Phí công chứng, chứng thực mới: Tăng đến chóng mặt!

06/11/2008 10:44 GMT+7

Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp vừa ban hành hai thông tư liên tịch số 91 và 92 quy định về mức phí mới đối với công chứng và chứng thực bản sao. Theo đó, lệ phí công chứng, chứng thực sẽ tăng rất cao.

Tính toán của một giám đốc công ty cổ phần đầu tư bất động sản cho thấy: với lô đất có giá hơn 20 tỉ đồng mà công ty đang làm thủ tục nhận chuyển nhượng để xây dựng cao ốc văn phòng, nếu thu theo quy định mới công ty ông sẽ phải đóng phí công chứng là 10 triệu đồng, còn công chứng trong thời điểm hiện nay công ty chỉ phải đóng 2 triệu đồng.

Phí công chứng: tăng cả chục lần

Theo quy định tại thông tư liên tịch số 93/2001/TTLT ngày 21-1-2001 (hiện đang áp dụng), các loại hợp đồng, giao dịch có giá ngạch được phân theo chín bậc thang từ dưới 20 triệu đồng đến trên 5 tỉ đồng thì mức thu phí từ 10.000 đồng/trường hợp đến tối đa 2 triệu đồng. Tuy nhiên, theo quy định mới tại thông tư 91 ngày 17-10-2008, các loại hợp đồng, giao dịch có giá ngạch chỉ còn phân chia theo bốn bậc thang từ dưới 100 triệu đồng đến trên 5 tỉ đồng, mức thu tối thiểu là 100.000 đồng/trường hợp và mức tối đa có thể lên tới 10 triệu đồng. Căn cứ trên mức tối đa được thu, cách thu phí mới đã tăng gấp năm lần so với cách thu cũ.

Thế nhưng khi phân tích khoản thu phí đối với từng số hợp đồng cụ thể thì mức phí mới này không chỉ tăng năm lần. Đơn cử, hiện nay đi chứng hợp đồng thế chấp tài sản để vay một khoản tiền dưới 20 triệu đồng người dân chỉ phải đóng lệ phí công chứng 10.000 đồng, nhưng theo mức lệ phí mới sẽ là 100.000 đồng (tăng gấp 10 lần).

Quy định mới cũng tăng mức phí công chứng đối với những người có nhà, đất cho thuê. Theo quy định cũ, trường hợp công chứng hợp đồng cho thuê tài sản mức phí tối đa 50.000 đồng/hồ sơ, nhưng theo quy định mới hợp đồng cho thuê nhà cũng được xếp vào dạng hợp đồng có giá ngạch (tính bằng tổng trị giá tiền thuê) và thu phí theo bậc thang. Ông Nguyễn Việt Yên, có nhà trên đường Lê Thánh Tôn, cho biết ông đang cho một công ty thuê nhà làm trụ sở văn phòng trong bốn năm, giá thuê trong năm đầu tiên là 18 triệu đồng/tháng, các năm tiếp theo mỗi năm giá tăng 10%. Ông Yên tính: nếu đem hợp đồng ra công chứng ông phải đóng phí khoảng 1 triệu đồng, tức gấp 20 lần so với mức đang thu (50.000 đồng).

Tất cả khoản phí liên quan việc công chứng không theo giá trị tài sản, hợp đồng giao dịch cũng bị điều chỉnh tăng gấp đôi so với mức cũ như: công chứng di chúc, hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền, hợp đồng bảo lãnh, lưu giữ di chúc... Khi có việc cần dùng đến văn bản đã được công chứng, người dân có thể đến các phòng công chứng đề nghị cấp bản sao hợp đồng (được lưu giữ tại phòng công chứng) với mức phí 1.000 đồng/trang, nhưng sắp tới mức phí này sẽ bị thu gấp năm lần là 5.000 đồng/trang (từ trang thứ ba trở lên là 3.000 đồng/trang, tối đa không quá 100.000 đồng).

Lệ phí chứng thực bản sao: tăng gấp đôi

Cùng với thông tư 91, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp cũng ban hành thông tư 92 về lệ phí chứng thực bản sao. Hiện mức lệ phí đối với mỗi bản sao là 1.000 đồng/bản, còn theo quy định mới sẽ tăng lên 2.000 đồng/bản (từ trang thứ ba trở đi mỗi trang thu 1.000 đồng, tối đa không quá 100.000 đồng). Lệ phí cấp bản sao từ sổ gốc (bản sao khai sinh, đăng ký kết hôn...) tăng từ 2.000 đồng/bản lên 3.000 đồng/bản, tức tăng 1,5 lần.

Anh Nguyễn Thành Long, ngụ khu phố 7, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết cách đây nửa năm khi nộp hồ sơ xin việc làm anh đã phải tốn hơn 400.000 đồng để sao y giấy tờ: bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng minh nhân dân, hộ khẩu... Nếu tăng lệ phí sao y lên gấp đôi, số tiền mà các sinh viên mới tốt nghiệp phải bỏ ra để làm hồ sơ cá nhân khi xin việc làm quả là không nhỏ. Tương tự, nhiều phụ huynh cũng sẽ phải gánh thêm khoản phí khi sao y giấy tờ làm hồ sơ cho con cái nhập học, thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Theo phân tích của một chuyên viên tư pháp quận, lệ phí 1.000 đồng/bản (từ trang thứ ba trở lên mỗi trang 500 đồng/bản) đối với việc sao y giấy tờ hiện nay mà các phường xã đang thu của người dân là phù hợp, không quá thấp so với các khoản phí, lệ phí khác cũng như công sức của cán bộ tư pháp trong việc kiểm tra giấy tờ.

Giải thích của cán bộ có trách nhiệm tại Bộ Tư pháp cho rằng quy định về phí, lệ phí hiện hành đã được áp dụng từ năm 2001 đã lạc hậu nên phải tăng phí. Dù vậy, một số công chứng viên vẫn cho rằng mức phí theo quy định mới là quá cao. Trong khi đó thông tư cũng đã điều chỉnh tỉ lệ phần trăm mà các phòng công chứng được trích lại để trang trải cho việc quản lý và thu phí là 50% (trước đây chỉ từ 15-30% tùy từng phòng công chứng).

Để giảm gánh nặng cho dân, từ tháng 11-2007 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 24 miễn nhiều loại phí, lệ phí cho người dân như: lệ phí hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, lệ phí địa chính, phí an ninh trật tự, phí phòng chống thiên tai. Chỉ thị cũng giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính phối hợp với nhiều cơ quan khác rà soát để bãi bỏ, miễn, giảm các khoản phí, lệ phí và các khoản đóng góp của người dân. Rất nhiều khoản phí, lệ phí khác cũng được kéo giảm, bớt một phần gánh nặng cho người dân như: lệ phí trước bạ đối với nhà đất giảm từ 1% xuống còn 0,5%, phí thi hành án cũng giảm một nửa (từ 5% xuống còn 2,5% trên tổng trị giá tài sản được nhận). Như vậy, việc tăng lệ phí công chứng, chứng thực bản sao lên nhiều lần là rất khó hiểu.

Theo Chi Mai / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.