khóc được nữa và nói với anh rành rọt: Anh yên tâm, em biết dung hòa giữa tình riêng gia đình và lòng yêu Tổ quốc. Dù ở nơi đâu, mẹ con em cũng hướng về anh”.

Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 2: Giấu nhớ thương trong nước mắt 4
Tàu Trung Quốc đâm vào tàu CSB Việt Nam - Ảnh: Độc Lập

“May có tấm ảnh, thấy con như ở nhà”

Trong danh sách 11 gia đình thân nhân cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo khu vực Hoàng Sa có hoàn cảnh khó khăn, do đại tá Trần Văn Dũng, Chính ủy Vùng Cảnh sát Biển 2 xác nhận và gửi đến Báo Thanh Niên, chúng tôi chú ý đến trường hợp của trung sĩ Đinh Văn Hương, chiến sĩ phát tín trên tàu CSB-2013 (Hải đội 201, Vùng Cảnh sát Biển 2), tuy chỉ mấy dòng vắn tắt: “Bố mất sớm, mẹ làm ruộng nuôi 2 anh em” và địa chỉ gia đình ở tít xóm 6, Tây Thọ, Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An.

Tìm đến nhà trung sĩ Hương, phải loanh quanh hỏi mãi bởi nằm xa huyện lộ, mãi tít trong núi. Căn nhà cấp 4 bé xíu, nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà miền Trung nghèo nàn, cửa đóng im ỉm. Dò hỏi hàng xóm mới biết chị Đặng Thị Điều, mẹ trung sĩ Hương đang đi gặt lúa thuê và phải nhờ người đi gọi, mãi mới gặp. 

Chị Điều gày gò, tay nổi u chai sạn, mân mê tà áo kể: Con trai đầu Đinh Văn Trà (23 tuổi, đã tốt nghiệp Trường đại học Xây dựng, hiện công tác ở Hà Nội), cậu út là Đinh Văn Hương, năm nay mới 20 tuổi và là chiến sĩ trẻ nhất tàu CSB-2013.

Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 2: Giấu nhớ thương trong nước mắt 2
Gia đình trung sĩ Đinh Văn Hương (chiến sĩ tàu CSB-2013) hằng ngày đưa hình em ra xem cho đỡ nhớ - Ảnh: Nguyên Dũng

Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 2: Giấu nhớ thương trong nước mắt 3
Đại diện Báo Thanh Niên trao tiền hỗ trợ của bạn đọc cho gia đình trung sĩ Đinh Văn Hương - Ảnh: Nguyên Dũng

Chồng mất từ khi con còn nhỏ, chị Điều một mình nuôi 2 con ăn học bằng đồng tiền bán lúa trên 3 sào ruộng khoán và cả làm thuê mọi việc, lúc nông nhàn. “Hồi còn ở nhà, cháu Hương phụ giúp mẹ mọi việc. Cháu đi Cảnh sát Biển, mình tôi đồng áng nên mắc bệnh đau nhức xương sống”, chị Điều thật thà vậy và mắt ánh lên hy vọng: “Làm thuê vậy thôi, nhưng cũng dành dụm được ít tiền, đợi 2 thằng con trai nay mai về lấy vợ”.

 

Có mỗi thằng con trai độc nhất, cứ phải có cháu… để dành, để ông bà già yên tâm cho con bảo vệ bờ cõi, giữ biển quê hương!

Trần Thị Phương, mẹ thiếu úy Nguyễn Quang Cường, Chính trị viên tàu CSB-2013

Trong ngôi nhà nhỏ bé cô quạnh, gió đập thùm thụp vào cánh cửa gỗ ngơ ngẩn mắc lưng tường, roi rói tấm hình trung sĩ Hương áo trắng quần xanh, hiền lành cười ngượng nghịu.

Chị Điền ve vuốt tấm ảnh, mắt hoe đỏ: “Ban đầu cứ lo em nó nhỏ tuổi, không chịu đựng được sóng gió Hoàng Sa, nên xem ti vi thấy tàu Trung Quốc đâm con, lo thắt ruột. Mãi hôm rồi tàu vào bờ sửa chữa, nghe giọng con rắn rỏi qua điện thoại, mới yên tâm phần nào!” và cười: “May có tấm ảnh, để thấy con như đang ở nhà”.

Vợ trẻ đợi chồng trẻ

Ông Nguyễn Văn Phú (55 tuổi, ở xóm 7, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là thương binh 4/4, đang ốm nặng nên không thể tự đi lại được. Dẫu vậy, cứ khi nào VTV phát sóng chương trình Thời sự 19 giờ là ông lại gọi vợ và con dâu dìu ra ghế, theo dõi màn hình để ngóng tin cậu con trai là thiếu úy Nguyễn Quang Cường (27 tuổi, Chính trị viên tàu CSB-2013, Hải đội 201, đang làm nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa.

Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 2: Giấu nhớ thương trong nước mắt 5
Vợ và con dâu dìu ông Nguyễn Văn Phú (bố của thiếu úy Nguyễn Quang Cường, Chính trị viên tàu CSB-2013) tập đi - Ảnh: M.T.H

Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 2: Giấu nhớ thương trong nước mắt 6
Thu nhập của gia đình thiếu úy Cường chỉ là trồng lúa, trồng đỗ - Ảnh: M.T.H

Tính trong xã Ngọc Sơn, nhà ông Phú thuộc dạng neo người: con trai biền biệt ngoài biển, con gái út đang học Trung cấp, nên mọi việc gia đình đều do một tay bà Trần Thị Phương (52 tuổi, vợ ông Phú) đảm trách.

Năm 2012, Nguyễn Quang Cường tốt nghiệp Học viện Chính trị Quân sự ở Bắc Ninh và nhận công tác tại Vùng Cảnh sát Biển 2 đóng tại Núi Thành, Quảng Nam. Tháng 1.2014, thiếu úy Cường về phép cưới vợ là cô nuôi trẻ Dương Thị Hiền (25 tuổi) và có khoảng thời gian gần 2 tuần cùng gia đình. Dịp nghỉ lễ 1.5 vừa qua, Cường lọc cọc nhảy xe đò khoác ba lô về thăm bố ốm nặng, những tưởng ở được 10 ngày như dự định, nhưng chỉ 3 ngày sau, lại hối hả quay trở lại đơn vị, nhận lệnh ra Hoàng Sa đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc. 

Ngồi nói chuyện về đôi vợ chồng trẻ, bà Phương thành thật: “Cuối năm, nếu cháu Cường được về phép, vợ chồng tôi sẽ bắt nó làm 2 việc quan trọng. Đó là đưa bố vào Bệnh viện trong TP.Vinh để thay xương đầu gối và…  gần vợ để bố mẹ có đứa cháu nội bồng bế!” và cười trong nước mắt: “Có mỗi thằng con trai độc nhất, cứ phải có cháu… để dành, để ông bà già yên tâm cho con bảo vệ bờ cõi, giữ biển quê hương”.

Mai Thanh Hải - Nguyên Dũng

>> Ngư dân vẫn kiên cường giữ biển Hoàng Sa
>> Ngư dân đóng tàu lớn quyết bám biển Hoàng Sa
>> Tình đồng đội trên biển Hoàng Sa
>> Bám biển Hoàng Sa đến cùng
>> Tuyên dương các phóng viên tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.