Phi liêm chính trong học thuật - điều xấu hổ của nhà giáo

07/09/2020 15:21 GMT+7

Liêm chính trong học thuật, vấn đề tưởng đã là thuộc tính của người làm khoa học hay người làm quản lý giáo dục , lại trở thành “xa lạ” đối với chính những người trong cuộc.

“Hào quang xếp hạng” đã khiến một số cơ sở giáo dục bất chấp, biến hoạt động khoa học chân chính trở thành thị trường mua bán với các “hợp đồng” thương mại hóa khoa học. Xã hội phẫn nộ trong suốt thời gian qua làm cho những người quản lý giáo dục rất quan ngại, suy ngẫm bởi cốt yếu của giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, là tự trọng. Sao chép luận văn, luận án, công trình khoa học, giáo trình, tài liệu giảng dạy… đã thành vấn nạn khoa học trong môi trường lẽ ra phải đặt liêm chính khoa học lên hàng đầu. Có thể xem đây là “chợ trí thức”, môi trường mua bán tri thức.
Qua thông tin Báo Thanh Niên đăng tải gần đây, hẳn nhiều người giật mình khi biết có người, có đơn vị, tổ chức sẵn sàng trả số tiền lớn cho bất kì bài báo khoa học nào đánh bóng được tên tuổi cho mình, lớn hơn là làm cho bộ mặt nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục của mình được xếp “top”, phân tầng. Dù đó là bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào, kể cả không liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của cơ sở giáo dục và càng không giúp ích cho sự phát triển năng lực giảng viên, người học; càng không mang lại uy tín, hình tượng cho đất nước mà ngược lại gây tổn thất tài chính và danh dự của dân tộc. Đặc biệt trong cái nhìn nghi ngờ, thiếu tin cậy của bạn bè quốc tế, chí ít là trong cộng đồng giáo dục khu vực về học thuật Việt Nam…
Trong khi thực tế những năm qua thương hiệu đại học Việt Nam đang ngày càng được khẳng định với những thành tích đáng tự hào của các giảng viên, nhà khoa học trẻ, của các sinh viên lập thành tích xuất sắc trong học tập. Thương hiệu đại học Việt Nam cũng được kết tinh từ những đóng góp tinh hoa của đội ngũ trí thức với những công bố quốc tế đáng vinh danh, trân quý. Những thành tích đó là thể diện của giáo dục đại học Việt Nam dự phần vào “đấu trường” khu vực và thế giới.

“Chợ trí thức” là do đâu?

Không còn người mua sẽ không có người bán. Đó là căn tính của “chợ”. Những người bán rẻ hay đắt chữ nghĩa của mình mà không quan tâm đến sản phẩm khoa học của mình được công bố nhằm mục đích gì và có được sử dụng đúng mục đích, dẫn đến tình trạng không có văn hóa từ chối khi được “đặt”, “mua” bởi một cá nhân, hay của một “đầu nậu” thu gom để bán cho cơ sở giáo dục nào đó. Vì thế, để giải quyết vấn đề xóa “chợ” này, cần những ràng buộc hơn của các cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá năng lực khoa học của các cơ sở giáo dục. Việc đánh giá, phân tầng các tổ chức tham gia giáo dục đại học chủ yếu là “đếm” mà không “kiểm”? Và sau khi bài báo được công bố, có tổ chức “hậu kiểm”?
Bên cạnh đó, các tạp chí quốc tế “dỏm” cũng đang là vấn đề đáng quan ngại và tạo “cơ hội” cho các cá nhân, tổ chức đua nhau gửi bài và được đăng bài. Kể cả Tạp chí Scopus, ISI… vẫn gây hoang mang “thật giả”. Tình trạng “dùng tiền mua chỉ số”, tiền càng cao chỉ số càng “danh giá” đang là hiện thực của không ít tạp chí gắn nhãn quốc tế. Đây là câu chuyện phải cần đến sự giám sát của các cơ quan chức năng để mang lại công bằng trong cạnh tranh khoa học.
Câu chuyện bài báo quốc tế cũng phải đứng trước cán cân thật giả, đó có phải là vấn đề khiến cho niềm tin công bố quốc tế của các tác giả ngày càng đối mặt với những hoài nghi của độc giả? Hoài nghi là căn cốt của tinh thần khoa học, song bị hoài nghi về sản phẩm khoa học là “vùng cấm” mà bất kỳ người làm khoa học nào cũng cần tránh. Để vấn đề này được giải quyết, bộ lọc chất lượng các tạp chí quốc tế một cách công khai của Việt Nam là vấn đề cần được bàn thảo sâu. Và chừng nào chúng ta xem đây là vấn đề cấp bách thì bài toán về đạo đức trong làm khoa học, phân biệt thật giả mới được minh bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.