Phẫu thuật cắt bướu khủng chèn ép cột sống, cứu bé trai khỏi liệt vĩnh viễn

26/12/2017 15:14 GMT+7

Bé trai B.T.T (12 tuổi, ngụ Phú Yên) được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khám trong tình trạng lưng gù, hai chân yếu, hay than nhức lưng và tê chân.

[VIDEO] Khối bướu “khủng” nặng 1.5kg trong lòng ngực bệnh nhi 12 tuổi
Mẹ của T. cho biết bé chỉ bị gù lưng gần đây, đồng thời xuất hiện các tình trạng trên. Khoảng hai tuần trước, đi học về bé than chân yếu không đi cầu thang được mà phải đu lên mới vào được lớp học.
Hôm nay 26.12, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, bé mang một khối bướu khủng (kích thước 18x10x9 cm), chiếm toàn bộ khoang ngực bên phải. Kích thước quá lớn của khối bướu đã chèn ép tủy sống, khiến bé bị gù lưng và gây yếu liệt hai chân.
Trong thời gian nằm tại Bệnh viện Nhi đồng 1 để thực hiện các xét nghiệm, tình trạng của bệnh nhi diễn tiến cực kỳ nhanh. Bé nhanh chóng yếu liệt không thể đi lại, chỉ còn nhúc nhích được ngón chân, tiêu tiểu khó, đau lưng nhiều hơn.
“Đây là loại bướu hạch thần kinh. Tuy là bướu lành tính nhưng phát triển rất nhanh ở vị trí hiểm hóc, lan vào trong ống tủy sống, chèn ép vào đoạn tủy ngực khiến bệnh nhi có biểu hiện liệt chân, rối loạn tiêu tiểu, mất cảm giác, chèn ép tim phổi. Vì vậy, nếu không phẫu thuật lấy bướu ra kịp thời thì bé có nguy cơ bị liệt hẳn do dây thần kinh bị phá hủy, sau này có phẫu thuật cũng không còn khả năng phục hồi vận động”, bác sĩ Hiếu đánh giá.
Để phẫu thuật cho bệnh nhi, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hội chẩn với các đồng nghiệp Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM để có phương án tối ưu. Ê-kíp bác sĩ đã phải thực hiện hai ca phẫu thuật, mỗi lần 5-6 giờ, mới lấy được hết khối bướu nặng khoảng 1,5 kg ra khỏi cơ thể bé.
Ca phẫu thuật đầu tiên diễn ra vào ngày 12.12, các bác sĩ mổ bóc tách bướu cột sống thành công.
Sau đó, các bác sĩ quyết định tạm ngưng phẫu thuật để hồi sức cho bệnh nhi mới tiếp tục mổ lồng ngực. Đến ngày 21.12, ca mổ thứ hai được thực hiện để lấy trọn phần bướu còn lại nằm ở lồng ngực phải.
Hôm nay, bé đã tỉnh, chân dần hết tê và cử động lại được.
Theo bác sĩ Hiếu, nhiều ca phẫu thuật cắt bướu khủng cho bệnh nhi cũng đã được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Tuy nhiên, tình trạng bướu chèn ép vào tủy sống là khá hiếm gặp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.