Phẫu thuật điều trị béo phì cần kết hợp thể dục và dinh dưỡng hợp lý

Liên Châu
Liên Châu
13/01/2023 05:00 GMT+7

Từng có cân nặng hơn 110 kg với chiều cao 1,57 m, sau phẫu thuật và kiên trì tập luyện trong 2 năm qua, người phụ nữ 36 tuổi đã giảm được 50 kg trọng lượng.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) thông tin 2 năm trước có tiếp nhận nữ bệnh nhân (BN) 36 tuổi ở Đà Nẵng đến khám do bệnh béo phì. BN khi đó đã được thực hiện phẫu thuật thắt đai dạ dày để điều trị béo phì.

TS-BS Bùi Thanh Phúc, Phó trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết trước phẫu thuật BN có cân nặng hơn 110 kg. Với sự tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ sau phẫu thuật, BN duy trì chế độ ăn uống nghiêm ngặt kết hợp rèn luyện thể dục thể thao để giữ cân nặng phù hợp. Sau 2 năm kiên trì, BN đã giảm được 50 kg. Đặc biệt, mới đây BN báo tin vui đến các bác sĩ, chị lần đầu được làm mẹ, sinh con gái nặng hơn 3 kg sau nhiều năm mong mỏi.

Người bệnh béo phì cần duy trì chế độ ăn uống nghiêm ngặt kết hợp rèn luyện thể dục thể thao

shutterstock

Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh béo phì ngày càng tăng với tốc độ báo động, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, kéo theo một loạt hệ lụy về các bệnh lý khác như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, đái tháo đường, vô sinh, ung thư… Điều trị bệnh lý thừa cân, béo phì là một điều trị đa chuyên khoa: dinh dưỡng, hoạt động thể lực, phẫu thuật, tư vấn điều trị tâm lý… Với những BN trẻ tuổi, cần điều trị sớm để không ảnh hưởng đến chế độ vận động và sức khỏe sinh sản sau này.

Theo GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, những năm gần đây, ngày càng nhiều ca điều trị béo phì. Đến nay, theo thống kê tại bệnh viện, đã có khoảng 300 trường hợp lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi thu hẹp dạ dày và thắt đai dạ dày nhằm hạn chế việc ăn và số lượng thức ăn thu nạp vào cơ thể. Đa số các trường hợp đến bệnh viện tìm hiểu về phẫu thuật giảm béo đều không kiểm soát được tình trạng béo phì bằng cách thay đổi lối sống và không đáp ứng với các phương pháp trị liệu khác.

GS Trần Bình Giang cho biết Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện phẫu thuật điều trị béo phì từ năm 2005. Qua theo dõi các trường hợp phẫu thuật béo phì tại bệnh viện, các kết quả đánh giá cho thấy cân nặng trung bình của mỗi người sau phẫu thuật một năm giảm khoảng 35 kg. Có trường hợp sau 2 năm cân nặng giảm từ 160 kg xuống còn 78 kg. Nhiều người sau phẫu thuật giảm béo đã khiến các bệnh phối hợp như đái tháo đường, mỡ máu… gần như biến mất.

Thay đổi thói quen để phòng ngừa béo phì

Giữ trạng thái tâm lý cân bằng, tránh stress

Ngủ đủ giấc, cố gắng đi ngủ và dậy đúng giờ

Không ăn thức ăn nhanh

Tăng cường ăn rau và trái cây

Duy trì thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên

Bỏ hút thuốc lá, hạn chế thức uống có cồn

Uống đủ nước

Giảm thời gian xem ti vi và mạng xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.